Hà Nội

Người bị viêm gan B – Một trong các đối tượng dễ bị tổn thương bởi COVID-19

31-07-2020 14:53 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang căng mình chống lại sự tấn công mạnh mẽ của virus COVID-19. Những người mắc bệnh lý nền được coi là đối tượng dễ bị tổn thương bởi COVID -19, trong số đó có bệnh nhân viêm gan virus B.

Chức năng gan suy giảm – khả năng nhiễm COVID-19 càng cao

Gan đóng vai trò quan trọng, thường được ví như “nhà máy hóa học” của cơ thể. Ngoài việc chuyển hóa  thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết, gan còn có chức năng đào thải độc tố ra ngoài cơ thể. Chính vì vậy, khi gan bị tổn hại, cơ thể đứng trước nguy cơ bị các tác nhân gây hại tấn công.

Vì thế, với người bệnh gan nói chung cũng như viêm gan B nói riêng, đứng trước mùa dịch COVID-19 đang ngày càng diễn biến phức tạp, việc giữ gìn sức khỏe, chăm sóc lá gan là vấn đề  vô cùng  quan trọng.

Xét nghiệm HBcrAg này giúp bác sĩ phân định rõ hơn các giai đoạn viêm gan B mạn tính

Viêm gan B là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu

Viêm gan B là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở Việt Nam hiện nay. Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, hiện nay có khoảng 15% dân số Việt Nam bị nhiễm virus viêm gan B. Từ viêm gan B, nguy cơ tiến triển thành suy gan, viêm gan mạn tính, xơ gan, thậm chí ung thư gan hoàn toàn có thể xảy ra.

Đáng chú ý, bệnh viêm gan B thường có diễn biến âm thầm và rất ít các triệu chứng điển hình. Vì vậy, người bệnh không hề phát hiện ra tình trạng nhiễm virus của bản thân cho đến khi đi khám và được phát hiện.

Viêm gan B không lây lan qua đường tiếp xúc thông thường như ôm, hôn, hoặc ăn uống chung… mà đường lây chính của nó là thông qua đường máu, quan hệ tình dục hoặc từ mẹ sang con. Vì vậy, mỗi người cần nâng cao ý thức phòng tránh cho bản thân, gia đình và cộng đồng.

Viêm gan B nếu được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ cho kết quả rất tích cực

TS.BS Đào Việt Hằng –Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa gan mật cho biết: “Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện nay, có rất nhiều hy vọng cho bệnh nhân viêm gan B mạn tính. Việc phát hiện và điều trị kịp thời bệnh viêm gan B ngay từ giai đoạn sớm cho hiệu quả rất tích cực”

Khi đã phát hiện sớm thì việc điều trị sẽ đơn giản hơn nhiều vì quy trình chung trong việc điều trị viêm gan là ức chế sự nhân lên của virus ở mức thấp nhất, phục hồi chức năng gan, bảo vệ và tái tạo tế bào gan, ngăn ngừa xơ hóa và các nguy cơ diễn tiến khác.

Nếu nghi ngờ bản thân có dấu hiệu của việc mắc viêm gan B, cần phải đến các cơ sở y tế uy tín, có chuyên khoa tiêu hóa, gan mật để được khám và điều trị. Tại đây, bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện một số thăm khám lâm sàng như siêu âm ổ bụng, đo độ xơ hóa gan, xét nghiệm máu đánh giá men gan, đánh giá sự có mặt của tải lượng virus viêm gan B (xét nghiệm HbsAg), đánh giá tốc độ sao  chép của virus là nhanh hay chậm (xét nghiệm HBV-DNA) ….

Người bệnh viêm gan B cần xét nghiệm định kỳ

Và gần đây nhất là xét nghiệm HBcrAg mới được Bộ Y tế cấp phép thực hiện trong quản lý viêm gan B. Với giá thành phải chăng, HBcrAg được xem là một bước tiến mới, mang lại hiệu quả tích cực trong việc theo dõi điều trị bệnh nhân viêm gan B.

Theo đó, xét nghiệm HBcrAg này giúp bác sĩ phân định rõ hơn các giai đoạn viêm gan B mạn tính – đây là mốc rất quan trọng mà các xét nghiệm trước đây không thể hiện được. Không chỉ giúp bác sĩ tiên lượng được khi nào bệnh nhân nên ngừng thuốc điều trị, xét nghiệm cũng góp phần không nhỏ trong việc giảm thiểu chi phí khám chữa bệnh cũng như sử dụng thuốc lâu dài.

Chuyên gia tiêu hóa gan mật GS.TS. Đào Văn Long - Nguyên Giám đốc Bệnh viện Đại học Y, Chủ tịch Hội đồng thành viên Viện Nghiên cứu & Đào tạo tiêu hóa, gan mật cũng chia sẻ: “Trong thời kỳ bệnh dịch đang bùng phát và diễn biến phức tạp như hiện nay, bên cạnh việc áp dụng các giải pháp ngăn ngừa được Bộ y tế khuyến cáo, người bệnh viêm gan B nên thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ, bia rượu,…đặc biệt là tuân thủ nghiêm ngặt phác đồ điều trị của bác sĩ” để có hiệu quả điều trị tốt nhất.


Thu Trang
Ý kiến của bạn