U máu (u mạch máu) là một khối u lành tính thường gặp ở trẻ nhỏ, hình thành do sự tăng sinh của các mạch máu (gồm động mạch, tĩnh mạch và mao mạch).
Theo BSCK II Diệp Quế Trinh - Trưởng khoa Phỏng - Tạo hình, Bệnh viện Nhi đồng 1, u máu là u lành tính thường gặp nhất ở trẻ em. U thường xuất hiện sau sinh 2 tuần. U phát triển nhanh trong năm đầu, sau đó ổn định và thoái triển một phần hoặc hoàn toàn từ lúc 5-10 tuổi.
Hiện chưa rõ nguyên nhân trẻ bị u máu. Theo các nghiên cứu, u máu không mang tính di truyền, không bị ảnh hưởng bởi môi trường sống, vệ sinh, ăn uống.
Trẻ được phát hiện u máu nên khám để được tư vấn kỹ về phương pháp điều trị và hướng dẫn theo dõi, nhất là trong trường hợp: U máu vùng thẩm mỹ lớn nhanh: quanh mắt, mặt, mũi, môi... (giai đoạn 0-9 tháng tuổi); U máu đường thở làm bé khò khè kéo dài; U máu loét, nhiễm trùng, chảy máu…
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn với người bị u máu
Các vị trí trên cơ thể có thể bị u máu như khối u máu trên bề mặt da, phổ biến nhất là ở vùng đầu, cổ, mặt. Trường hợp u máu phát triển bên trong hoặc trên bề mặt gan có tỷ lệ xuất hiện cao nhất trong nhóm u máu tại các cơ quan bên trong cơ thể.
Khối u máu còn có thể xuất hiện tại các cơ quan khác bên trong cơ thể như: ruột, cột sống, cơ quan hô hấp, âm hộ, hầu họng,… Tùy thuộc vào vị trí xuất hiện, kích thước của khối u mà người bệnh có thể sẽ phải gặp một số nguy cơ như: lở loét, chảy máu, nứt khối u trong quá trình sinh hoạt hàng ngày.
BSCKII Hoàng Tuấn Anh, Bệnh viện K cho biết, bác sĩ sẽ thông qua thăm khám lâm sàng kết hợp một số xét nghiệm nếu cần thiết để đánh giá mức độ tổn thương dựa trên kích thước, vị trí và mức độ của u máu để đưa ra phương án điều trị. Đa số các trường hợp u máu có kích thước nhỏ không cần điều trị có thể tự biến mất. Trong một số trường hợp, bệnh u máu dù lành tính vẫn có thể gây ra các triệu chứng đủ nghiêm trọng để cân nhắc đến việc điều trị bằng phẫu thuật.
Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống là nguồn lực chính để bảo vệ sức khỏe, phòng ngừa và điều trị bệnh tật. U máu thường lành tính và chế độ ăn không quá đặc biệt nhưng nền tảng của một chế độ dinh dưỡng tốt luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị, cải thiện sức khỏe của người bệnh u máu. Duy trì chế độ ăn phù hợp, lành mạnh và đủ chất như protein, vitamin, khoáng chất giúp người bệnh được cung cấp đủ các dưỡng chất, góp phần tăng sức đề kháng đồng thời có tác dụng hỗ trợ quá trình điều trị bệnh, đáp ứng phương pháp điều trị cũng như phục hồi sức khỏe.
Ngoài ra, một chế độ dinh dưỡng tốt còn có vai trò hỗ trợ giảm gánh nặng cho gan trong quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng. Không có chế độ ăn cụ thể nào được chứng minh là có thể điều trị u máu. Tuy nhiên, chế độ ăn lành mạnh có thể giúp hỗ trợ sức khỏe tổng thể.
2. Tham khảo chế độ ăn tốt cho sức khỏe tổng thể và tĩnh mạch
U máu không có một chế độ ăn đặc biệt nào nhưng chế độ ăn lành mạnh, đủ dinh dưỡng giúp tăng cường sức khỏe, trong đó có tĩnh mạch.
Theo các chuyên gia của Viện Trị liệu không phẫu thuật các bệnh về tĩnh mạch và động mạch Trung Tây (MINT), thực phẩm có ảnh hưởng đến sức khỏe tổng thể và cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tĩnh mạch. Một chế độ ăn uống tốt cho sức khỏe tĩnh mạch nên bao gồm:
Trái cây và rau tươi
Theo nguyên tắc chung, thực phẩm tự nhiên nhiều màu sắc càng ngon và tốt cho sức khỏe. Tốt nhất nên kết hợp trái cây và rau (ăn sống hoặc nấu chín). Các loại rau lá xanh như bông cải xanh, rau bina và cải xoăn đều có nhiều chất xơ, trái cây họ cam quýt cung cấp vitamin C. Liều lượng vitamin C thường xuyên giúp cải thiện lưu lượng máu trong khi duy trì mức collagen giúp tĩnh mạch duy trì độ đàn hồi.
