Hà Nội

Người cao niên tùy tiện uống thuốc bổ - Coi chừng rước họa ...

03-02-2019 07:14 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Phần lớn người cao tuổi đều bị thiếu hụt các chất dinh dưỡng do khả năng hấp thụ dưỡng chất giảm.

Chính vì thế, nhiều người có quan niệm rằng, cần phải dùng “thuốc bổ” nhằm bổ sung các loại vitamin và khoáng chất cho cơ thể người già. Tuy nhiên, họ không biết rằng, việc sử dụng “thuốc bổ” phải có sự chỉ dẫn của bác sĩ, nếu không sức khỏe của bạn có thể gặp nguy hiểm.

Loạn “thuốc bổ”

Dựa vào mục đích sử dụng, có thể tạm gọi thuốc bổ là thuốc cung cấp những dưỡng chất cơ thể thiếu nhằm bồi dưỡng cơ thể, giảm mệt mỏi, tăng cường sức khỏe, giúp ăn được, ngủ được, hỗ trợ quá trình trị liệu...

Hiện nay, bạn có thể tìm thấy hàng trăm loại thuốc bổ ở mọi hiệu thuốc, trên internet... với những lời giới thiệu về các tác dụng tuyệt vời: Bổ não, bổ thần kinh, tốt cho tim mạch, giúp sáng mắt, giảm nhanh các triệu chứng đau xương khớp... Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc không đơn giản như nhiều người nghĩ. Người cao tuổi không thể uống thuốc bổ một cách tùy tiện. Thuốc bổ nếu lạm dụng sẽ trở nên nguy hiểm cho tính mạng người cao tuổi.

Người cao niên tùy tiện uống thuốc bổ Không nên tự ý mua hoặc cho người già dùng thuốc bổ mà phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Thuốc bổ có thể làm tăng độc tính

Việc sử dụng nhiều thuốc ở người cao tuổi khá phổ biến, tình trạng sử dụng kéo dài một số loại thuốc trị bệnh nào đó có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc hấp thu một số loại vitamin, nên cần phải bổ sung. Ngoài ra, việc sử dụng vitamin tăng lên còn do tâm lý người cao tuổi mong muốn sử dụng vitamin để bảo vệ sức khỏe và dự phòng bệnh tật. Theo các nghiên cứu cho thấy có khoảng 20 - 60% người cao tuổi sử dụng các chế phẩm bổ sung vitamin, điều này đã làm tăng nguy cơ độc tính cũng như tương tác thuốc.

Nếu không được bác sĩ chuyên khoa tư vấn, một số loại thuốc có thể làm tăng thêm tình trạng bệnh cho người cao tuổi: Người cao tuổi mắc bệnh đái tháo đường mà lựa chọn loại thuốc bổ có nhiều thành phần đường hoặc những viên bao bọc đường, hay các loại dung dịch, siro chứa nhiều đường thì chắc chắn sẽ làm cho tình trạng đường huyết tăng cao. Việc sử dụng loại thuốc bổ có nhiều vitamin tan trong dầu (như vitamin D hoặc vitamin A), nếu không không biết hàm lượng như thế nào là phù hợp với sức khỏe của mình mà lạm dụng quá mức cũng có thể gây tích lũy, hại cho cơ thể. Việc sử dụng vitamin A với liều rất cao cũng có thể làm tăng áp lực nội sọ khiến cho người cao tuổi bị đau đầu và những người nào bị tăng huyết áp thì có thể bị rối loạn huyết áp... Chính vì vậy, việc lựa chọn đúng thuốc bổ cho người cao tuổi nhất thiết phải được sự đồng ý và chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Với người khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý trên đường tiêu hóa, để đáp ứng đủ nhu cầu vitamin của cơ thể nên ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm...

Nhu cầu vitamin ở người cao tuổi

Mức độ hoạt động và nhu cầu năng lượng giảm dần theo tuổi, kéo theo đó là giảm năng lượng và lượng dinh dưỡng đưa vào bao gồm cả vitamin và muối khoáng. Nhu cầu vitamin thay đổi theo tuổi tác. Các nghiên cứu cho thấy, nhu cầu vitamin D, B12 tăng lên ở người cao tuổi, do tình trạng viêm teo dạ dày, dạ dày giảm hấp thu vitamin B12. Nhu cầu vitamin D tăng ở người cao tuổi do giảm sự tổng hợp trên da và do giảm sự tiếp xúc với ánh nắng ở người cao tuổi.

