1. Viêm cầu thận là gì?
Viêm cầu thận là tình trạng viêm các cầu thận, là cấu trúc trong thận được tạo thành từ các mạch máu nhỏ. Các nút thắt này của mạch giúp lọc máu và loại bỏ chất lỏng dư thừa. Nếu cầu thận bị tổn thương, thận sẽ không hoạt động được bình thường và có thể dẫn đến suy thận.
Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu, Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây viêm cầu thận cấp như: do virus, vi khuẩn, ký sinh trùng đóng vai trò đáng kể, đặc biệt là vi khuẩn liên cầu nhóm A.
Bởi vì cấu trúc vách của liên cầu nhóm A gần giống với cấu trúc của cầu thận cho nên khi vi khuẩn này xâm nhập cơ thể (viêm họng) thì cơ thể sinh kháng thể chống lại liên cầu nhóm A; đồng thời chống lại cả tổ chức cầu thận, làm tổn thương cầu thận (gọi là bệnh tự miễn).
Ngoài ra, bệnh cũng có thể xuất hiện ở những người mắc lupus hệ thống, viêm quanh các vi mao mạch, ngộ độc muối kim loại nặng hoặc quá mẫn cảm với một số loại thuốc như sulfamid, penicillin...
2. Cần làm gì khi có dấu hiệu viêm cầu thận cấp?
Bệnh viêm cầu thận cấp thường diễn tiến một cách thầm lặng, ít có triệu chứng lâm sàng nên nhiều người không biết mình bị bệnh. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bệnh cũng có thể phát triển hết sức rầm rộ.
Khi mắc bệnh viêm cầu thận, người bệnh thường có biểu hiện: phù, biến đổi nước tiểu, tăng huyết áp, suy tim...
Trong đó, phù là dấu hiệu thường gặp đầu tiên. Người bệnh có cảm giác nặng mặt, nề hai mí mắt, phù hai chân. Thường phù nhiều về sáng, số lượng nước tiểu ít và sẫm màu, phù càng nhiều thì số lượng nước tiểu càng ít. Tuy nhiên, dấu hiệu này cũng chỉ thường gặp trong 10 ngày đầu, sẽ giảm đi nhanh chóng khi người bệnh tiểu nhiều.
Người bệnh thường đi tiểu ra máu, ngoài ra còn có dấu hiệu tiểu đục, tiểu dắt, tiểu ít, tiểu đau buốt…
Tăng huyết áp cũng là triệu chứng thường gặp, chiếm tới 50% trong các trường hợp viêm cầu thận cấp. Suy tim thường kèm với tăng huyết áp kịch phát, do tăng khối lượng tuần hoàn đột ngột và cũng có thể do bệnh lý cơ tim trong viêm cầu thận cấp tính.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp một số triệu chứng khác như: sốt nhẹ; đau tức vùng thận, có thể có cơn đau quặn thận; đau bụng, bụng chướng nhẹ, buồn nôn, chán ăn, đi lỏng…
Bệnh viêm cầu thận nếu không phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: suy thận cấp, suy tim hoặc suy tim gây phù phổi cấp, đột quỵ. Nếu suy thận cấp tái diễn nhiều đợt có thể dẫn tới viêm cầu thận mạn tính, suy tim…
Vì vậy, khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc viêm cầu thận cấp như: Phù, biến đổi nước tiểu; sốt nhẹ; đau bụng; chán ăn, buồn nôn; tăng huyết áp… các bác sĩ khuyên người bệnh cần đến cơ sở y tế chuyên khoa khám và điều trị kịp thời.
3. Người bệnh viêm cầu thận cấp nên sinh hoạt và ăn uống thế nào?
Người bệnh viêm cầu thận cấp cần cần tuyệt đối tuân thủ chỉ định điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ. Cần có chế độ sinh hoạt lành mạnh, nghỉ ngơi, không lao động quá sức, duy trì cân nặng hợp lý, không hút thuốc lá…
Bên cạnh đó, cần điều chỉnh chế độ ăn uống phù hợp để kiểm soát triệu chứng, ngăn ngừa tái phát.
Ưu tiên ăn các thực phẩm lành mạnh như: thịt nạc (gia cầm, cá, hải sản); các loại đậu như đậu xanh, đậu nành; rau và trái cây như rau diếp, cà chua, khoai tây, táo, dưa hấu, lê…
4. Những thực phẩm cần hạn chế trong chế trong chế độ ăn uống của người bệnh viêm cầu thận cấp
Khi bị viêm cầu thận, người bệnh cần ăn ít protein, hạn chế muối và kali. Cần ăn nhạt để giảm thiểu việc giữ nước, phù và tăng huyết áp. Đặc biệt, cần giảm sử dụng muối và các loại gia vị như muối, muối tiêu, các loại tương, các loại mắm, cá khô, nước mắm, thức ăn đóng hộp, chế biến sẵn. Khi hết bệnh có thể ăn theo nhu cầu nhưng vẫn nên ăn nhạt hơn bình thường.
Theo PGS.TS.BS. Bùi Khắc Hậu, để ngăn ngừa được nguy cơ tái phát và giảm các triệu chứng của viêm cầu thận, người bệnh cần lưu ý:
- Chế độ ăn lành mạnh, không nên ăn nhiều protein.
- Chú ý ăn ít natri. Tiêu thụ quá nhiều natri từ những thực phẩm mặn có thể làm tăng ứ nước và giữ muối, dẫn đến tình trạng sưng phù và tăng huyết áp.
- Bệnh nhân nên giảm tiêu thụ chất béo. Điều đó có thể giúp ngăn ngừa các biến chứng tim mạch.
- Nên hạn chế tiêu thụ những thực phẩm chứa nhiều kali để ngăn ngừa tăng kali máu. Hạn chế ăn trái cây như bơ, cam, chuối, mận khô, mơ và nho khô...; rau (như khoai lang, bí và đậu khô); sữa ít béo...
- Tránh những loại thực phẩm chế biến sẵn như phô mai chế biến; các loại thịt có hàm lượng natri cao (như giăm bông, thịt xông khói, xúc xích...); thực phẩm đóng hộp; rau củ ngâm (dưa muối chua, dưa món, cà muối...); khoai tây chiên muối, bỏng ngô và các loại hạt mặn…
Để hạn chế nguy cơ bị viêm cầu thận, chuyên gia y tế khuyên chúng ta nên thực hiện các biện pháp sau:
- Hạn chế ăn muối (ăn mặn) để ngăn chặn hoặc giảm thiểu ứ dịch, phù và tăng huyết áp
- Giảm tiêu thụ protein và kali để làm chậm sự tích tụ của các chất thải trong máu
- Kiểm soát lượng đường trong máu nếu bạn có bệnh tiểu đường
- Bỏ thuốc lá
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Điều trị sớm các vấn đề nhiễm trùng có nguy cơ ảnh hưởng đến cầu thận
- Phát hiện, chẩn đoán, điều trị kịp thời, có hiệu quả các bệnh lý nhiễm khuẩn đường mũi họng và ngoài da, đặc biệt là ở trẻ em; lưu ý đến những trường hợp nhiễm liên cầu khuẩn.
Xem thêm video đang được quan tâm
6 Cách Cực Đơn Giản Để Giảm Cân Và "Chuẩn 3 Vòng" Ngày Hè | SKĐS