Người bị chấn thương thể thao, đứt dây chằng chéo trước sẽ phục hồi nhanh nhờ kỹ thuật mới này

15-01-2019 08:52 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo trước lần đầu tiên được triển khai tại BV Bạch Mai cho phép sử dụng phần dây chằng chéo trước bị đứt của bệnh nhân, khâu lại bằng chỉ siêu bền và neo cố định với cường độ cố định vượt trội hơn nhiều.

Nam bệnh nhân 29 tuổi ở Hà Nội bị chấn thương đứt dây chằng trước khớp gối do đá bóng. May mắn bệnh nhân bị chấn thương ở giai đoạn sớm, khoảng hơn 3 tuần trước khi được các bác sĩ Khoa Chấn thương- Chỉnh hình và cột sống (BV Bạch Mai) tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật mới- kỹ thuật InternalBrace.

Theo TS Đào Xuân Thành- Phó Trưởng Khoa Chấn thương- Chỉnh hình và cột sống (BV Bạch Mai) kỹ thuật này là phương án phẫu thuật bổ sung cho phẫu thuật nội soi khớp thông thường nhằm phục hồi, bảo vệ và tăng cường chức năng của khớp, cho phép những vận động sớm sau phẫu thuật, rút ngắn thời gian quay lại luyện tập của vận động viên.

Các chuyên gia chấn thương, chỉnh hình tham dự hội thảo tại BV Bạch Mai

Ngoài ra, hai nam bệnh nhân khác bị đứt dâu chằng trước khớp gối và đứt dây chằng bên trong gối do đá bóng cũng đã được các bác sĩ Khoa Chấn thương- Chỉnh hình và cột sống tiến hành phẫu thuật bằng kỹ thuật này.

Đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được tiến hành tại BV Bạch Mai và được truyền hình trực tiếp từ phòng mổ đến khu hội trường của “Hội thảo y học thể thao: Cập nhật những tiến bộ trong phẫu thuật nội soi khớp, tăng cường sự vận động thể thao và sức mạnh vượt trội" diễn ra tại BV Bạch Mai ngày 14/1.

Theo PGS.TS Đào Xuân Thành, hiện tại lĩnh vực chấn thương chỉnh hình và y học thể thao của Việt Nam không chỉ là phẫu thuật mà còn bao gồm tất cả các yếu tố liên quan đến kết quả điều trị bệnh nhân như phục hồi chức năng, chế độ dinh dưỡng, tập trước và sau phẫu thuật.

Thông tin tại hội thảo các chuyên gia cho hay, trong thể thao, chấn thương thường gặp là chấn thương dây chằng khớp, trong đó tổn thương dây chằng chéo trước là một trong những tổn thương hay gặp nhất trong chấn thương khớp gối.

Kỹ thuật phẫu thuật được giới thiệu trong hội thảo y học thể thao lần này tập trung vào khớp gối bao gồm khâu cố định dây chằng chéo trước nguyên phát, khâu cố định dây chằng bên, tái tạo dây chằng chẻ đùi trong. Trong đó, kỹ thuật tái tạo dây chằng chéo trước cho phép sử dụng phần dây chằng chéo trước bị đứt của bệnh nhân, khâu lại bằng chỉ siêu bền và neo cố định với cường độ cố định vượt trội hơn nhiều. Sử dụng hình ảnh MRI hiện đại chúng ta có khả năng xác định trước phẫu thuật những vết rách có thể phục hồi được.

Kỹ thuật này sử dụng một vật liệu – gọi là vật liệu gia cố bên trong để bảo tồn các dây chằng đã tổn thương, tạo sự vững chắc cho các dây chằng khi chờ dây chằng liền hoàn toàn.

“ Kỹ thuật cho phép dây chằng đủ khỏe để thực hiện các vận động sớm sau mổ, quá trình phục hồi nhanh chóng hơn. Sau khoảng 3 ngày, bệnh nhân có thể tập đi được ngay, sau một tuần có thể vận động và có những bệnh nhân sau 3 tháng có thể quay trở lại luyện tập thể thao với cường độ cao. Tỷ lệ phẫu thuật thành công cao hơn trên các bệnh nhân tiến hành phẫu thuật trong thời gian 3 tuần sau chấn thương”- TS Đào Xuân Thành nói.

Các chuyên gia tiến hành phẫu thuật nội soi cho nam thanh niên 29 tuổi bị đứt dây chằng chéo trước do chấn thương thể thao bằng kỹ thuật cố định InternalBrace dây chằng bên

Các chuyên gia về phẫu thuật chấn thương, chỉnh hình cho hay, nếu sử dụng vật liệu cố định dây chằng sớm thì bệnh nhân sớm có thể giữ vững chắc được sớm nên có thể vận động sớm và quay trở lại với luyện tập thể thao sớm hơn thường. Tuy nhiên, TS Đào Xuân Thành cũng thông tin phương pháp này thường áp dụng cho chấn thương mới, còn với các chấn thương cũ vẫn phải sử dụng theo phương pháp truyền thống

Được biết, kỹ thuật gia tăng lực cố định InternalBrace dây chằng bên, trong vòng 10 năm qua với 800.000 ca khâu gân hoặc khâu dây chằng, sử dụng chỉ khâu và chỉ neo với kỹ thuật không rút nhằm gia tăng lực bảo vệ cho đường khâu dây chằng bên nguyên phát, tăng cường thế mạnh của dây chằng tự nhiên sau phẫu thuật...


Theo TS Đào Xuân Thành, thường sau một chấn thương mạnh liên quan đến trẹo gối thì bệnh nhân sẽ bị đau, khiến bệnh nhân hạn chế vận động khớp gối, hoặc có thể bị tràn dịch khớp gối. Sau đó một vài tuần đi lại thì bệnh nhân có thể cảm thấy lỏng khớp gối, không trụ được chân đó, đặc biệt là cảm giác bước lên bước xuống của bệnh nhân không tự tin.

Do đó, sau khi bị chấn thương, nếu nặng thì cần đến cơ sở y tế ngay để được thăm khám, theo dõi và xử trí kịp thời. Trong trường hợp mức độ chấn thương nhẹ thì cần theo dõi, khi thấy có dấu hiệu đau thêm hoặc bất thường cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn điều trị hợp lý.


Thái Bình
Ý kiến của bạn