Người bị sốt siêu vi có nên tập thể dục?

01-05-2024 06:19 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Giao mùa là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển, khiến nhiều người dễ mắc sốt siêu vi. Việc tập thể dục mức độ vừa phải và phù hợp sẽ giúp người bệnh tăng cường sức khỏe, cải thiện triệu chứng và nhanh hồi phục hơn khi bị ốm.

1. Sốt siêu vi có nên tập thể dục?

Sốt siêu vi (sốt virus) là tình trạng sốt do nhiễm phải các loại virus (siêu vi trùng) khác nhau. Đây là bệnh lý cấp tính, hay gặp ở trẻ em và người lớn có hệ miễn dịch yếu.

Sốt siêu vi thường gặp vào thời điểm giao mùa, khi thời tiết thay đổi đột ngột tạo điều kiện thuận lợi cho virus phát triển và gây bệnh.

Nhiều người cho rằng tập thể dục sẽ giúp bạn nhanh khỏe hơn khi bị sốt siêu vi. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, bạn không nên luyện tập vào các thời điểm:

- Sốt cao: Khi sốt cao, nhiệt độ cơ thể tăng trên mức bình thường, kèm theo các triệu chứng như mệt mỏi, mất nước, đau cơ, chán ăn. Nếu tập luyệnvận động nhiều sẽ làm tăng nguy cơ mất nước, chấn thương và khiến bạn mệt mỏi hơn.

- Ho dai dẳng: Ho là phản ứng của cơ thể khi có tác nhân ảnh hưởng đến đường hô hấp. Tập luyện khi ho nhiều làm người bệnh dễ bị khó thở, tăng nhịp tim và mệt mỏi nhiều. Thêm vào đó, ho nhiều ở phòng tập khiến tác nhân gây bệnh phát tán và lây lan.

- Các biểu hiện nặng khác: Khó thở, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, đau cơ… do sốt siêu vi, bạn cần được nghỉ ngơi hoàn toàn và tránh vận động, tập luyện nặng.

Việc tập luyện thể dục thể thao có thể thực hiện được khi các triệu chứng bệnh nhẹ (chỉ sốt nhẹ, viêm và nghẹt mũi, đau họng…) hoặc các triệu chứng bệnh đã thuyên giảm.

Người bị sốt siêu vi có nên tập thể dục?- Ảnh 1.

Người bị sốt siêu vi có thể tập khí công giúp tăng cường hệ miễn dịch, giúp bệnh nhanh khỏi.

2. Những bài tập tốt cho người sốt siêu vi

2.1. Đi bộ

Đi bộ là hình thức tập luyện nhẹ nhàng cho cơ thể, không làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bệnh. Nhiều nghiên cứu còn chỉ ra rằng, việc đi bộ đều đặn giúp tăng cường hệ miễn dịch, cơ thể thoải mái hơn và giảm triệu chứng do sốt siêu vi.

2.2. Đạp xe đạp

Đạp xe đạp là bài tập có cường độ vừa phải và an toàn cho người sốt siêu vi. Đạp xe mỗi ngày từ 30 - 45 phút sẽ giúp nâng cao tính đàn hồi của cơ bắp, tăng cường lưu thông máu, cải thiện sức khỏe tim mạch và xương chắc khỏe hơn. Đồng thời, đạp xe đạp cũng giúp làm giảm căng thẳng, tạo tinh thần phấn chấn hơn, nhất là khi cơ thể đang mỏi mệt.

Tuy nhiên, bạn nên theo dõi nhịp thở và nhịp tim của mình khi đạp xe đạp. Không nên đạp xe khi cơ thể mệt nhiều, khó thở, nhịp tim tăng nhanh.

2.3. Khí công

Theo y học cổ truyền, sự phát sinh bệnh tật là do mâu thuẫn giữa trạng thái chức năng của cơ thể (nguyên nhân bên trong) và sự tấn công của nhân tố gây bệnh (nguyên nhân bên ngoài). Tập luyện khí công là cách thông qua các bài tập tư thế tĩnh (hơi thở) và tư thế động (xoa bóp, vận động), giúp thư giãn cơ thể, nâng cao chính khí, khai thông, điều hòa kinh mạch.

