Trong đại dịch cúm A/H1N1 hiện nay đối tượng tấn công chủ yếu của virut này đang là lứa tuổi còn trẻ. Tuy nhiên người cao tuổi vẫn là đối tượng được cảnh báo cần phải đặc biệt chú trọng các biện pháp phòng ngừa. Các chuyên gia truyền nhiễm nhấn mạnh, không chỉ có virut cúm A/H1N1 mà các virut cúm mùa thông thường khác cũng có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho người cao tuổi.
Nguy cơ bội nhiễm cao nếu bị nhiễm cúm A/H1N1
TS. Trịnh Thị Ngọc - Trưởng khoa Truyền nhiễm - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, hằng ngày có khoảng 15-20 bệnh nhân có triệu chứng cúm đến khám tại khoa, trên kết quả test nhanh thì có 2/3 số bệnh nhân này có dương tính với cúm A/H1N1, chủ yếu là người dưới 20 tuổi. Mặc dù trong đại dịch cúm A/H1N1 hiện nay, người trẻ tuổi đang là đối tượng tấn công chính của virut này nhưng người cao tuổi vẫn là nhóm có nguy cơ dễ mắc và có thể dẫn đến những biến chứng nặng.
ThS. Trần Quang Thắng - Khoa cấp cứu - Viện Lão khoa Quốc gia cho biết, càng nhiều tuổi theo quá trình lão hóa, sức đề kháng của người cao tuổi ngày một suy giảm, sự xâm nhập của virut cúm A/H1N1 sẽ rất thuận lợi. Nghiêm trọng hơn là khi virut cúm A/H1N1 tấn công sẽ tiếp tục làm suy giảm hơn nữa sức đề kháng của người cao tuổi, đây là lúc thuận lợi cho các loại virut, vi khuẩn khác tấn công, nguy cơ bội nhiễm là rất lớn. Các chuyên gia truyền nhiễm còn nhấn mạnh, không chỉ có virut cúm A/H1N1 mới gây ra những biến chứng và nguy cơ bội nhiễm mà các virut cúm mùa khác đều có thể dẫn đến những biến chứng nặng nếu bệnh cúm ở người cao tuổi không được phát hiện sớm và điều trị đúng.
Virut cúm A/H1N1 có thể làm trầm trọng thêm các bệnh mạn tính có sẵn
TS. Trịnh Thị Ngọc cho biết, các bệnh lý mạn tính đường hô hấp, rối loạn chuyển hóa, tim mạch... là những nhóm bệnh thường thấy ở người cao tuổi. Những người này nếu mắc cúm A/H1N1 hoặc cúm mùa có thể làm cho bệnh trầm trọng hơn. Đối với nhóm bệnh mạn tính đường hô hấp hay gặp nhất là hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, giãn phế quản, xơ phổi... các tác nhân cúm sẽ làm tổn thương ở hệ hô hấp có nguy cơ diễn biến xấu hơn. Viêm phổi sẽ dễ xuất hiện hơn ở người trên 65 tuổi. Các virut cúm cũng có thể kết hợp với các ổ nhiễm khuẩn mạn tính ở răng, lợi, miệng, tai mũi họng tấn công nhanh hơn đường hô hấp dưới. Đối với những người có bệnh lý rối loạn chuyển hóa và tim mạch như đái tháo đường, xơ vữa động mạch, đau thắt ngực mạn tính... thì virut cúm cũng là mối nguy cơ thúc đẩy các bệnh lý này diễn biến nặng hơn, nhất là khi cúm có xuất hiện các biến chứng và bội nhiễm. Vòng luẩn quẩn của bệnh chính là người mắc bệnh mạn tính lại rất dễ mắc cúm hơn so với người bình thường.
Virut cúm A/H1N1 tác động xấu đến người có bệnh phổi mạn tính. |
Theo các bác sĩ, trong tình hình đại dịch cúm A/H1N1 như hiện nay cùng với thời tiết cũng đang chuyển mùa, biện pháp phòng ngừa tốt nhất cho cộng đồng nói chung và người cao tuổi nói riêng là tránh tiếp xúc với nguồn bệnh, không nên đến những nơi đông người. Người cao tuổi cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, cải thiện môi trường sống, tránh khói bụi, ẩm mốc. Những người mắc bệnh mạn tính cần tuân thủ điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ, kiểm soát tốt huyết áp, đường máu và bệnh hen nếu có. TS. Ngọc nhấn mạnh, mặc dù nước ta bệnh cúm mùa diễn ra thường xuyên nhưng người dân chưa có thói quen tiêm vaccin cúm mùa phòng bệnh. Do vậy để hạn chế tác hại của bệnh cúm nói chung, người cao tuổi cần chủ động tiêm vaccin cúm mùa, vaccin phế cầu. Khi có những dấu hiệu của bệnh cúm, người cao tuổi cần được chăm sóc và theo dõi chặt chẽ diễn biến của bệnh, cần chuyển đến cơ sở y tế điều trị tích cực nếu có những biến chứng.
Lê Hảo