Hà Nội

Người bị đái tháo đường khi dự tiệc cần lưu ý gì?

03-05-2015 08:25 | Y học 360
google news

SKĐS - Khi bạn bị mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), bạn sẽ làm gì khi được mời đi dự tiệc, đi du lịch hay tham gia lễ hội?

Khi bạn bị mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ), bạn sẽ làm gì khi được mời đi dự tiệc, đi du lịch hay tham gia lễ hội? Bạn sẽ không đi? Đó là điều không nên. Bởi dù thế nào thì bạn cũng không nên hạn chế tham gia các cuộc đi chơi vui vẻ bên gia đình, người thân và bạn bè. Bạn chỉ cần có sự hiểu biết về chế độ dinh dưỡng cũng như cách phòng tránh sự quyến rũ của thức ăn tại bữa tiệc. Bài viết này sẽ giúp bệnh nhân ĐTĐ điều đó.

Lên kế hoạch: Khi được mời ăn tiệc, bạn không nên vì e ngại bệnh mà từ chối. Nhưng bạn hãy cho biết bạn đang phải ăn kiêng, bữa tiệc đó có những món gì?... Điều đó để nơi mời bạn tới có thể bổ sung những món ăn phù hợp với bạn. Khi bạn mắc bệnh ĐTĐ, việc duy trì chế độ ăn hợp lý là vô cùng quan trọng, không chỉ ngày thường mà cả trong những ngày lễ. Bạn cần biết cách tính lượng chất bột đường (carbonhydrate) cho mỗi bữa ăn vì khối lượng chất bột đường ảnh hưởng rất lớn đến đường máu. Hãy nhìn vào bữa ăn và nhẩm tính mình muốn ăn gì? Món nào có chất bột đường? Khối lượng nên ăn? Cân bằng các chất đạm, chất béo, chất bột đường, rau, quả chín.

Chú ý: Thức ăn được dán nhãn “không có đường” hay “đồ ăn kiêng cho bệnh nhân ĐTĐ” không có nghĩa là trong đó không có chất bột đường. Ví dụ như 100g bột sữa dành cho bệnh nhân ĐTĐ thường có 50-55g chất bột đường, sau khi pha chế, mỗi cốc sữa tiêu chuẩn thường có 25-30g chất bột đường. Vậy nên đừng ngạc nhiên nếu sau khi uống sữa dành cho bệnh nhân ĐTĐ, bạn lại thấy đường huyết vẫn tăng cao.

Thử đường huyết trước khi uống rượu: Rượu có thể gây hạ đường huyết. Do vậy nên thử đường máu trước khi định có kế hoạch uống rượu. Trong bữa tiệc có rượu, bạn hãy ăn đồ ăn có chứa chất bột đường. Nếu chỉ nhấm nháp những thứ đồ nhậu như nem chua, thịt bò khô, phomat mà uống nhiều rượu sẽ làm gan sản xuất ít đường hơn nên dễ bị hạ đường máu. Lý tưởng nhất là chỉ uống rượu sau khi đã ăn đầy đủ bữa cơm.

Hãy chắc chắn rằng ai đó biết bạn mắc đái tháo đường: Các triệu chứng say rượu và hạ đường huyết giống nhau. Do vậy, nếu bạn có những triệu chứng nghi ngờ hạ đường huyết thì người đó sẽ ở bên và có thể giúp thử đường máu, thay vì người đó chỉ nghĩ rằng bạn bị say rượu và sẽ xảy ra những điều đáng tiếc.

Đi bộ sau khi ăn: Nên đi bộ sau khi ăn chừng 1 giờ. Sự vận động giúp làm giảm đường máu do tiêu thụ phần thức ăn thường đưa vào quá mức trong các bữa tiệc.

Khống chế stress: Trong bất kỳ cuộc vui nào cũng sẽ có hiện tượng thái quá. Sự thái quá trong những ngày lễ, những cuộc đi chơi hay những bữa tiệc thường khiến chúng ta rơi vào tình trạng stress.Với bệnh nhân ĐTĐ khi bị stress đường huyết sẽ tăng cao do các hormon chống stress được tiết ra nhiều. Đi bộ, nghe nhạc nhẹ, khiêu vũ... hoặc các hình thức giải trí theo sở thích giúp bạn giải tỏa các stress này.

Bệnh nhân ĐTĐ hãy tự tin, nhưng cần chú ý những điều vừa nêu trên để bạn vẫn có một sức khỏe đảm bảo vui chơi cùng gia đình một cách an toàn.

ThS. Nguyễn Huy Cường

 

 


Ý kiến của bạn