Thực phẩm giàu chất xơ có thể giúp kiểm soát mức cholesterol, từ đó giúp kiểm soát huyết áp tối ưu. Các nguồn chất xơ tốt bao gồm:
- Các loại rau lá xanh như bông cải xanh, rau bina, cải xoăn.
- Ngũ cốc nguyên hạt bao gồm lúa mạch, bột yến mạch, gạo lứt.
- Các loại hạt, quả hạch và cây họ đậu bao gồm đậu lăng, quả óc chó, hạt chia, đậu xanh.
Thực phẩm giàu vitamin E
Mặc dù người ta biết rằng vitamin E có thể cải thiện lưu lượng máu nhưng nó cũng được cho là giúp ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu (DVT). Thực phẩm giàu vitamin E bao gồm: Các loại hạt, đặc biệt là quả phỉ, quả hạch Brazil, đậu phộng; quả bơ; bí ngô; cá nhất là cá hồi.
Thực phẩm chứa omega -3
Omega-3 là acid béo được biết đến với tác dụng kích thích lưu lượng máu. Omega-3 trong nhiều trong những thực phẩm sau:
- Các loại cá có dầu như cá hồi, cá thu, cá ngừ và cá mòi.
- Dầu thực vật bao gồm hạt lanh, cải dầu và đậu nành.
- Thực phẩm giàu vitamin hoặc tăng cường vitamin như trứng, sữa chua, sữa và đồ uống từ đậu nành.
- Các loại hạt như hạt chia, quả óc chó và hạt hướng dương.
Quá trình hydrat hóa cho tĩnh mạch khỏe mạnh
Cùng với việc tiêu thụ các loại thực phẩm phù hợp, quá trình hydrat hóa là rất quan trọng để duy trì sức khỏe tĩnh mạch. Uống đủ nước giúp làm loãng máu cho phép máu di chuyển hiệu quả khắp cơ thể.
Theo nguyên tắc chung, các chuyên gia khuyên nên uống ít nhất 8 ly nước mỗi ngày.
Thực phẩm và đồ uống khác
Trà xanh hoặc trà thảo dược được biết là có chứa epigallocatechin-3-gallate hoặc gọi tắt là EGCG. Đây là chất chống oxy hóa tự nhiên giúp ngăn ngừa tổn thương tế bào nên nó được chứng minh là có đặc tính chữa bệnh rất tốt.
Sô cô la được biết là có chứa polyphenol giúp cơ thể hình thành acid nitric. Đây là hợp chất làm cho mạch máu giãn ra và máu lưu thông tự do hơn, do đó nó rất tốt cho việc duy trì sức khỏe tĩnh mạch.
3. Những thực phẩm cần tránh hoặc hạn chế
Natri
Chế độ ăn nhiều natri (tức là chế độ ăn chứa hơn 2300 mg natri mỗi ngày) là một trong những nguyên nhân chính gây giữ nước. Chất lỏng bị giữ lại có thể gây thêm áp lực lên tĩnh mạch đang hoạt động, do đó làm tăng khả năng tổn thương tĩnh mạch.
Đường
Cũng như natri (muối), Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ (AHA) khuyến nghị một mức giới hạn. Giới hạn đó là 36 g đường đối với nam và 25 g đối với nữ. Thực phẩm có đường góp phần làm tăng cân, từ đó có thể dẫn đến bệnh đái tháo đường - một yếu tố khác góp phần gây ra bệnh tĩnh mạch.
Cũng giống như natri, đường có trong nhiều thực phẩm chế biến. Những thứ như nước sốt mì ống, nước sốt salad và thậm chí cả bánh bột mì có xu hướng chứa đường ẩn, vì vậy nên kiểm tra nhãn để đảm bảo duy trì trong lượng tiêu thụ hàng ngày cho phép.
Chất béo không lành mạnh
Không phải tất cả chất béo đều có hại cho sức khỏe tĩnh mạch. Chất béo tự nhiên hoặc thực vật có trong thực phẩm như dầu ô liu, dầu hạt cải, cá hồi, các loại hạt và bơ có thể giúp cải thiện hoặc duy trì tĩnh mạch khỏe mạnh. Tuy nhiên, nếu tiêu thụ quá nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa có nguồn gốc từ động vật thì chúng có thể gây tác dụng ngược. Việc tiêu thụ quá nhiều chất béo này có thể làm tăng mức cholesterol có hại (LDL) trong máu đồng thời làm giảm cholesterol tốt (HDL). Đây có thể là một yếu tố góp phần làm cho sức khỏe tĩnh mạch kém.
Thức ăn nhanh trong đó có pizza
Hầu hết các loại thức ăn nhanh đều chứa một lượng lớn natri, đường, chất béo chuyển hóa và chứa nhiều calo.
Thực phẩm gây táo bón
Táo bón cũng có thể làm suy yếu tĩnh mạch, vì vậy nếu gặp vấn đề về tiêu hóa, nên tránh một số sản phẩm từ sữa và thịt đỏ. Những loại thực phẩm này được biết là có thể khiến tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn hoặc gây táo bón.
Xem thêm: