Người bị thuyên tắc phổi nên ăn, uống gì?

26-12-2024 12:58 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Không có chế độ ăn, uống cụ thể nào cho người thuyên tắc phổi. Điều quan trọng là có chế độ ăn, uống khoa học giúp duy trì sức khỏe tốt. Không nên cung cấp quá nhiều các dưỡng chất mà cần cân đối dựa vào nhu cầu chuyển hóa, tiêu hao năng lượng của mỗi người.

1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh thuyên tắc phổi

Thói quen sinh hoạt không điều độ, chế độ ăn uống cùng thói quen làm việc và nghỉ ngơi thất thường là nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các vấn đề về mạch máu.

Một trong những hệ quả phổ biến nhất là xuất hiện các cục máu đông trong hệ thống mạch máu (có thể dẫn đến thuyên tắc phổi - thuyên tắc phổi hay thuyên tắc mạch phổi là tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi do sự xuất hiện của cục máu đông).

Do đó, cần phải duy trì một chế độ sinh hoạt và làm việc điều độ, tận dụng các thực phẩm phù hợp giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông trong cơ thể.

Người bị thuyên tắc phổi nên ăn, uống gì?- Ảnh 1.

Thuyên tắc phổi hay thuyên tắc mạch phổi là tình trạng tắc nghẽn động mạch phổi do sự xuất hiện của cục máu đông.

2. Chế độ ăn cho người bị thuyên tắc phổi

Không có chế độ ăn, uống cụ thể nào cho người thuyên tắc phổi. Điều quan trọng là có chế độ ăn, uống khoa học giúp duy trì sức khỏe tốt. Không nên cung cấp quá nhiều các dưỡng chất mà cần cân đối dựa vào nhu cầu chuyển hóa, tiêu hao năng lượng của mỗi người.

3. Một số loại thực phẩm tốt cho người thuyên tắc phổi

  • Trong hành tây có chứa một loại prostaglandin A có thể làm giãn mạch máu, giảm độ nhớt của máu và áp lực lên mạch máu. Đồng thời, hành tây còn chứa axit amin và diallyl disulfide có tác dụng tăng cường hoạt động của quá trình thủy phân fibrin, giảm lipid máu và chống xơ cứng động mạch.
  • Gừng là một nguyên liệu thiết yếu trong nhiều gia đình. Không chỉ có tác dụng đẩy lùi cảm lạnh, làm ấm người nó còn giúp cơ thể bổ sung thêm các nguyên tố kẽm cần thiết. Ngoài ra, gừng còn có thể giúp loại bỏ các chất cặn và độc tố trong máu, có lợi trong việc duy trì sự ổn định của các mạch máu. Muốn ngăn ngừa và kiểm soát cục máu đông có thể bổ sung thêm gừng trong các món ăn hằng ngày hoặc ăn gừng ngâm.
  • Thường xuyên ăn nấm mộc nhĩ có thể bổ sung chất sắt cho cơ thể, rất hữu ích cho những người bị thiếu máu. Đồng thời chúng cũng có tác dụng loại bỏ các chất cặn từ thành mạch máu, chống hình thành các cục máu đông rất hiệu quả.
  • Trong tảo bẹ có chứa polysaccharide có tác dụng giảm nồng độ cholesterol và triglycerid trong máu. Đồng thời polysaccharide còn có tác dụng chống đông máu, có thể ngăn chặn sự hình thành của các cục máu đông trong mạch máu.
  • Bên cạnh đó, những người có nguy cơ hình thành cục máu đông cao cũng nên chú ý giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể, uống nhiều nước và ăn nhiều trái cây, đồng thời nên duy trì vận động cơ thể mỗi ngày.
Người bị thuyên tắc phổi nên ăn, uống gì?- Ảnh 2.

Gừng có thể hỗ trợ loại bỏ các chất cặn và độc tố trong máu, có lợi trong việc duy trì sự ổn định của các mạch máu.

4. Người bị thuyên tắc phổi không nên ăn, uống gì?

  • Nên hạn chế các thực phẩm nhiều cholesterol như nội tạng động vật (óc, gan, cật, tim...), mỡ động vật, các loại da của gia cầm như da già, da vịt, ngan... Ngoài ra, người bệnh cũng cần hạn chế thực phẩm sinh hơi như dưa, cà muối...
  • Ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chiên, xào, nhiều dầu mỡ… có chứa nhiều chất béo không lành mạnh có thể bị thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ đông máu, đặc biệt với người có bệnh nền tăng huyết áp.

  • Không nên sử dụng rượu bia và các chất kích thích.
Người bị thuyên tắc phổi nên ăn, uống gì?- Ảnh 3.

Ăn nhiều thức ăn nhanh, thực phẩm chiên, xào, nhiều dầu mỡ… có chứa nhiều chất béo không lành mạnh có thể bị thừa cân béo phì làm tăng nguy cơ đông máu, đặc biệt với người có bệnh nền tăng huyết áp.

5. Một số khuyến cáo khác với người bị thuyên tắc phổi

  • Tuân thủ nghiêm ngặt những hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ chuyên khoa, không tự ý bỏ thuốc hoặc điều chỉnh liều lượng. Tái khám đúng lịch hẹn để kiểm soát tình trạng bệnh, kịp thời phát hiện những bất thường, ngăn ngừa biến chứng.
  • Hạn chế giữ nguyên một tư thế quá lâu. Không mặc quần áo quá sát gây cản trở quá trình lưu thông của máu. Thường xuyên vận động và tập thể dục đều đặn, vừa sức.
  • Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, không sử dụng chất kích thích, thuốc lá, rượu, bia, cà phê, nước có gas, đồ chiên nóng nhiều dầu mỡ,....
  • Đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám và điều trị ngay khi có những dấu hiệu bất thường nghi ngờ thuyên tắc phổi.
Người đàn ông suýt đột tử do thuyên tắc phổi, cách phát hiện sớm căn bệnh nàyNgười đàn ông suýt đột tử do thuyên tắc phổi, cách phát hiện sớm căn bệnh này

SKĐS - Các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh vừa kịp thời cứu sống người đàn ông 37 tuổi đột ngột đau tức ngực, tụt huyết áp, suýt đột tử do tắc động mạch phổi hai bên. Việc phát hiện sớm căn bệnh này là vô cùng quan trọng.


Thạc sĩ Dinh dưỡng Bùi Thị Nhị Sen
Trưởng Khoa Dinh dưỡng, BV Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới
Ý kiến của bạn