Người bị bệnh gan có được ăn trứng không?

12-06-2022 06:30 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Nhiều người cho rằng hàm lượng cholesterol cao trong trứng gà là trở ngại với người bị bệnh gan nhiễm mỡ. Nhưng sự thực có phải như vậy và người bị bệnh gan có cần kiêng ăn trứng tuyệt đối không?

Dưới đây là những thông tin hữu ích của Bs. Đoàn Thu Hồng - Chuyên khoa Dinh dưỡng về việc người bệnh gan có cần phải kiêng ăn trứng hay không.

Người bị bệnh gan có được ăn trứng không? - Ảnh 1.

Bs. Đoàn Thu Hồng

Người bị bệnh gan có cần phải kiêng trứng tuyệt đối?

Trung bình trong 1 quả trứng lớn thành phần dinh dưỡng sẽ có:

  • Lượng calo: 72
  • Tổng chất béo: 4,8 gam (1,6 gam bão hòa, 1 gam không bão hòa đa, 1,8 gam không bão hòa đơn)
  • Tổng Carbohydrate: 4 gam (0 gam chất xơ, 2 gam đường)
  • Chất đạm: 6,3 gam
  • Natri: 71 mg, Kali: 69 mg
  • Cholesterol: 186 mg
  • Vitamin A: 160mcg 5,4% giá trị hàng ngày (DV)
  • Canxi: 24.1mg, 2,2% DV
  • Sắt: 4,9% DV

Lòng trắng trứng không chứa chất béo và lượng calo thấp hơn, chỉ khoảng 17 calo song chiếm hơn nửa trong tổng lượng protein của cả quả trứng. Lòng trắng cũng giàu khoáng chất dinh dưỡng như niacin, kali, riboflavin và magie, tốt cho sức khỏe tổng thể.

Người bị bệnh gan có được ăn trứng không? - Ảnh 2.

Đối với bệnh nhân xơ gan cần được bổ sung nhiều protein trong chế độ ăn

Lòng đỏ trứng ít protein hơn, nhưng lại có phần lớn các vitamin A, B6, B12 và D, canxi, folate và omega-3, cung cấp cholesterol, axit béo thiết yếu. Vì vậy, lòng đỏ được cho là đậm đặc dinh dưỡng hơn, cung cấp khoảng 55 calo.

Trong các loại trứng thì trứng gà là nguồn cung cấp protein có giá trị sinh học cao vì chúng cung cấp cho chúng ta những acid amin thiết yếu, đây là những acid amin mà chúng ta không thể tự sản xuất được nhưng lại cần thiết cho sự hình thành protein của chúng ta.

Trứng gà cũng chứa nhiều chất béo có lợi cho sức khỏe (bao gồm chất béo không bão hòa đơn và đa), các khoáng chất (sắt, phốt pho, magiê,…) và các vitamin (B12, acid folic, D,…). Ngoài ra trứng gà cũng chứa ít calo, rất thích hợp cho vào chế độ ăn kiêng ít béo và giàu protein.

Nhiều người cho rằng hàm lượng cholesterol cao trong trứng gà là trở ngại với người bị bệnh gan nhiễm mỡ do việc áp dụng chế độ ăn nhiều cholesterol có liên quan đến mức cholesterol trong máu cao.

Người bị bệnh gan có được ăn trứng không? - Ảnh 3.

Trung bình mỗi tuần bạn chỉ nên ăn từ 1-3 quả trứng đã đủ cung cấp phospholipid giúp gan đào thải các độc tố

Có nhiều quan điểm về việc mỡ máu cao có nên ăn trứng hay không. Trước năm 1970, phần đông số người cho rằng với lượng cholesterol trong trứng tới 212mg, già nửa số cholesterol được phép tiêu thụ trong ngày (300mg) sẽ tích tụ các phân tử mỡ xấu trong máu.

