Lão hóa tác động tới hấp thu thuốc thế nào?
Để thuốc có hiệu quả tác dụng, thuốc phải được hấp thụ vào cơ thể (thông qua ruột), phân bố ở các nơi cần thiết của cơ thể (thông qua các mạch máu), thay đổi hóa học hoặc chuyển hóa (ở gan hoặc thận) và sau đó loại bỏ khỏi cơ thể (chủ yếu qua nước tiểu).
Quá trình lão hóa làm thay đổi quá trình thuốc được hấp thu, chuyển hóa, phân phối và loại bỏ ra khỏi cơ thể, làm các tác dụng phụ trở nên rõ nét hơn. Các yếu tố lão hóa gây ảnh hưởng tới sự hấp thu thuốc gồm:
Tăng tỷ lệ % mỡ của cơ thể: Khi có tuổi, cơ thể tích tụ nhiều chất béo. Mặc dù trọng lượng vẫn như cũ, nhưng tỷ lệ mỡ trong cơ thể tăng lên so với tỷ lệ thịt. Các loại thuốc hòa tan được trong chất béo có thể bị tồn lưu trong các tế bào chất béo của cơ thể và ở lại trong các hệ thống cơ thể một thời gian dài hơn, do đó làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
Giảm tỷ lệ chất lỏng: Khi có tuổi, các tế bào trong cơ thể mất dần lượng nước dự trữ, tình trạng này làm giảm khả năng hòa tan của các thuốc tan trong nước, làm cho một số loại thuốc bị tích tụ trong cơ thể, do đó làm tăng tác dụng phụ của thuốc.
Người cao tuổi cần có sự trợ giúp để việc dùng thuốc được an toàn.
Giảm chức năng hệ tiêu hóa: Khi chúng ta già đi, những thay đổi trong hệ thống tiêu hóa làm ảnh hưởng đến quá trình hấp thu nhanh chóng thuốc vào dòng máu. Sự vận động của dạ dày chậm lại, nên phải mất nhiều thời gian để đẩy thuốc xuống ruột, nơi thuốc được hấp thu sau đó. Ngoài ra, dạ dày sản xuất ra ít acid hơn và phải mất lâu hơn để phá vỡ cấu trúc đối với một số loại thuốc. Những thay đổi này có thể gây ra giảm tác dụng hoặc làm cho thời gian phát huy tác dụng của thuốc lâu hơn.
Giảm chức năng gan: Gan là một trong những cơ quan quan trọng nhất trong cơ thể có nhiệm vụ chuyển hóa hoặc phá vỡ các thuốc. Khi chúng ta già đi, gan nhỏ hơn, lưu lượng máu đến gan giảm và các chất hóa học (enzyme) trong gan giúp phân hủy thuốc cũng bị giảm đi. Điều này dẫn đến thuốc tích tụ trong gan nhiều hơn, do đó gây ra các tác dụng phụ không mong muốn và có thể gây tổn hại tới gan.
Giảm chức năng thận: Tương tự như gan, chức năng thận cũng suy giảm theo tuổi tác. Thận có thể nhỏ hơn, lưu lượng máu đến thận vì thế cũng giảm và trở nên kém hiệu quả để loại bỏ thuốc. Bắt đầu từ khoảng 40 tuổi, chức năng thận giảm khoảng 1% mỗi năm, dẫn đến thuốc vẫn tồn tại trong cơ thể lâu hơn, làm tăng nguy cơ gây ra các tác dụng phụ.
Giảm trí nhớ: Thường gặp ở người lớn tuổi. Rối loạn bộ nhớ khiến người ta quên uống thuốc, dẫn đến sự kiểm soát các bệnh mạn tính đang mắc cũng bị kém đi. Hơn nữa, những người bị mất trí nhớ có thể không có khả năng hiểu hoặc làm đúng theo hướng dẫn của bác sĩ, đặc biệt là việc quản lý lịch trình uống thuốc phức tạp hàng ngày.
Giảm thị lực và thính lực: Những rối loạn thị giác, chẳng hạn như bệnh võng mạc do đái tháo đường, tăng nhãn áp và đục thủy tinh thể, thường gặp ở người lớn tuổi, gây khó khăn trong việc đọc nhãn trên bao bì thuốc kê toa và các sản phẩm thuốc không kê toa. Rối loạn nghe có thể gây khó khăn cho người già để nghe đúng hướng dẫn của bác sĩ và dược sĩ.
Giảm sự khéo léo: Nhiều người lớn tuổi bị viêm khớp, khuyết tật về thể chất và rối loạn hệ thần kinh như bệnh Parkinson. Những bệnh lý này gây khó khăn để mở lọ thuốc, lấy thuốc hoặc dùng thuốc (thuốc nhỏ mắt, thuốc hít cho bệnh hen suyễn và COPD và thuốc tiêm insulin...).
Vì sao người cao tuổi thường bị tác dụng phụ của thuốc?
Người lớn tuổi có nhiều khả năng mắc một hoặc nhiều bệnh mạn tính. Các bệnh mạn tính có thể được điều trị bằng nhiều loại thuốc, tạo ra những thay đổi làm tăng nguy cơ đối diện với nhiều phản ứng phụ của thuốc. Những nguy cơ tác dụng phụ của thuốc có thể liên quan đến:
Các loại thuốc dùng một lúc: Thường phổ biến cho người lớn tuổi do mắc nhiều bệnh mạn tính đan xen. Ví dụ, nhiều người lớn tuổi bị đái tháo đường týp 2, đồng thời cũng mắc bệnh tăng huyết áp, cholesterol máu cao và bệnh trầm cảm. Vì thế họ thường phải dùng đồng thời một loại thuốc uống trị bệnh đái tháo đường, một loại thuốc huyết áp, một loại thuốc giảm cholesterol và thuốc chống trầm cảm. Sự kết hợp của các loại thuốc này tiềm ẩn đáng kể các phản ứng phụ.
Tương tác thuốc: Do sự gia tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh mạn tính, nhiều người lớn tuổi có thể phải dùng nhiều loại thuốc. Càng dùng một lúc nhiều loại thuốc, càng có nhiều khả năng xảy ra tương tác giữa các thuốc với nhau, giữa thuốc với thức ăn hoặc rượu.
Lịch dùng thuốc phức tạp: Dùng nhiều loại thuốc vào những thời điểm khác nhau trong ngày có thể làm phức tạp và làm tăng nguy cơ mắc sai lầm ở người cao tuổi như dễ quên uống thuốc vào đúng thời điểm hoặc dùng một liều gấp đôi.
Vì vậy, nếu gặp bất kỳ khó khăn khi dùng thuốc vì tuổi tác, nên nói chuyện với bác sĩ và dược sĩ để được tư vấn cách làm thế nào để quản lý thuốc tốt hơn. Ngoài ra, cần có sự trợ giúp của các thành viên trong gia đình, bạn bè hay trung tâm y tế tại địa phương trong việc dùng thuốc ở người cao tuổi. Trước khi bắt đầu một loại thuốc mới, phải chắc chắn rằng đã hiểu rõ tác dụng phụ của thuốc, khả năng tương tác với các thuốc khác và thực phẩm đang dùng hàng ngày.