Các bài tập khí công giúp cải thiện lưu thông máu, tăng năng lượng, giảm lo lắng và căng thẳng, giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch. Chính vì vậy, khi bị sốt siêu vi, bạn có thể tập khí công để tăng cường hệ miễn dịch, giúp nhanh khỏi bệnh.

2.4. Yoga

Yoga có nhiều lợi ích trong việc tăng cường miễn dịch và cân bằng lại cơ thể, giãn cơ hiệu quả. Một số bài tập yoga tốt cho người sốt siêu vi như:

- Tư thế em bé: Giúp giãn cơ, thư giãn, giảm cơn buồn nôn, khó chịu.

Cách thực hiện: Hai đầu gối rộng bằng hông, quỳ trên thảm, sau đó ngồi lên gót chân. Cúi gập đầu và úp mặt xuống thảm, hai tay để ngang hoặc duỗi thẳng.

- Tư thế rắn hổ mang: Giúp tăng cường độ dẻo dai của cột sống, giảm mệt mỏi.

Cách thực hiện: Nằm sấp, hai tay chống xuống gần vai, hai chân duỗi thẳng. Từ từ đẩy lòng bàn tay xuống thảm, nâng đầu và vai lên cho đến khi nửa người lên khỏi thảm. Lúc này, khuỷu tay có thể thẳng hoặc cong nhẹ.

- Tư thế chó úp mặt: Giúp giảm đau đầu, hỗ trợ lưu thông máu đến các xoang, từ đó giảm triệu chứng ho, ngạt mũi.

Cách thực hiện: Chống tay và đầu gối xuống sàn, các ngón tay hướng về phía trước, đầu gối cách nhau một khoảng bằng hông. Nhón các đầu ngón chân và nâng mông lên, hướng thẳng lên trần nhà. Gót chân chạm xuống sàn, cơ thể tạo thành hình chữ V ngược.

- Tư thế con bướm: Giúp cải thiện chức năng tiêu hóa, giảm mệt mỏi.

Cách thực hiện: Hai chân dang rộng, gập chân lại sao cho hai bàn chân chạm nhau. Dùng tay để nắm lấy bàn chân, sau đó vỗ đầu gối nhiều lần lên xuống.

Người bị sốt siêu vi có nên tập thể dục?- Ảnh 3.

Các bài tập aerobic cũng an toàn cho người bị sốt siêu vi.

2.5. Aerobic

Các bài tập aerobic hay khiêu vũ cũng đều là các bài tập thể dục an toàn cho người bị sốt siêu vi. Bài tập giúp cải thiện các triệu chứng bệnh, làm giảm mức độ căng thẳng. Đồng thời, tập luyện aerobic giúp bạn vận động nhẹ nhàng mà không làm trầm trọng thêm các triệu chứng bệnh.

3. Những lưu ý khi tập thể dục cho người sốt siêu vi

Hoạt động thể chất nhẹ đến trung bình thường không gây ra nhiều ảnh hưởng nếu bạn chỉ bị sốt nhẹ hoặc không sốt. Khi tập luyện, bạn cần lưu ý một số điều sau:

  • Tập luyện với cường độ nhẹ nhàng cho những ngày bị ốm, các bài tập như đi dạo, yoga, pilates… Không nên tập luyện các bài tập nặng như chạy bộ, nâng tạ, bơi lội…
  • Tăng dần cường độ tập luyện khi các triệu chứng bệnh thuyên giảm, cơ thể đỡ mệt hơn.
  • Khi bị sốt siêu vi, cơ thể dễ bị mất nước, do đó bạn cần uống đủ nước và bồi phụ điện giải cho cơ thể đầy đủ.
  • Ngủ đủ 8 giờ trở lên mỗi ngày để giúp cơ thể lấy lại năng lượng sau thời gian ốm.
  • Khi bị sốt siêu vi, hạn chế tập luyện ở những nơi đông người vì có thể làm lây lan virus gây bệnh sang cho những người khác.
  • Tập thể dục thường xuyên, đều đặn giúp nâng cao hệ miễn dịch của cơ thể, giảm nguy cơ bị ốm.
  • Xây dựng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, khoa học để nâng cao thể trạng và sức đề kháng.
  • Thăm khám các bác sĩ để được tư vấn và điều trị bệnh tốt nhất.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Lý giải nguyên nhân khiến số ca sốt xuất huyết gia tăng tại Hà Nội.


BSNT Hương Trà
Ý kiến của bạn