1. Mỡ máu cao gây hại gì cho sức khỏe?
Mỡ máu là tên gọi thông thường của lipid máu, bao gồm nhiều thành phần khác nhau, trong đó quan trọng nhất là cholesterol.
Cholesterol là một chất béo có ở màng tế bào của tất cả các mô tổ chức trong cơ thể. Cholesterol tốt (HDL-C) có vai trò làm cho thành động mạch mềm mại để lưu thông máu tốt hơn và có khả năng bảo vệ thành mạch máu. Trong khi cholesterol xấu (LDL- C) làm cho xơ vữa thành động mạch.
Mỡ máu tăng cao khi cholesterol xấu tăng và cholesterol tốt giảm, gây ra nhiều loại bệnh tim mạch nguy hiểm như nhồi máu cơ tim, đột quỵ…
Một thành phần quan trọng khác của mỡ máu đó là triglycerid, còn được gọi là chất béo trung tính, đóng vai trò quan trọng như là nguồn cung cấp năng lượng và chuyên chở các chất béo trong quá trình trao đổi chất. Nhưng nếu chỉ số tăng cao sẽ gây xơ vữa mạch.
Tăng triglycerid thường gặp ở người bị béo phì, lười vận động, đái tháo đường, uống nhiều rượu bia và hút nhiều thuốc lá.
Những người bị tăng chỉ số này thường kéo theo tăng cholesterol toàn phần, tăng cholesterol xấu LDL và giảm cholesterol tốt HDL.
2. Người bị bệnh mỡ máu cao có phải kiêng chất béo không?
Theo ThS.BS. Lê Thị Hải, nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng, Viện Dinh dưỡng quốc gia, chất béo trong khẩu phần ăn đóng một vai trò quan trọng, nếu chúng ta ăn một lượng vừa phải và lựa chọn chất béo có lợi cho sức khỏe thì sẽ tốt. Ngược lại, lượng chất béo càng cao thì tỷ lệ tử vong do bệnh nhồi máu cơ tim càng cao.
Đối với người Việt Nam, chất béo nên chiếm 18 -20% tổng năng lượng ăn vào. Ở người trưởng thành, nếu khẩu phần có khoảng 30g chất béo thì trong đó nên có 20g là chất béo nguồn gốc thực vật.
Đối với người đang bị mỡ máu cao thì lượng chất béo nên ăn khoảng 15% năng lượng chất béo trong khẩu phần ăn. Nhưng điều quan trọng là nên chọn ăn chất béo có lợi cho sức khỏe.
Đó là những axit béo chưa no một nối đôi như axit oleic: có tác dụng góp phần làm giảm cholesterol toàn phần, LDL-cholesterol (cholesterol xấu) và hạn chế giảm HDL-cholesterol (cholesterol tốt).
Loại axit béo này có nhiều trong các dầu thực vật như: dầu ô liu, dầu lạc, hạt cải và dầu đậu nành. Hoặc các axit béo omega-3 có trong các loại cá biển: cá hồi, cá thu, cá trích…; và các loại hạt: hạt điều, hạt lanh, hạt macca…
Khi chế biến thức ăn, nên sử dụng các loại dầu ăn trên ở dạng ăn sống như trộn salat, hoặc cho vào món hấp, xào ngay trước khi bắc ra khỏi bếp thì mới giữ được cấu tạo hóa học và tác dụng của các axit béo không no.
Người bệnh nên hạn chế ăn các loại mỡ động vật và các phủ tạng: óc, tim, gan, bầu dục…
ThS. BS Lê Trịnh Thủy Tiên, Hội dinh dưỡng lâm sàng Việt Nam cho biết: Không nên ăn nhiều các món xào, rán, nướng, trong thực đơn hằng ngày nên tăng cường ăn các món luộc, hấp vừa hạn chế mất nhiều các chất dinh dưỡng, đồng thời không làm biến đổi thực phẩm thành các chất có thể gây tác hại cho sức khỏe do quá trình chiên, rán.
3. Một số thực phẩm tốt cho người bị mỡ máu cao
3.1. Thực phẩm giàu chất xơ
Ăn nhiều chất xơ không chỉ tốt cho sức khỏe tim mạch mà còn giúp giảm cân hiệu quả. Việc duy trì trọng lượng khỏe mạnh làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột qụy.
Chất xơ đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa rối loạn mỡ máu, có tác dụng loại bỏ một phần chất béo và cholesterol hấp thụ vào cơ thể.
Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, việc bổ sung thêm chất xơ là một phần trong chế độ ăn uống lành mạnh giúp cải thiện mức cholesterol trong máu, giảm nguy cơ mắc tim mạch, đột quỵ. Chất xơ hòa tan làm giảm cholesterol LDL, giảm viêm và hạ huyết áp. Các nguồn chất xơ hòa tan bao gồm cây họ đậu, hạt lanh, yến mạch…
3.2. Ăn các loại thịt trắng
Người bệnh tăng mỡ máu nên sử dụng các loại thịt trắng như thịt lợn, thịt gia cầm không da như gà, cá, là thực phẩm có chứa hàm lượng cholesterol thấp thay cho các loại thịt đỏ chứa nhiều cholesterol.
Thịt đỏ như: thịt trâu, thịt bò, thịt ngựa, thịt chó… chứa hàm lượng cholesterol cao. Ăn quá nhiều thịt đỏ sẽ làm cho bệnh tiến triển xấu hơn. Ngoài ra người bệnh cũng nên tránh thịt mỡ, thịt có gân, có da.
3.3. Quả bơ
Quả bơ cung cấp nhiều chất xơ, chất béo không bão hòa đơn, protein, vitamin và khoáng chất… cần thiết cho cơ thể.
Nghiên cứu cho thấy, việc bổ sung quả bơ vào chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe tim mạch và có thể làm giảm cholesterol xấu. Cholesterol xấu có thể làm tắc nghẽn động mạch và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
3.4. Dầu ô liu
Nên sử dụng dầu ô liu trong chế độ ăn uống lành mạnh tốt tim mạch thay cho chất béo bão hòa hoặc chất béo chuyển hóa.
Theo nghiên cứu, axit béo chủ yếu trong dầu ô liu là chất béo không bão hòa đơn được gọi là axit oleic, chiếm 73% tổng hàm lượng dầu.
Dầu ô liu rất giàu chất chống oxy hóa. Những chất chống oxy hóa này có hoạt tính sinh học mạnh, có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính. Chúng cũng chống lại chứng viêm và giúp bảo vệ cholesterol trong máu khỏi quá trình oxy hóa. Hai lợi ích này có thể hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim.
Xem thêm video đang được quan tâm
WHO cảnh báo: Virus đậu mùa khỉ có thể đã âm thầm lây lan rộng | SKĐS