Sỏi mật là một trong những bệnh lý túi mật thường gặp nhất và đang có xu hướng gia tăng. Nguyên nhân chủ yếu có liên quan đến rối loạn chuyển hoá cholesterol và nhiễm khuẩn. Bởi vậy, trong ăn uống cần chú ý lựa chọn và kiêng kỵ thực phẩm một cách khôn ngoan và hợp lý.
Cà rốt: Tính bình, vị ngọt, có công dụng kiện tỳ tiêu thực, lợi tràng đạo, bổ can minh mục, thanh nhiệt giải độc, hạ khí giảm ho. Đây là loại rau rất giàu caroten, khi vào cơ thể sẽ được gan chuyển hoá thành vitamin A, có tác dụng làm giảm thiểu sự hình thành sỏi đường mật.
Giao bạch (củ non của cây niễng): Tính mát, vị ngọt, có công dụng lợi niệu, giải khát trừ phiền, thanh nhiệt giải độc, thông sữa. Trong thành phần có chứa nhiều chất đạm, sinh tố và khoáng chất, là thực phẩm lý tưởng cho người bị tăng huyết áp, sỏi mật và sản phụ ít sữa. Có thể dùng dạng tươi sắc uống vài lần trong ngày.
Dưa hấu: Tính lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt giải thử, trừ phiền chỉ khát, lợi tiểu tiện, rất thích hợp với người bị sỏi mật, viêm túi mật. Có thể ăn mỗi ngày 1kg hoặc ép nước uống. Vỏ dưa hấu nên thái vụn, phơi khô, dùng để hãm uống thay trà hàng ngày.
Củ cải:
Tính mát, vị cay ngọt, có công dụng thanh nhiệt sinh tân, lương huyết, chỉ huyết, hoá đàm chỉ khái, lợi tiểu tiện, giải độc. Là một trong những thực phẩm lý tưởng cho người bị sỏi mật, sỏi tiết niệu. Dùng tốt nhất dưới dạng củ tươi rửa sạch, ép lấy nước uống.
Mã thầy: Tính hơi lạnh, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt sinh tân, lương huyết giải độc, hoá đàm tiêu tích. Có thể ăn sống, ép lấy nước uống hoặc rửa sạch, thái vụn rồi hãm lấy nước uống.
Râu ngô: Tính bình, vị ngọt, có công dụng thanh nhiệt lợi tiểu, lợi mật và hạ đường huyết, rất thích hợp với những người bị tăng huyết áp, viêm thận, viêm đường tiết niệu, sỏi tiết niệu, viêm túi mật, sỏi đường mật, viêm gan vàng da, tiểu đường. Mỗi ngày dùng 30 - 50g sắc uống thay trà trong ngày.
Rau diếp cá: Tính lạnh, vị cay, có công dụng thanh nhiệt giải độc, lợi niệu tiêu thũng, rất thích hợp với những người bị các chứng viêm nhiễm, viêm túi mật và sỏi đường mật. Có thể ăn sống hoặc sắc uống thay trà hằng ngày với lượng từ 150 - 180g.
Bí đao: Tính mát, vị ngọt đậm, có công dụng thanh nhiệt tiêu đàm, lợi tiểu tiện, giảm độc và giảm béo, rất thích hợp với người bị viêm túi mật và sỏi đường mật. Dùng dưới dạng chế biến thành các món ăn hoặc ép lấy nước uống. Vỏ bí đao cũng có tác dụng thanh nhiệt lợi tiểu, lợi mật và tiêu thũng, dùng vỏ tươi 100 - 150g sắc uống thay trà trong ngày.
Cần tây: Tính mát, vị ngọt đắng, có công dụng thanh nhiệt bình can, lợi mật, lợi thuỷ kiện vị, hạ huyết áp, giảm mỡ máu, là thực phẩm lý tưởng cho người bị tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, xơ vữa động mạch, viêm đường tiết niệu, viêm đường mật, sỏi mật. Có thể xào nấu trong các món ăn, ăn sống hoặc rửa sạch rồi ép lấy nước uống.
Rau thìa là:
Tính mát, vị cay ngọt, có công dụng thanh nhiệt giải độc. Những người bị sỏi mật mỗi ngày nên ăn một mớ rau thìa là (chừng 20g), ăn sống hoặc rửa sạch, giã nát rồi vắt lấy nước uống, dùng liên tục trong vài tháng.
Ngoài ra, người bị sỏi mật cũng nên sử dụng các thực phẩm khác như đậu tương và các sản phẩm từ đậu tương, cà chua, cải xanh, cải bắp, rau chân vịt, nấm hương, sơn tra, ô mai, cam, quít, lê, táo, nước ép ngó sen... Nên ăn dầu thực vật như dầu vừng, dầu lạc, dầu đậu tương, dầu hạt cải, dầu ngô... Thường xuyên uống các loại trà như trà kim ngân hoa, trà hoa cúc, trà nhân trần, trà hoa nhài, trà hoa hoè, trà lá sen, trà thảo quyết minh, trà actiso...
Đồng thời nên kiêng hoặc hạn chế những thực phẩm như lòng đỏ các loại trứng, mỡ động vật, gan, não và tuỷ động vật, sữa chưa tách bơ, lươn, tôm hùm, tôm càng xanh, hến, tôm khô, cua…; không dùng các chất kích thích như cà phê, thuốc lá, rượu trắng…