Hà Nội

Người cao tuổi nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, bảo đảm thích ứng già hóa dân số

24-12-2021 06:14 | Xã hội
google news

SKĐS - Trước thực trạng già hóa dân số đang diễn ra ở nước ta, việc nâng cao kỹ năng tự chăm sóc của người cao tuổi rất quan trọng giúp cuộc sống chủ động, khỏe mạnh…

Một trong những xu hướng biến đổi mạnh mẽ gần đây là xu hướng già hóa dân số, trong đó người cao tuổi tăng cả về số lượng và tỷ lệ so với tổng dân số, vừa là cơ hội và thách thức cho sự phát triển bền vững. Chủ động đối mặt với thực tế của già hóa dân số, tìm ra những giải pháp tối ưu hóa lợi ích của già hóa dân số cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực của nó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Việt Nam hiện nay.

Hiện nay, Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế đang dựa trên phân loại của Cowgill và Holmes (1970) chia các mức độ già hóa của dân số như sau: khi dân số từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 7% – 9,9% tổng dân số thì dân số được coi là "già hóa". Tương tự, 10%-19,9% gọi là dân số "già"; 20%-29,9% gọi là dân số "rất già" và từ 30% trở lên gọi là dân số "siêu già".

Trên cơ sở cách phân loại này, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số với tỷ lệ dân số trên 65 tuổi là 7,7%.

Người cao tuổi nâng cao kỹ năng tự chăm sóc, bảo đảm thích ứng già hóa dân số           - Ảnh 1.

Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, nhóm người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên) sẽ khoảng hơn 21 triệu người, chiếm 20% tổng dân số. 

Nhận thấy tầm quan trọng của già hóa dân số, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 137/NQ – CP ngày 31/12/2017 về Chương trình hành động của Chính phủ để thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương Đảng XII về công tác dân số trong tình hình mới; Quyết định số 1679/QĐ – TTg ngày 22/11/2019 về phê duyệt Chiến lược Dân số Việt Nam đến 2030, Quyết định số 1579/QĐ – TTg ngày 13/10/2020 về phê duyệt Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đến năm 2030 với mục tiêu chung là chăm sóc, nâng cao sức khỏe người cao tuổi, thích ứng với già hóa dân số.

Trong đó, chương trình đề cao việc tăng cường chăm sóc sức khỏe, xây dựng và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi với sự tham gia tích cực, chủ động của mọi thành phần xã hội và nâng cao năng lực quốc gia về chăm sóc người cao tuổi. Các công tác truyền thông giáo dục sức khỏe và nâng cao nhận thức, ý thức về sức khỏe cho mọi lứa tuổi để chuẩn bị cho một tuổi già khỏe mạnh, tránh bệnh tật, thương tật và tàn phế. Cần chú trọng đến việc quản lý và kiểm soát các bệnh mãn tính (đặc biệt như tim mạch, tăng huyết áp, thoái khớp, tiểu đường, ung thư) cùng với việc ứng dụng các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và điều trị sớm, điều trị lâu dài các bệnh mãn tính.

Theo kết quả điều tra quốc gia về người cao tuổi năm 2019, hơn 60% số người cao tuổi tại Việt Nam có tình trạng sức khỏe yếu và rất yếu, cần phụ thuộc vào người chăm sóc.

Phần lớn người cao tuổi chỉ bắt đầu điều trị khi bệnh đã ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt cuộc sống hằng ngày. Lúc này, cơ thể họ đã xuất hiện nhiều bệnh mãn tính như tim mạch, huyết áp, tiểu đường, xương khớp, suy giảm trí nhớ..., tình trạng bệnh chồng bệnh cùng với hệ miễn dịch suy yếu khiến việc điều trị càng trở nên khó khăn.

Theo các chuyên gia, với điều kiện thực tế ở nước ta, cần sớm xây dựng hệ thống chăm sóc y tế không chỉ đáp ứng nhu cầu mà còn có thể giúp làm chậm lại quá trình lão hóa ở người cao tuổi. Ngoài điều trị và chăm sóc y tế thì rất cần một mạng lưới cơ sở hỗ trợ người cao tuổi. Ở đó lấy người cao tuổi làm trung tâm, chung quanh là người thân, gia đình, hàng xóm rồi nhóm sinh hoạt cộng đồng, câu lạc bộ người già, hội tình nguyện...

Bên cạnh đó, người cao tuổi cần chủ động  trong phòng ngừa sức khỏe rất quan trọng giúp cuộc sống chủ động, khỏe mạnh, vui vẻ. Điều này cũng hạn chế phụ thuộc vào con cháu và người chăm sóc.

Để làm được điều này, ngay từ khi còn khỏe, cần tăng cường sức khỏe chủ động phổ biến là thay đổi chế độ dinh dưỡng và tập thể thao rèn luyện sức khỏe...

Đối với chế độ dinh dưỡng, cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng về cả lượng và chất. Nên ăn nhiều hoa quả, cân đối các nhóm dưỡng chất như: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất… Người cao tuổi cần hạn chế các chất ngọt, chất béo, thay vào đó tăng cường rau xanh và các chất đạm thực vật để dễ tiêu hóa.  

Người cao tuổi cũng cần phải bảo đảm ăn uống đúng giờ, đúng bữa, giữ nếp sinh hoạt bình thường. Vào mùa đông, chú ý uống đủ nước và nên dùng nước ấm, các loại nước ép trái cây tươi để tăng sức đề kháng. Phải mặc đủ ấm lúc ngủ cũng như lúc thức, ở trong nhà cũng như khi ra ngoài, chú ý giữ ấm đầu, cổ, bàn chân; tránh ở lâu ngoài trời, thức khuya trong những ngày trời rét để phòng bệnh cảm lạnh, viêm phổi hay các biến chứng tim mạch...

Người cao tuổi cần duy trì chế độ tập thể dục, dưỡng sinh, đi bộ thường xuyên để điều hòa khí huyết, giữ gìn sức khỏe; duy trì chế độ ăn uống điều độ, bảo đảm giữ ấm khi thời tiết giá lạnh; tránh đi bộ ngoài trời mùa mưa, mùa đông vì rất dễ bị cảm lạnh…

Người cao tuổi tham gia hoạt động xã hội giúp 'già hóa năng động' Người cao tuổi tham gia hoạt động xã hội giúp "già hóa năng động"

SKĐS - Tham gia các hoạt động xã hội không chỉ giúp người cao tuổi cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn còn giúp họ vui vẻ, quên đi sự cô đơn, hạn chế những suy nghĩ tiêu cực…


T. H
Ý kiến của bạn