Người bị tai biến tiêm chủng nặng buộc phải cấp cứu sẽ được bồi thường?

22-07-2015 08:42 | Thời sự
google news

SKĐS - Các trường hợp tiêm chủng được bồi thường khi sử dụng vắc xin bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng

Bộ Y tế đang dự thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng nhằm đổi mới công tác tiêm chủng hiện nay.

Dự thảo Nghị định quy định về hoạt động tiêm chủng do Bộ Y tế xây dựng và đang lấy ý kiến nhân dân tại Cổng thông tin Chính phủ gồm 5 chương, 37 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đã nêu rõ những quy định cụ thể về quản lý hoạt động tiêm chủng; bồi thường khi sử dụng các vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng...

5 hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động tiêm chủng

- Thực hiện tiêm chủng tại các cơ sở chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng hoặc chưa được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện việc tiêm chủng theo quy định.

- Cá nhân trực tiếp thực hiện khám sàng lọc, tư vấn, tiêm chủng, theo dõi, xử trí phản ứng sau tiêm chủng khi không có giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng hoặc đã có giấy chứng nhận nhưng không còn giá trị.

- Thuê, cho thuê, mượn, cho mượn giấy chứng nhận đủ điều kiện tiêm chủng, giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng.

- Sử dụng vắc xin chưa được phép lưu hành tại Việt Nam hoặc vắc xin không bảo đảm chất lượng cho hoạt động tiêm chủng.

- Sử dụng vắc xin của Chương trình tiêm chủng mở rộng và phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm vào các mục đích khác.

Tiêm chủng đã giúp hàng triệu trẻ em được phòng chống bệnh tật
Ảnh Internet
Tiêm chủng đã giúp hàng triệu trẻ em được phòng chống bệnh tật Ảnh Internet

Dự thảo Nghị định cũng quy định các trường hợp bị đình chỉ thực hiện tiêm chủng đối với cán bộ tiêm chủng khi: Vi phạm các quy định của pháp luật hoặc đang trong quá trình theo dõi điều tra của cơ quan pháp luật; Không tuân thủ các quy định về sử dụng vắc xin hoặc có sai sót về chuyên môn kỹ thuật theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế ban hành; Cho thuê hoặc cho mượn giấy chứng nhận tham dự tập huấn về tiêm chủng để tiến hành hoạt động tiêm chủng

Người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú sẽ được bồi thường?

Dự thảo Nghị định quy định các trường hợp tiêm chủng được bồi thường khi sử dụng vắc xin bắt buộc, nếu xảy ra tai biến nặng sau tiêm chủng, Nhà nước có trách nhiệm bồi thường cho người bị tai biến nặng hoặc thân nhân người bị tai biến nặng

Theo đó, những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng do nguyên nhân sai sót trong thực hành tiêm chủng hoặc do vắc xin được Nhà nước bồi thường bao gồm: Người được tiêm chủng bị tai biến nặng bắt buộc phải cấp cứu, điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Người được tiêm chủng bị tai biến nặng để lại di chứng dẫn đến bị khuyết tật; Người được tiêm chủng bị tử vong.

Mức độ bồi thường thiệt hại do phải khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế được tính như sau: Trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng có BHYT, việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng được thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT; Trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng không có thẻ BHYT; trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng đến khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài công lập thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng được thực hiện theo như quy định hiện hành về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở y tế công lập.

Trong trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng phải sử dụng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh có chi phí vượt mức thanh toán của BHYT hoặc ngoài phạm vi thanh toán của BHYT thì được thanh toán theo hoá đơn (mức tối đa không quá khung giá dịch vụ do liên bộ: Bộ Y tế - Bộ Tài chính quy định).

Trường hợp người được tiêm chủng bị tai biến nặng phải nhập viện điều trị, trong quá trình điều trị nếu phát hiện các bệnh khác kèm theo không liên quan đến tiêm chủng thì phải thanh toán chi phí khám bệnh, điều trị bệnh đó theo quy định của pháp luật về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nếu người bị tai biến nặng có thẻ BHYT thì việc thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh của bệnh đó được thực hiện theo quy định của pháp luật về BHYT.

Cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải lập kế hoạch dự trữ đủ vắc xin để đảm bảo tiêm đủ mũi cho đối tượng tới tiêm chủng

Cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải có kế hoạch dự trù vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân
Ảnh Internet
Cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải có kế hoạch dự trù vắc xin đáp ứng nhu cầu của người dân Ảnh Internet

Vắc xin sử dụng cho hoạt động tiêm chủng dịch vụ do cơ sở tiêm chủng dịch vụ tự bảo đảm. Đối với loại vắc xin phải tiêm nhiều mũi phải có biện pháp quản lý đối tượng tiêm chủng và lập kế hoạch dự trữ đủ vắc xin để đảm bảo tiêm đủ mũi cho đối tượng tới tiêm chủng tại cơ sở. Trường hợp các cơ sở kinh doanh vắc xin không cung ứng được đủ số lượng vắc xin dịch vụ theo nhu cầu sử dụng tại đơn vị, trong khi tiêm chủng mở rộng có các vắc xin tương tự thì cơ sở tiêm chủng dịch vụ phải tổ chức tiêm chủng các vắc xin thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng tương ứng với loại vắc xin mà cơ sở đó thực hiện tiêm chủng dịch vụ.

Theo Bộ Y tế, sau hơn 30 năm thực hiện công tác tiêm chủng mở rộng, với sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, công tác tiêm chủng phòng bệnh tại Việt Nam đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, được quốc tế đánh giá cao. Tuy vậy, hiện hình thức quản lý công tác tiêm chủng đã không còn phù hợp trước sự thay đổi của nền kinh tế chuyển từ bao cấp sang cơ chế thị trường. Để phát huy tính tự chủ của các cơ sở tiêm chủng, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi việc chăm sóc sức khoẻ người dân ngày càng cao hơn, chất lượng dịch vụ phải càng tốt hơn và đặc biệt nhu cầu tiêm chủng nhiều loại vắc xin mới cho người dân và cần phải có sự đổi mới một cách tích cực trong thời gian tới.

Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2007 có quy định về sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế. Bên cạnh đó, chương trình tiêm chủng mở rộng là một chương trình có tính xã hội rộng lớn, tác động đến toàn dân và có tầm quan trọng đặc biệt trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân. Việc đảm bảo độ bao phủ và tăng cường tính bền vững của Chương trình là hết sức quan trọng, vì vậy cần thiết phải xây dựng Nghị định về vấn đề này...

 

Thái Bình

 

 

 

 


Ý kiến của bạn