Theo Hướng dẫn Giám sát và phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế, nhóm đối tượng ưu tiên cao tiêm vaccine phòng COVID-19 gồm người cao tuổi, người lớn với bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý miễn dịch, phụ nữ có thai và cán bộ y tế tuyến đầu.
Sau khi Bộ Y tế chuyển COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B, ngành y tế ban hành một loạt các quyết định để hướng dẫn các địa phương, đơn vị y tế và người dân các biện pháp phòng chống dịch tiếp theo.
Theo Quyết định số 3985/QĐ-BYT ngày 29 tháng 10 năm 2023 của Bộ Y tế về Hướng dẫn Giám sát và Phòng chống COVID-19, ngoài việc thực hiện các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu để phòng COVID-19 như 2K (khẩu trang – khử khuẩn), thường xuyên vệ sinh và sát khuẩn tay, nâng cao sức khỏe, tăng cường vệ sinh nơi ở, tránh tiếp xúc với người có triệu chứng bệnh hô hấp… còn có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu rất hiệu quả. Đó là tiêm vaccine theo hướng dẫn của Bộ Y tế và cơ quan y tế địa phương.
GS.TS Phan Trọng Lân cho rằng: "Nếu tuân thủ các hướng dẫn của ngành y tế thì người dân sẽ luôn có cách chủ động từ sớm, từ xa để phòng ngừa dịch bệnh". Đặc biệt là triển khai chiến dịch tiêm thường xuyên như theo chuyên môn và hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.
Cụ thể là sẽ triển khai lồng ghép tiêm vaccine phòng COVID-19 với hoạt động tiêm chủng thường xuyên, được thực hiện như sau:
Nguyên tắc thực hiện tiêm vaccine phòng COVID-19
- Căn cứ số đối tượng cần tiêm chủng, số lượng vaccine được cung ứng, hạn dùng, điều kiện bảo quản vaccine và thực tiễn triển khai tiêm chủng, các tỉnh/thành phố xem xét, quyết định hình thức triển khai tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 thường xuyên hàng tháng hoặc định kỳ.
- Tổ chức truyền thông rộng rãi về hình thức tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 và thông báo cho người dân về thời gian, địa điểm tiêm chủng.
- Tổ chức buổi tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 riêng với các vaccine tiêm chủng thường xuyên khác để đảm bảo an toàn, tránh nhầm lẫn do nhóm đối tượng tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 khác với đối tượng tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng.
- Việc lập kế hoạch, phân bổ và điều phối vaccine, bố trí địa điểm, nguồn lực, phương tiện tiêm chủng, tổ chức buổi tiêm chủng, thống kê, báo cáo kết quả tiêm và theo dõi, giám sát, báo cáo phản ứng sau tiêm chủng: thực hiện theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng và các Thông tư, hướng dẫn liên quan của Bộ Y tế.
- Việc xác định nhu cầu vaccine căn cứ theo nhu cầu tiêm chủng của người dân cho các đối tượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và khuyến cáo của WHO.
Những đối tượng ưu tiên tiêm vaccine COVID-19
- Nhóm ưu tiên cao: người cao tuổi, người lớn với bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch, những người có bệnh lý miễn dịch, phụ nữ có thai và cán bộ y tế tuyến đầu.
- Nhóm ưu tiên trung bình: người lớn khỏe mạnh dưới 50 tuổi hoặc 60 tuổi không có bệnh nền, trẻ em và trẻ vị thành niên mắc các bệnh nền.
- Nhóm ưu tiên thấp: trẻ em và trẻ vị thành niên khoẻ mạnh từ 5 đến dưới 18 tuổi.
Theo Hướng dẫn này, người nghi ngờ mắc bệnh COVID-19 cần thực hiện các biện pháp phòng lây nhiễm cá nhân:
+ Tự theo dõi sức khỏe.
+ Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác hoặc khi ra khỏi nơi lưu trú.
+ Hạn chế tiếp xúc với người khác.
+ Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay; vệ sinh khử khuẩn các bề mặt tiếp xúc.
- Những trường hợp nghi ngờ mắc bệnh có biểu hiện bệnh nặng hoặc có nguy cơ cao mắc bệnh nặng (người cao tuổi; người có bệnh nền nặng như tiểu đường/tim mạch; những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch; phụ nữ có thai) nên được làm xét nghiệm sớm để chẩn đoán xác định.
- Nếu cần rời khỏi nơi lưu trú: cần tuân thủ đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay, hạn chế tiếp xúc với người khác.
- Người nghi ngờ mắc bệnh: nếu tự xét nghiệm và có kết quả dương tính thì cần thông báo cho Trạm Y tế xã, phường nơi lưu trú để được hướng dẫn và trợ giúp.