duc-thuy-tinh-the-bam-sinh
Ở người già, thị lực không chỉ là khả năng nhìn mà còn gắn liền với chất lượng sống, khả năng tự chăm sóc và phòng ngừa tai nạn. Tuy nhiên, bệnh đục thủy tinh thể – tình trạng thủy tinh thể bị mờ đục do lão hóa và nhiều yếu tố nguy cơ khác – đang ngày càng phổ biến, khiến hàng triệu người mất đi "ánh sáng" trong cuộc sống thường nhật.
Người lớn tuổi bị đục thủy tinh thể có nguy cơ mắc trầm cảm và sa sút trí tuệ hơn người có thị lực tốt
Thủy tinh thể là một bộ phận trong suốt nằm sau mống mắt, đóng vai trò như thấu kính hội tụ ánh sáng lên võng mạc. Theo thời gian, cùng với quá trình lão hóa và các yếu tố nguy cơ khác, thủy tinh thể có thể bị mờ đục – được gọi là đục thủy tinh thể (hay còn gọi là cườm khô, cườm đá).

Người cao tuổi được bác sĩ kiểm tra thị lực định kỳ để phát hiện sớm dấu hiệu đục thủy tinh thể. Hình minh họa.
Ở giai đoạn đầu, bệnh tiến triển âm thầm với các biểu hiện như mờ mắt, nhìn đôi, nhòe sáng hoặc khó phân biệt màu sắc. Dần dần, người bệnh mất thị lực hoàn toàn nếu không được can thiệp y tế đúng lúc.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đục thủy tinh thể hiện là nguyên nhân gây mù lòa đứng đầu toàn cầu, chiếm khoảng 51% trong tổng số ca mù (tương đương hơn 20 triệu người). Báo cáo "Gánh nặng bệnh tật toàn cầu 2021" (GBD) cho thấy, số người mắc căn bệnh này đã tăng gấp đôi trong 30 năm qua – từ hơn 42 triệu người (1990) lên tới hơn 100 triệu người (2021).
Đục thủy tinh thể là một quá trình lão hóa tự nhiên. Tuy nhiên, bệnh thường trở nên phổ biến sau tuổi 50, đặc biệt tăng mạnh ở người trên 70 tuổi. Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí BMJ Open, tỷ lệ người từ 80 tuổi trở lên mắc đục thủy tinh thể lên tới 92,6%.
Bên cạnh tuổi tác, bệnh còn liên quan đến nhiều yếu tố nguy cơ như:
- Tiểu đường
- Hút thuốc lá
- Lạm dụng thuốc corticosteroid kéo dài
- Tiếp xúc ánh nắng mặt trời mạnh, tia cực tím
- Dinh dưỡng kém
- Di truyền
- Từng chấn thương hoặc phẫu thuật mắt
Tại Việt Nam, Bộ Y tế cho biết đục thủy tinh thể là nguyên nhân gây mù lòa chiếm tới 66,1% tổng số ca mù, chủ yếu ở người cao tuổi. Trung bình mỗi năm nước ta ghi nhận khoảng 150.000 ca bệnh mới, trong đó 70% là người trên 50 tuổi.
Một nghiên cứu gần đây cho thấy, những người lớn tuổi mắc đục thủy tinh thể có nguy cơ bị trầm cảm và sa sút trí tuệ cao hơn những người có thị lực tốt. Ngoài ra, việc giảm thị lực cũng khiến người già gặp khó khăn trong sinh hoạt, mất khả năng tự chăm sóc, phụ thuộc nhiều vào người thân.
Điều trị đục thủy tinh thể
Hiện nay, phương pháp điều trị duy nhất hiệu quả cho đục thủy tinh thể là phẫu thuật thay thủy tinh thể nhân tạo. Có hai phương pháp chính:
Phacoemulsification (Phaco): Dùng sóng siêu âm để tán nhuyễn thủy tinh thể bị đục và hút ra ngoài, sau đó thay bằng thủy tinh thể nhân tạo. Đây là phương pháp phổ biến, có độ an toàn cao, không đau, thời gian phục hồi nhanh.
Femto-Laser: Là kỹ thuật tiên tiến sử dụng laser để cắt bao thủy tinh thể, tán nhuyễn và hút bỏ phần đục. Ưu điểm của phương pháp này là ít xâm lấn, phục hồi thị lực nhanh và giảm biến chứng sau mổ, phù hợp với bệnh nhân có loạn thị hoặc các bệnh lý mắt kèm theo.
Theo thống kê, tỷ lệ thành công của phẫu thuật Phaco và Femto-Laser tại các bệnh viện chuyên khoa mắt ở Việt Nam đạt trên 95%.

Phẫu thuật Phaco giúp bệnh nhân lớn tuổi phục hồi thị lực nhanh chóng và an toàn. Hình minh họa.
Phát hiện càng sớm, khả năng hồi phục càng cao
Việc phát hiện sớm đục thủy tinh thể đóng vai trò quyết định trong kết quả điều trị. Tuy nhiên, thực tế cho thấy khoảng 35% người cao tuổi mắc bệnh không biết mình có thể chữa khỏi, phần lớn do chủ quan hoặc thiếu tiếp cận thông tin.
Các chuyên gia nhãn khoa khuyến cáo: người từ 50 tuổi trở lên nên khám mắt định kỳ 6–12 tháng/lần để tầm soát bệnh sớm. Khi thấy có dấu hiệu như nhìn mờ, chói sáng, mỏi mắt, thị lực kém vào buổi tối cần đến cơ sở chuyên khoa mắt để kiểm tra ngay.
Phòng ngừa đục thủy tinh thể
Mặc dù không thể ngăn chặn hoàn toàn đục thủy tinh thể do lão hóa, một số biện pháp có thể giúp làm chậm tiến triển của bệnh:
- Hạn chế tiếp xúc với ánh nắng gay gắt, đội mũ và đeo kính chống tia UV khi ra ngoài
- Không hút thuốc, tránh tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm
- Kiểm soát tốt các bệnh mạn tính như tiểu đường, tăng huyết áp
- Bổ sung thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như vitamin C, E, lutein, zeaxanthin
- Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt chứa corticoid kéo dài.