Hà Nội

Người biết sống chung với “lũ”

02-04-2016 16:24 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Ai về già sức khỏe chẳng giảm sút, chẳng mắc chứng này tật kia. GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT)

Ai về già sức khỏe chẳng giảm sút, chẳng mắc chứng này tật kia. GS.TSKH. Phạm Hồng Giang, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), hiện là Chủ tịch Hội Ðập lớn và phát triển nguồn nước Việt Nam (VNCOLD), Phó Chủ tịch Hội Ðập lớn thế giới. Ở tuổi 75, ông vẫn làm việc hăng say, có hiệu quả. Ông nói rằng, trong cuộc đời hoạt động của mình đến nay đã có hai bước ngoặt lớn...

Bước ngoặt thứ nhất

Thời trẻ, với tư chất thông minh và có thiên hướng về toán học, con đường khoa học đã rộng mở trước mắt Phạm Hồng Giang. Năm 1979, ông bảo vệ thành công luận án phó tiến sĩ (nay là tiến sĩ) tại Đại học Kỹ thuật Brno, Tiệp Khắc (cũ) về đề tài Mô hình toán phân tích các kết cấu mỏng có xét đến tính từ biến. Mười năm sau đó ông giành được học vị tiến sĩ khoa học với luận văn: Phân tích phi tuyến bất định các kết cấu mỏng có lớp và có cốt khi xét đến yếu tố thời gian, được Hội đồng khoa học quốc gia tại Đại học Kỹ thuật Prague đánh giá xuất sắc. Cứ nghĩ mình sẽ theo nghiệp nghiên cứu và giảng dạy toán ứng dụng, ai ngờ bước ngoặt đầu tiên đã đến. Ông từ Trường đại học Thủy lợi, Hà Nội chuyển sang một công tác hoàn toàn mới là quản lý ngành, trên cương vị Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đặc trách thủy lợi, kiêm nhiệm Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam. Người làm quản lý vĩ mô bên cạnh sự quyết đoán, dám chịu trách nhiệm, phải có tầm nhìn xa trong mỗi quyết định của mình. Nhà khoa học Phạm Hồng Giang trong những năm làm Thứ trưởng đã chứng tỏ là nhà quản lý có tầm cỡ, những công trình thủy lợi trên mọi miền đất nước mà ông chỉ đạo trực tiếp đến nay vẫn phát huy được nhiều hiệu quả kinh tế kỹ thuật.

GS.Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hội VNCOLD.

Thủ đô Hà Nội hiện có một công trình được coi là hoành tráng, đó là bức tường bê tông cốt thép thay thế con đê đắp đất bao đời ngăn lũ sông Hồng. Đây là công trình lớn, kéo dài gần 10km ở vị trí rất nhạy cảm giữ an toàn cho Thủ đô trong mùa lũ. Ý tưởng xây đê bê tông đã có từ trước, song do không có giải pháp phù hợp nên đã bị bỏ qua. Đến thời của Thứ trưởng Phạm Hồng Giang, ông đã lên phương án kỹ thuật mạnh bạo và mới mẻ, lại được sự ủng hộ tích cực của UBND TP. Hà Nội. Ban đầu không ít ý kiến phản đối, kể cả một số cấp lãnh đạo và một số người dân sống cạnh con đê cũ. Nhưng rồi sự kiên trì thuyết phục, cách chỉ đạo cương quyết, khôn khéo của ông cùng với nỗ lực rất lớn của đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật viên, công nhân... đã hoàn thành con đê mới, bền vững, giao thông thông thoáng và làm đẹp cảnh quan đô thị. Tuyến đê bê tông càng nổi bật hơn trong dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, khi được thành phố chỉnh trang mặt ngoài của bức tường đê thành con đường gốm sứ.