Tuy nhiên, hiện nay, đã có rất nhiều nghiên cứu đi ngược lại quan điểm này. Cụ thể: Theo tài liệu chứng minh "trứng và mối liên quan với tim" của Quỹ Tim Mạch tại New Zealand cho thấy, người có nguy cơ mắc bệnh tim cao vẫn có thể ăn tới 6 quả trứng mỗi tuần và coi như đây là một phần của chế độ ăn uống tốt cho tim mạch. Nghiên cứu chỉ ra, không phải thực phẩm nào giàu cholesterol cũng làm tăng cholesterol trong máu. Gan tạo ra cholesterol mỗi ngày. Khi nạp cholesterol thông qua ăn uống, gan sẽ sản xuất cholesterol ít hơn để cân bằng.

Có 70% số người ăn trứng mỗi ngày không ảnh hưởng đến tăng cholesterol toàn phần và cholesterol LDL. 30% còn lại tăng nhưng không đáng kể. Tuy nhiên việc ăn trứng liên tục quá mức cũng có thể làm tăng lượng đạm và lipid trong gan, gan sẽ phải làm việc nhiều hơn để có thể chuyển hóa được các chất này, từ đó làm trầm trọng thêm căn bệnh gan nhiễm mỡ.

Đối với bệnh nhân xơ gan cần được bổ sung nhiều protein trong chế độ ăn của mình thì việc nạp protein từ trứng lại rất tốt. Protein trong lòng đỏ trứng gà là loại phospho protein có chứa hàng loạt acid amin hay bị thiếu trong các thực phẩm khác như methionin, cystein, arginin, tryptophan. Còn protein của lòng trắng trứng gà thì chủ yếu là loại đơn giản, tồn tại dưới dạng hòa tan.

Tuy nhiên cũng không nên ăn quá nhiều trứng để tránh tăng áp lực lên gan, bên cạnh đó, xơ gan có thể làm suy giảm chức năng miễn dịch của bạn. Tốt nhất bạn không nên ăn trứng sống hoặc chưa nấu chín để tránh nguy cơ mắc bệnh hoặc nhiễm trùng do thực phẩm.

Người bị bệnh gan có được ăn trứng không? - Ảnh 5.

Đối với bệnh nhân xơ gan cần được bổ sung nhiều protein trong chế độ ăn của mình thì việc nạp protein từ trứng lại rất tốt.

Người bệnh gan nên ăn trứng với liều lượng như thế nào?

Việc ăn quá nhiều hay quá ít thực phẩm nào cũng có thể gây ra bất lợi với sức khỏe. Tương tự ở những bệnh nhân bị viêm gan, gan nhiễm mỡ hay men gan cao không nên ăn trứng thường xuyên. Trung bình mỗi tuần bạn chỉ nên ăn từ 1-3 quả trứng đã đủ cung cấp Phospholipid giúp gan đào thải các độc tố. Tốt nhất người bệnh gan chỉ nên ăn trứng luộc thay vì ăn trứng chiên hay trứng rán.

Nếu có các vấn đề về gan nhiễm mỡ và men gan cao song song, đặc biệt là những người bị bệnh ở cấp độ 3 thì tốt nhất nên thay thế trứng bằng các nguồn đạm lành mạnh hơn. Ngoài ra, cũng cần lưu ý nên cân đối việc ăn trứng với các thực phẩm giàu cholesterol khác và kết hợp tập luyện.

Gan nhiễm mỡ: Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị sớm để ngừa xơ ganGan nhiễm mỡ: Nhận biết dấu hiệu, nguyên nhân và điều trị sớm để ngừa xơ gan

SKĐS - Trong cuộc sống hiện đại, bệnh gan nhiễm mỡ là một bệnh khá phổ biến, thậm chí những người không bao giờ sử dụng bia rượu hoặc có thể trạng gày cũng có thể bị gan nhiễm mỡ.

Mời đón xem video đang được quan tâm:

Khéo kết hợp, ai cũng khỏe đẹp thêm nhờ làm việc nhà


Thanh Loan (ghi)
Ý kiến của bạn