Các thử nghiệm lâm sàng không ủng hộ việc bổ sung vitamin trong tăng cường sức khỏe và phòng chống bệnh tật. Tuy nhiên, chế độ ăn giàu vitamin dường như có liên quan đến việc cải thiện sức khỏe. Với người khỏe mạnh, không mắc các bệnh lý trên đường tiêu hóa, để đáp ứng đủ nhu cầu vitamin của cơ thể nên ăn uống đầy đủ, đa dạng các loại thực phẩm, điều này sẽ giúp đảm bảo cung cấp đầy đủ các loại vitamin cho nhu cầu của cơ thể mà không cần bổ sung bằng thuốc. Chỉ nên bổ sung vitamin D, calcium ở người cao tuổi có nguy cơ bị té ngã và bổ sung vitamin cho các bệnh nhân có nguy cơ thiếu hụt vi chất dinh dưỡng.

Nhiều người cho rằng khi nào ốm mới nên dùng thuốc bổ là sai. Vì thực chất trong bữa ăn hàng ngày lượng vitamin bay hơi rất nhiều do quá trình chế biến. Đối với người cao tuổi thì việc hấp thu vitamin trở nên khó khăn hơn, kể cả khi chế độ ăn uống đầy đủ cũng không thể cung cấp đủ các loại vitamin cần thiết cho nhu cầu của cơ thể. Chính vì vậy, việc thường xuyên bổ sung các dưỡng chất giúp cơ thể khỏe mạnh được ưu tiên song song với việc chăm chỉ luyện tập thể dục thể thao.

Với chế độ ăn uống bình thường gần như cũng đã đáp ứng đủ nhu cầu cho các vitamin và muối khoáng thường có nguy cơ bị thiếu nhất ở người cao tuổi. Các chế phẩm đơn thành phần thường có hàm lượng cao hơn rất nhiều so với nhu cầu, do vậy tuyệt đối không nên sử dụng các vitamin đơn thành phần nếu không có chỉ định của bác sĩ. Có thể sử dụng các chế phẩm multivitamin (vitamin tổng hợp) hàng ngày trên các bệnh nhân không được cung cấp đủ từ chế độ ăn, tuy nhiên nên để ý kĩ hàm lượng các thành phần trong viên thuốc, không nên lựa chọn các chế phẩm multivitamin có hàm lượng các thành phần quá cao so với nhu cầu thực, do dư thừa vitamin đặc biệt với các vitamin tan trong dầu (A,D,E,K) có thể gây tích lũy và gây độc tính, với các vitamin tan trong nước (C, B1, B2, B6, B9, B12) nguy cơ này ít nghiêm trọng hơn, do các vitamin tan trong nước khi dư thừa sẽ được đào thải ra khỏi cơ thể.

Người cao niên tùy tiện uống thuốc bổ Không cần thiết phải uống thuốc bổ nếu bữa ăn đã đủ chất dinh dưỡng.

Dùng thuốc bổ như thế nào cho đúng?

Việc tăng cường sức khỏe cho người cao tuổi mà không cần dùng thuốc bổ là tốt nhất. Tuy nhiên, nếu cần thiết có thể bổ sung theo các cách sau:

Không nên tự ý mua hoặc cho người già dùng thuốc bổ mà phải có sự tư vấn của bác sĩ chuyên khoa.

Nên chọn thuốc bổ dạng nước hoặc viên nhỏ để dễ tiêu hóa và hấp thu hết chất dinh dưỡng.

Nếu sử dụng trong thời gian dài, cần theo dõi quan sát thường xuyên, điều chỉnh liều lượng phù hợp.

Mua thuốc tại cửa hàng uy tín, tránh mua phải hàng giả, hàng nhái gây ngộ độc.


ThS. Nguyễn Thu Hằng
Ý kiến của bạn