1. Vì sao người bệnh đái tháo đường cần xây dựng/lập kế hoạch ăn uống?
Lập kế hoạch ăn uống là rất cần thiết đối với những người đang kiểm soát bệnh đái tháo đường, giúp kiểm soát lượng glucose trong máu và đảm bảo sức khỏe nói chung.
Khi lượng glucose trong máu không được kiểm soát có thể dẫn đến các biến chứng, bao gồm các vấn đề về tim mạch, tổn thương thần kinh và bệnh thận. Lập kế hoạch bữa ăn giúp kiểm soát những tác động không mong muốn này bằng cách thúc đẩy dinh dưỡng cân bằng, giữ lượng đường trong máu ổn định và kiểm soát cân nặng.
Mục đích của việc lập kế hoạch bữa ăn phù hợp với bệnh đái tháo đường là lựa chọn những thực phẩm giúp ổn định lượng glucose trong máu, không làm lượng glucose trong máu tăng đột biến sau bữa ăn đồng thời không gây hạ đường huyết xa bữa ăn.
Những nguyên tắc chính khi lập chế độ ăn uống
Việc lập kế hoạch ăn uống hiệu quả liên quan đến việc hiểu cách các loại thực phẩm khác nhau ảnh hưởng đến lượng glucose trong máu của bạn. Các nguyên tắc chính cần tuân theo là "Cân bằng – Số lượng – Thời gian – Lành mạnh":
- Nguyên tắc Cân bằng: Mỗi bữa ăn cần có đầy đủ và cân đối carbohydrate (chất bột đường), protein (chất đạm) và Fat (chất béo). Riêng carbohydrate cần ưu tiên chọn loại phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt và rau giàu chất xơ.
- Nguyên tắc Số lượng: Chú ý đến số lượng để tránh ăn quá nhiều hay quá ít.
- Nguyên tắc Thời gian: Ăn đúng bữa, đảm bảo khoảng cách và ổn định thời gian của các bữa để tập cho cơ thể hoạt động đúng giờ và duy trì lượng glucose trong máu ổn định.
- Nguyên tắc Lành mạnh: Hạn chế thực phẩm có nhiều đường, muối và chất béo không lành mạnh.
2. Các nhóm chất đa lượng
- Carbohydrate, hay còn gọi là nhóm chất bột đường: Carbohydrate có tác động trực tiếp nhất đến lượng đường trong máu vì chúng phân hủy thành glucose, đi vào máu. Kiểm soát lượng carbohydrate trong khẩu phần ăn uống và lựa chọn carbohydrate phức hợp như ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu và rau không chứa tinh bột có thể giúp hấp thụ glucose chậm hơn, ngăn ngừa tình trạng tăng glucose đột biến sau khi ăn.
Các loại thực phẩm như gạo xát dối (như gạo lứt, gạo lật nảy mầm), khoai (khoai sọ, khoai lang, khoai tây) và bột mì nguyên cám (bánh mì nguyên cám) là các loại thực phẩm ví dụ cụ thể của carbohydrate phức hợp.
- Protein (hay còn gọi là chất đạm): Protein ít gây tác động trực tiếp tới lượng đường trong máu. Mỗi bữa ăn đều có protein giúp làm chậm quá trình hấp thụ carbohydrate và làm cho bữa ăn trở nên ngon miệng hơn.
Protein có thể từ động vật như thịt, cá, trứng hay thực vật như các loại đậu (đậu tương, đậu xanh, đậu đen, đậu ngự…), và protein từ sữa (như phomai, sữa tách béo). Trong gạo cũng đã chứa protein nhưng số lượng ít. Lượng protein trong 100g gạo tương đương với lượng protein trong 30-40g thịt cá.
