Người bị lao phổi có nên quan hệ tình dục, sinh con?

17-09-2018 09:49 | Sức khỏe sinh sản
google news

SKĐS - Lao phổi lây nhiễm mạnh qua đường hô hấp. Người bệnh cần tuân thủ nghiêm ngặt y lệnh điều trị của thầy thuốc và hạn chế tiếp xúc với người xung quanh cho đến khi bệnh khỏi hoàn toàn. Vấn đề đặt ra là bệnh nhân mắc lao phổi có phải hạn chế quan hệ tình dục, sinh con?

Người bệnh lao phổi mang vi khuẩn lao trong dịch tiết đường hô hấp - đờm, do đó có khả năng lây cho người khác khi ho, hắt hơi, chảy nước mũi, nói chuyện hay khạc nhổ. Người bệnh sẽ thải vào không khí các hạt nhỏ li ti từ chất tiết của đường hô hấp. Vi khuẩn lao nằm trong dịch tiết, đờm, nhớt này chính là nguồn lây bệnh lao cho người khác chứ không phải chỉ có ho đờm thì mới lây cho người khác.

Vi khuẩn lao phổi phát tán ra không khí qua dịch tiết, đờm, nhớt…nên dễ lây lan.

Vi khuẩn lao phổi phát tán ra không khí qua dịch tiết, đờm, nhớt…nên dễ lây lan.

Đối với bệnh lao phổi, khi xét nghiệm soi đàm trực tiếp thấy có vi khuẩn lao thì bệnh nhân được xếp loại chẩn đoán là lao phổi AFB( ) và ngược lại là lao phổi AFB(-). Theo Chương trình Chống lao Quốc gia, người mắc lao lần đầu sẽ được điều trị theo phác đồ như sau: giai đoạn tấn công kéo dài 2 tháng gồm 4 loại thuốc: ethambutol (hoặc streptomycine), rifampicine, isoniazide, pyrazinamide và giai đoạn sau gọi là củng cố (hay duy trì) kéo dài 6 tháng gồm 2 loại thuốc isoniazide và ethambutol. Chiến lược DOTS (điều trị ngắn ngày có kiểm soát trực tiếp) thông thường, nếu là lao phổi AFB( ) thì bệnh nhân sẽ được kiểm tra xét nghiệm đàm tìm vi khuẩn lao 3 lần (gọi là kiểm soát đàm), sau điều trị 2 tháng (gọi là kiểm soát 1), sau 5 tháng (kiểm soát 2) và 8 tháng (kiểm soát 3).

Còn nếu là lao phổi AFB(-) thì chỉ kiểm soát đàm 2 lần: sau điều trị 2 tháng và 5 tháng.

Khi mới phát hiện và có chẩn đoán bệnh lao phổi, người bệnh không nên quan hệ tình dục. Bởi lúc này, người bệnh phải nằm viện điều trị tấn công trong 2 tháng đầu và không nên tiếp xúc với người thân nhằm tránh khả năng lây nhiễm. Khi quan hệ tình dục, phát sinh những hành vi như hôn sâu, hôn có trao đổi nước bọt - đây là nguy cơ cao lây nhiễm vi khuẩn lao cho bạn tình.

Khi người bệnh lao điều trị được 2 tháng là đã điều trị xong giai đoạn tấn công thì cần đi làm xét nghiệm kiểm soát 1: xét nghiệm soi đàm. Nếu xét nghiệm đàm âm tính thì khả năng lây lan của bệnh nhân với người tiếp xúc sẽ thấp hơn. Khi đó, người bệnh có thể được tiếp xúc với vợ và quan hệ tình dục, cũng không cần kiêng khem quá như trước. Tuy nhiên, cũng cần tiếp tục điều trị theo phác đồ đến hết 6 tháng để khỏi hoàn toàn, khi đó mới có thể kết luận không lây nhiễm.

Nếu qua giai đoạn điều trị tấn công 2 tháng đầu mà người bệnh đi làm xét nghiệm vẫn dương tính, mặc dù triệu chứng đã giảm đi nhiều thì vẫn cần cách ly. Khi đó, bác sĩ sẽ có sự điều chỉnh về thuốc dành cho trường hợp lao kháng thuốc. Trường hợp này người bệnh lao không quan hệ, gần gũi vợ được nên đi kiểm tra để được đánh giá và tư vấn thêm.

Ngoài ra, người mắc lao và đang trong giai đoạn điều trị thì sức khỏe cũng bị hao mòn, việc quan hệ tình dục có thể làm đuối sức. Do vậy, người bị lao phổi nên hạn chế quan hệ tình dục, đặc biệt trong những tháng đầu điều trị lao.

Khi đang điều trị lao thì tốt nhất không nên có con. Thuốc lao cũng ảnh hưởng đến  chất lượng của tinh trùng. Dù chưa có ghi nhận là thuốc điều trị lao gây quái thai nên không có chống chỉ định mang thai. Nhưng trong quá trình điều trị bệnh lao, sức khỏe người bệnh bị bào mòn nhiều, cộng với tinh trùng bị ảnh hưởng do thuốc thì việc thụ thai có thể ảnh hưởng chất lượng giống nòi. Vì vậy, nếu muốn có con, người bệnh lao nên yên tâm điều trị hết liệu trình. Khi đã điều trị xong, nên có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý cho cơ thể hoàn toàn hồi phục rồi kiểm tra toàn bộ sức khỏe của mình đã tốt, lúc đó mới nên có con.


BS. Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn