Người cao tuổi cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?

02-04-2024 14:41 | Bệnh người cao tuổi
google news

SKĐS - Người cao tuổi thường gặp vấn đề về giấc ngủ, mất ngủ. Nhiều người thường thắc mắc vậy người cao tuổi ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày là đủ, ngủ nhiều quá có tốt không?

Người cao tuổi ngủ bao lâu thì tốt?

Chúng ta đều biết, người bình thường nên ngủ đủ giấc từ 6-8 tiếng mỗi ngày. Tuy nhiên, với người cao tuổi thường gặp các vấn đề về giấc ngủ, mất ngủ. Nếu không thể đảm bảo ngủ từ 6-8 tiếng, người cao tuổi có thể ngủ 5-6 tiếng vào buổi tối và ngủ trưa từ 30 phút đến 1 tiếng.

Người cao tuổi cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?- Ảnh 1.

ThS.BS Nguyễn Thị Kim Oanh - Phó Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu (Bệnh viện Hữu Nghị).

Với những người gặp vấn đề về giấc ngủ hoặc không thể ngủ được do các yếu tố khách quan thì vẫn nên nằm nghỉ ngơi để cơ thể thư giãn, thoải mái.

Người cao tuổi mất ngủ nên làm gì?

Giấc ngủ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe tinh thần và thể chất của người cao tuổi. Nếu gặp tình trạng mất ngủ, người cao tuổi có thể áp dụng các biện pháp sau:

  • Đảm bảo thời gian ngủ đều đặn, hợp lý: Cách tốt nhất người cao tuổi nên có thời gian ngủ cố định tạo thành thói quen, không nên thức khuya. Việc ngủ sớm và dậy sớm có lợi hơn so với ngủ muộn dậy muộn.
  • Tập luyện thể dục. Việc duy trì tập luyện thể dục không chỉ là cách nâng cao sức khỏe mà còn giúp người cao tuổi đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn, giảm tình trạng mất ngủ. Mỗi ngày, người cao tuổi có thể tập luyện khoảng 15-20 phút, nên lựa chọn những bài tập có cường độ vừa phải, không nên tập luyện gắng sức và không tập luyện quá khuya.
  • Có thời gian nghỉ ngơi, thư giãn hợp lý. Trước khi đi ngủ, người cao tuổi nên hạn chế dùng điện thoại, thiết bị điện tử. Đồng thời hạn chế các thói quen ảnh hưởng đến giấc ngủ, gây mất ngủ như: ăn quá no vào buổi tối, sử dụng chất kích thích rượu bia, thuốc lá, cà phê, trà…

Người cao tuổi cần ngủ bao nhiêu giờ mỗi ngày?- Ảnh 2.

Các loạn nệm quá cứng không đàn hồi có thể gây ra tình trạng đau lưng, đau vai, hông gây mất ngủ cho người cao tuổi.

  • Đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ. Chế độ dinh dưỡng có ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của mỗi người. Với người cao tuổi, việc hấp thu kém có thể dẫn tới thiếu hụt các chất dinh dưỡng khiến cơ thể suy nhược từ đó gây ra các vấn đề về sức khỏe trong đó có mất ngủ. Người cao tuổi cần đảm bảo chế độ dinh dưỡng đầy đủ các loại vitamin, khoáng chất có thể thông qua thực phẩm hàng ngày hoặc đường uống. Ngoài ra nên ăn nhiều rau củ quả trái cây, uống đủ nước và hạn chế đồ ăn nhiều dầu mỡ, chiên xào, đồ ăn nhiều muối, thực phẩm đóng hộp…. Người cao tuổi mắc các bệnh lý mạn tính có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa để có chế độ dinh dưỡng phù hợp.
  • Bên cạnh đó, người cao tuổi cũng nên lưu ý việc chọn nệm. Các loại nệm mềm có thể gây ảnh hưởng đến cột sống, gù vẹo tư thế cho người cao tuổi và gây mất ngủ. Người cao tuổi nên chọn nệm cứng và có độ đàn hồi, có độ dày từ 10-15cm và đảm bảo độ thoáng khí.

Trong trường hợp áp dụng các biện pháp chữa mất ngủ tại nhà nhưng không hiệu quả, người cao tuổi cần gặp các bác sĩ chuyên khoa để tìm nguyên nhân. Nếu người cao tuổi mắc các bệnh lý như tiêu hóa, tiết niệu, xương khớp… gây ảnh hưởng đến giấc ngủ thì cần điều trị dứt điểm.

Xem thêm video được quan tâm:

5 thực phẩm có lợi cho người khó ngủ | SKĐS


Ths.BS Nguyễn Thị Kim Oanh
Phó Trưởng khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu – Bệnh viện Hữu Nghị
Ý kiến của bạn