- Chất béo: Chất béo lành mạnh rất cần thiết cho những người mắc đái tháo đường, vì bản thân bệnh này gây tổn thương các thành mạch máu, do đó làm nguy cơ mắc bệnh tim cao hơn. Chất béo không bão hòa, như chất béo trong dầu của một số loại thực vật (dầu lạc, dầu ô liu), quả bơ, các loại hạt (hạt lạc, hạt mắc ca, hạt óc chó), hỗ trợ sức khỏe tim mạch và cũng giúp làm cho bữa ăn no hơn. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý ăn các thực phẩm chứa chất béo với lượng vừa phải, vì chất béo rất giàu năng lượng, dễ gây tăng cân.
Cần cân bằng các chất dinh dưỡng đa lượng này trong mỗi bữa ăn để giúp ổn định lượng đường trong máu và đảm bảo sự đa dạng về dinh dưỡng.
3. Các nhóm chất vi lượng
Khi xây dựng chế độ ăn cho người đái tháo đường cũng cần lưu ý đảm bảo đủ vitamin và khoáng chất. Một số khoáng chất đã được khoa học chứng minh có tác động tới sự cải thiện glucose máu gồm magiê, crom và vitamin D.
Magiê đóng vai trò trong quá trình chuyển hóa glucose và có liên quan đến tình trạng kháng insulin. Các nguồn thực phẩm giàu magiê là rau lá xanh, các loại hạt và ngũ cốc nguyên hạt.
Crom giúp tăng cường độ nhạy insulin, có một lượng nhỏ trong các loại thực phẩm như bông cải xanh, cà chua, thịt bò, thịt gà.
Tình trạng thiếu hụt vitamin D thường gặp ở những người đái tháo đường ít tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, do vậy có thể bổ sung vitamin D cho những đối tượng này.
Các chất chống oxy hóa như vitamin C và E cũng rất quan trọng vì giúp hạn chế stress oxy hóa, là tình trạng thường gặp khi mắc đái tháo đường. Chế độ ăn đa dạng thực phẩm giúp cung cấp đầy đủ và cân đối các chất vi lượng cần thiết này.
4. Mẹo lập kế hoạch ăn uống hiệu quả
Sau đây là một số mẹo cần lưu ý khi xây dựng chế độ ăn cho người bệnh đái tháo đường:
- Kiểm soát khẩu phần: Biết ăn bao nhiêu cũng quan trọng như biết ăn gì. Quá nhiều carbohydrate, ngay cả carbohydrate phức hợp, có thể làm tăng lượng glucose trong máu. Một nguyên tắc chung là đo (định lượng) khẩu phần, đặc biệt là đối với thực phẩm giàu carbohydrate. Cách định lượng tối ưu là sử dụng Đơn vị chuyển đổi thực phẩm khi tính toán xây dựng khẩu phần ăn và khi thực hiện ăn uống hằng ngày.
- Tạo bữa ăn cân bằng: Nếu ta coi cái đĩa hình tròn thể hiện 100% suất ăn, thì trong đĩa này, một nửa chứa rau (ở nửa đĩa này này nên chia tiếp một nửa là rau qua chế biến như luộc xào và nửa còn lại là rau ở dạng sống). Nửa phần đĩa còn lại thì ½ chứa chất đạm (cả đạm nguồn gốc động vật và thực vật như đã nêu ở trên) và ½ chứa tinh bột (cơm, ngô, khoai…) Sự cân bằng này ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến và đảm bảo cảm giác no sau bữa ăn.
- Lên lịch ăn uống ổn định về thời gian trong ngày: Đối với những người dùng thuốc insulin hoặc thuốc điều trị đái tháo đường, việc ăn uống theo khoảng thời gian ổn định trong ngày giúp ngăn ngừa cả lượng đường trong máu cao và thấp.