Tên tuổi Thứ trưởng Phạm Hồng Giang còn liên quan đến nhiều dự án xây dựng đập ở nước ta. Đập Phước Hòa (Bình Dương - Bình Phước) trên sông Bé được đề xuất từ đầu những năm 90 thế kỷ trước, song do thiếu vốn đã phải “trùm mền”. Gần 10 năm sau, khi có nguồn vốn ODA thì vùng dự án đã thay đổi quá nhiều, phần lớn diện tích trước đây cần nước để trồng lúa đã chuyển đổi trồng cao su, giá đền bù đất lòng hồ cao vọt, không thể làm hồ lớn được nữa. Ông đã chỉ đạo chọn đập ở vị trí khác thích hợp, chỉ cần tạo hồ nhỏ, không làm ngập nhiều, đủ để đưa lũ sông Bé sang trữ tại hồ Dầu Tiếng nhằm có thêm nước cấp cho TP. Hồ Chí Minh và cả vùng trọng điểm kinh tế ở Đông Nam Bộ. Đến nay dự án đã cơ bản hoàn thành và phát huy hiệu quả ngoài mong đợi. Hồ Cửa Đạt trên sông Chu (Thanh Hóa), hoàn thành mới đây vào năm 2010. Trước ở nước ta, một số đập đá đổ phần lớn chống thấm bằng lõi sét nên tốn nhiều thời gian thi công và rất bị động vì thời tiết. Về sau có vài đập đá chống thấm bằng bê tông phủ mặt nhưng chiều cao không lớn (thấp hơn 90m). Ông đã chỉ đạo và cùng với đồng sự vượt qua những khó khăn lớn về kỹ thuật để xây dựng đập đá phủ mặt bê tông Cửa Đạt cao 118m cho phép thi công nhanh, tiết kiệm vật liệu hơn. Đập Cửa Đạt là đập đá phủ mặt bê tông cao nhất nước ta và vào cỡ “khá cao” trên thế giới... Một đóng góp nổi bật khác nữa của ông là đưa một phương pháp thi công tiên tiến của thế giới vào Việt Nam. Đó là phương pháp bê tông đầm lăn (viết tắt theo tiếng Anh là RCC). Đây là công nghệ sử dụng bê tông không có độ sụt, được làm chặt bằng thiết bị rung lèn từ mặt ngoài (lu rung), thích hợp cho các công trình bê tông khối lớn, không cốt thép và hình dáng không phức tạp như lõi đập, mặt đường, sân bãi... Đến nay thế giới đã xây dựng được trên 300 đập ở 44 quốc gia theo RCC, được xem là sự phát triển quan trọng nhất trong công nghệ xây dựng đập. Ngành thủy lợi nước ta từ những năm giữa thập niên 90 thế kỷ trước đã rục rịch chuẩn bị áp dụng RCC, nhưng phải đến năm 1998 mới chính thức đặt vấn đề xây dựng đập nước đầu tiên bằng RCC. Đập Định Bình trên thượng lưu sông Côn, thuộc xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạch, tỉnh Bình Định được lựa chọn. Đây là công trình cỡ trung, có tác dụng tổng hợp: chống lũ, tưới tiêu và phát điện. Địa phương đang rất tha thiết với việc xây dựng con đập đa năng này; thiết kế và thi công đều là đơn vị thiện chiến của ngành thủy lợi. Vậy mà khi được đặt vấn đề ứng dụng một tiến bộ kỹ thuật của thế giới, thì các bên đều tỏ ra e ngại. Địa phương lo lần đầu áp dụng công nghệ mới như vậy liệu về lâu dài khi đưa vào sử dụng đập có “sơ sẩy” gì không? Bên thiết kế thì đã hoàn chỉnh bản thiết kế theo phương pháp truyền thống, nay áp dụng RCC tức là làm lại từ đầu. Bên nhận thầu, khi chuyển đổi phương pháp thi công cũng tức là phải mua sắm thêm thiết bị mới, vả lại chưa có kinh nghiệm nào trong công nghệ này. Trước sự chỉ đạo kiên quyết của Bộ NN&PTNT mà người chịu trách nhiệm chính là GS. Phạm Hồng Giang, tất cả đã đồng lòng vào cuộc. Vào năm đầu của thế kỷ XXI đập Định Bình được chính thức khởi công. Quá trình thi công diễn ra suôn sẻ hơn nhiều so với những lo ngại ban đầu. Mọi chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật đều đạt và vượt yêu cầu, đặc biệt đã rút ngắn tiến độ so với phương thức thi công cũ 1,5 năm. Sau thành công ở Định Bình, ngành thủy lợi và thủy điện đều tiến hành rút kinh nghiệm và triển khai đồng bộ theo hướng RCC. Nổi bật là việc thi công các công trình thủy điện quan trọng ở miền Trung những năm đầu thế kỷ XXI như: thủy điện A Vương trên sông Vu Gia, Quảng Nam; Pleikrông trên sông Krông Pôkô, Kon Tum; Bản Vẽ trên sông Cả, Nghệ An. Đặc biệt, với công trình thủy điện Sơn La trên sông Đà, vấn đề áp dụng công nghệ thi công mới được cân nhắc, tính toán rất kỹ lưỡng ở các cấp chỉ đạo nhà nước. Công trình thủy điện Sơn La đặt tại xã Ít Ong, huyện Mường La, khi hoàn thành có 6 tổ máy, tổng công suất 2,4 triệu KW, lớn gấp rưỡi thủy điện Hòa Bình, đến nay vẫn là công trình lớn nhất Đông Nam Á. Đập bê tông khổng lồ chắn ngang sông cao 228,1m, dài 961,6m. Dẫu đã có những tham khảo khi thi công bằng RCC từ các đập thủy điện trong nước và nước ngoài trước lúc khởi công công trình, song do quy mô quá lớn, cộng với các yêu cầu về mặt kỹ thuật ngặt nghèo hơn nhiều, nên những người thợ Sông Đà hầu như đều phải “làm mới” rất nhiều về kiến thức, cũng như trang thiết bị thi công. Mẻ bê tông đầu tiên cho đập chính được đổ vào trung tuần tháng 1/2008. Bắt đầu từ đó, công trường làm việc liên tục bất kể ngày đêm, thời tiết. Khẩn trương, nhưng vẫn phải tuân thủ nghiêm các yêu cầu kỹ thuật, điều đó đã giúp cho hầu hết các mẻ bê tông đầm lăn đều được thi công ở “khe nóng” (tức điều kiện chuẩn cho lu lèn) nên không phải làm đi làm lại nhiều lần. Chạy đua với thời gian, cuối cùng họ đã về đích trước 3 năm.