- Đọc nhãn thực phẩm: Nhãn thực phẩm cung cấp thông tin về thành phần các chất dinh dưỡng trong thực phẩm. Khi chọn thực phẩm đóng gói, hãy tìm loại ít đường, nhiều chất xơ và lượng carbohydrate vừa phải. Chất xơ làm chậm quá trình tiêu hóa, giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
- Chuẩn bị bữa ăn từ trước: Chuẩn bị bữa ăn từ trước vừa giúp tiết kiệm thời gian, vừa giúp các lựa chọn được thực phẩm lành mạnh ngay cả khi bận rộn. Chuẩn bị trước bữa ăn cũng giúp ngăn ngừa việc ăn uống "bốc đồng", thường dẫn đến thực phẩm chế biến nhiều carbohydrate và chất béo không lành mạnh, thậm chí nhiều muối.
Khi đã mắc đái tháo đường, người bệnh cần được dinh dưỡng viên xây dựng chế độ ăn kết hợp hiệu chỉnh liều điều trị của bác sĩ. Khi đã đảm bảo liều điều trị phù hợp với khẩu phần ăn, người bệnh tiếp tục duy trì thực hiện "chế độ ăn điều trị", mà vẫn thường được gọi là "cá thể hóa chế độ ăn".
5. Lựa chọn thực phẩm thông minh
Khi chọn thực phẩm, hãy chọn những thực phẩm có chỉ số đường huyết (GI) thấp, vì những thực phẩm này ít làm tăng glucose máu sau khi ăn. Cụ thể như sau:
- Trái cây: Chọn các loại quả ít đường hoặc mọng nước, những loại quả này lượng đường thấp và nhiều chất xơ.
- Rau: Các loại rau chứa rất ít hoặc không chứa tinh bột như rau muống, các loại rau cải, rau mồng tơi, cà chua, dưa chuột, ớt chuông và bí xanh, có hàm lượng carbohydrate và calo thấp.
- Chất đạm (Protein): Thịt nạc, cá, trứng, đậu phụ và các loại đậu là nguồn protein lý tưởng mà không làm tăng lượng đường trong máu.
- Ngũ cốc nguyên hạt: Chọn ngũ cốc nguyên hạt, như gạo lứt, các loại bánh làm từ bột mì nguyên cám có chỉ số GI thấp.
- Sữa: Các chế phẩm từ sữa như sữa chua và phô mai cung cấp protein và canxi mà không thêm đường.
- Tránh các loại thực phẩm chế biến công nghiệp, vì các loại thực phẩm này thường chứa thêm muối, đường và carbohydrate tinh chế, thậm chí là chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, gây hại cho sức khỏe.
Bằng cách tuân theo các chiến lược lập kế hoạch bữa ăn này, những người mắc bệnh đái tháo đường có thể kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, thưởng thức các bữa ăn đa dạng và ngon miệng, đồng thời hỗ trợ sức khỏe tổng thể. Việc lập kế hoạch bữa ăn một cách chu đáo cho phép kiểm soát và linh hoạt, biến việc quản lý bệnh đái tháo đường thành một phần bền vững của lối sống lành mạnh.
Việc lập kế hoạch ăn uống cần có tư vấn của các dinh dưỡng viên. Việc thực hiện cũng cần theo dõi và định kỳ đánh giá để thay đổi cho phù hợp với khả năng thực hiện và tình trạng sức khỏe của người bệnh. Đồng thời, chế độ ăn cũng cần kết hợp chặt chẽ với việc hiệu chỉnh thuốc của bác sĩ điều trị.
Sau đây khung kế hoạch ăn uống qua thực đơn gợi ý cho người mắc đái tháo đường trong 1 ngày:
Sáng | Cơm 1 bát canh rau cải ½ quả dưa chuột Thịt lợn rang 1 thìa muối vừng lạc |
Phụ sáng | 1 hộp sữa chua 1 quả chuối nhỏ |
Trưa | Cơm Rau muống xào Cá sốt cà chua Đậu phụ rán hoặc luộc |
Phụ chiều | 1 hộp sữa tươi hoặc 1 củ khoai sọ luộc |
Tối | Cơm Salad hỗn hợp rau củ (xà lách, cà chua, đậu hạt, ngô ngọt,…) Canh rau ngót Trứng luộc hoặc ốp la |
Phụ tối | Trái cây 100-150g |