Bước ngoặt thứ hai

Khi GS. Phạm Hồng Giang đến tuổi nghỉ hưu, thì năm 2004 Hội VNCOLD được thành lập, ông được các đồng nghiệp trong ngành thủy lợi tín nhiệm bầu là Chủ tịch đầu tiên của hội. Cũng khoảng thời gian này, Hội Đập lớn thế giới họp nhiệm kỳ mới và nhất trí bầu vị Chủ tịch hội của Việt Nam làm Phó Chủ tịch. Bước ngoặt thứ hai đã đến với ông, đó là về tình trạng sức khỏe. Do làm việc, đi lại nhiều, không còn sung sức như thời trước, ông thấy có hiện tượng sụt cân, mệt mỏi, tăng huyết áp... Đi khám ở Bệnh viện Việt Xô, thử máu, xác định ông đã mắc bệnh đái tháo đường týp 2. Ông biết đây là căn bệnh mạn tính, nếu không biết cách giữ gìn thì bệnh sẽ ngày càng nặng và có những biến chứng nguy hiểm. VNCOLD là một hội lớn, trọng trách của người đứng đầu cũng lớn, ông không muốn chỉ vì điều kiện sức khỏe mà thoái thác hoặc không làm tròn nhiệm vụ được tập thể giao phó. Đứng trước bước ngoặt này, ông thấy trước hết cần phải hiểu rõ căn bệnh và có biện pháp chữa trị, nâng cao sức khỏe. Vấn đề là chấp nhận “chung sống” với nó như thế nào cho tốt nhất. Trước hết ông tìm đọc trên internet và tài liệu, sách vở có liên quan đến căn bệnh đái tháo đường. Ngoài việc uống thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, ông tự tìm ra cho riêng mình một cách tập luyện tại nhà phù hợp nhất. Sáng, chiều ông tập thể dục, tập khí công khoảng từ 1,5 đến 2 giờ, trong đó để ít ra nửa giờ đi bộ, hít thở không khí trong lành. Buổi tối trước khi ngủ cũng để ít phút thư giãn, tập xoa bóp trên giường. Bệnh này còn có mối liên quan mật thiết đến chế độ ăn uống và nghỉ ngơi. Mỗi khi đi công tác, ngay cả khi được “chiêu đãi”, ông đều giữ điều độ, tránh sử dụng bia rượu thái quá. Ngoài ra còn đi khám định kỳ để có những điều chỉnh về thuốc và cách tập luyện. Nhờ việc nghiêm túc giữ gìn sức khỏe như vậy mà trong khoảng 10 năm trở lại đây, đường huyết của ông luôn ổn định, không tăng đột biến, không có biến chứng. Ông vẫn đủ minh mẫn cùng sức khỏe để làm việc có hiệu quả không kém thời còn đang công tác.

Nghề chính của ông là thủy lợi, trị thủy, ông thường nói vui với bạn bè: “Mình khỏe được đến giờ là do biết cách sống chung với... lũ!”.


Hồng Phúc
Ý kiến của bạn