Hà Nội

Người bệnh viêm xoang có nên dùng sữa và các chế phẩm từ sữa?

SKĐS - Để điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Bên cạnh đó, việc thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp cũng góp phần cải thiện hiệu quả các triệu chứng của bệnh viêm xoang.

1. Làm gì khi mắc bệnh viêm xoang?

Khi bị viêm xoang, người bệnh thường có biểu hiện nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở. Nếu lượng dịch nhầy không thoát ra được sẽ bị ứ đọng, hình thành mủ trong lòng xoang, tạo áp lực lớn lên thành các hốc xoang gây hiện tượng đau nhức vùng đầu trán, vùng má, thái dương, đau sâu trong hố mắt… 

Ngoài ra còn có biểu hiện ngửi kém, mất mùi; nhức răng; hơi thở hôi; mệt mỏi…

Viêm xoang cấp tính nếu không được điều dứt điểm thường chuyển thành viêm xoang mạn tính. 

Viêm xoang mạn tính thường làm cho người bệnh mệt mỏi, khó chịu, hay bị đau đầu ê ẩm. 

Nếu không được điều trị tốt có thể dẫn đến nhiều biến chứng: viêm họng, viêm tai giữa, viêm thanh quản, viêm phế quản, hội chứng xoang - phế quản, viêm phổi...

Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh viêm xoang - Ảnh 2.

Người bệnh viêm xoang thường bị nghẹt mũi, sổ mũi, khó thở, đau đầu...

Để điều trị hiệu quả và phòng ngừa biến chứng, người bệnh viêm xoang cần tuân thủ đúng chỉ định dùng thuốc và tái khám đầy đủ theo lịch hẹn của bác sĩ. Bên cạnh đó cần chú ý thực hiện chế độ dinh dưỡng phù hợp góp phần hỗ trợ điều trị hiệu quả bệnh viêm xoang.

2. Dinh dưỡng cho người bệnh viêm xoang

2.1. Người bệnh viêm xoang nên ăn gì?

- Ăn uống đủ chất dinh dưỡng

Để có sức đề kháng tốt, người bệnh viêm xoang cần chú ý ăn uống đủ chất dinh dưỡng. Thực đơn hàng ngày cần đảm bảo đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: 

  • Tinh bột (chủ yếu từ các loại ngũ cốc); 
  • Chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu, đỗ...); 
  • Chất béo (mỡ động vật, dầu thực vật); 
  • Vitamin và khoáng chất (các loại rau, củ, quả tươi...).

Uống nhiều nước

Người bệnh viêm xoang nên uống nhiều nước, đảm bảo khoảng 2 lít/ngày. Nước giúp làm loãng niêm dịch giúp sự dẫn lưu của mũi xoang tốt hơn, tránh sự ứ đọng bụi bẩn và vi khuẩn. Không nên uống nước lạnh. Vào những ngày trời lạnh nên dùng nước ấm là tốt nhất.

Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh viêm xoang - Ảnh 3.

Người bệnh viêm xoang nên uống nhiều nước.

- Tăng cường ăn rau và trái cây

Người bệnh nên tăng cường ăn rau xanh và trái cây. Đây là nhóm thực phẩm cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống ôxy hóa, giúp tăng cường hệ miễn dịch.

Đặc biệt các loại rau quả giàu vitamin C có tác dụng hỗ trợ cải thiện viêm nhiễm niêm mạc ở xoang mũi, làm loãng chất dịch nhầy, giúp mũi thông thoáng hơn.

Nguồn thực phẩm giàu vitamin C bao gồm: Cam, quýt, chanh, bưởi, dứa, dâu tây, kiwi, ớt chuông đỏ, bông cải xanh, cải xoăn…

Một số loại rau gia vị như: bạc hà, rau mùi, gừng, hành… có tác dụng kháng khuẩn, tiêu viêm, giúp cải thiện hiệu quả triệu chứng của viêm đường hô hấp, trong đó có viêm xoang. Vì vậy, người bệnh nên sử dụng thường xuyên các loại thực phẩm này trong chế độ ăn hàng ngày.

Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh viêm xoang - Ảnh 4.

Bạc hà là loại rau gia vị tốt cho người bệnh viêm xoang.

2.2. Thực phẩm không nên dùng cho người bệnh viêm xoang

- Thực phẩm gây dị ứng

Những người có cơ địa dị ứng, đặc biệt là viêm mũi dị ứng rất dễ bị bệnh viêm xoang. Viêm xoang mũi dị ứng thường hay tái phát và nặng lên khi tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như: khói bụi, nấm mốc, hóa chất…

Đặc biệt là một số loại thực phẩm dễ gây dị ứng như: một số loại hải sản (tôm, cua, ốc…); một số loại thịt đã qua chế biến (xúc xích, giăm bông); thực phẩm lên men (dưa cải bắp, kim chi, giấm); một số loại hạt, lạc; sữa; thức ăn lạ như nhộng ong, nhộng tằm...

Vì vậy, tốt nhất là người bệnh nên tránh các loại thức ăn này. Đặc biệt, nếu đã có tiền sử dị ứng với loại thực phẩm nào cần tuyệt đối tránh không ăn loại thực phẩm đó nữa.

- Thực phẩm chứa nhiều đường

Chế độ ăn nhiều đường tinh chế (không phải đường tự nhiên có trong trái cây) như: bánh, kẹo, nước ngọt có gas... có thể làm tăng phản ứng viêm, khiến các triệu chứng của viêm xoang nặng hơn.

Một số nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn nhiều đường có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng viêm xoang và tăng tình trạng viêm ở trẻ em có các triệu chứng về xoang. Và việc giảm tiêu thụ đường có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bệnh.

Vì vậy, người bệnh viêm xoang nên hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều đường tinh chế. Thay vào đó nên sử dụng các loại trái cây có chứa đường tự nhiên có lợi cho sức khỏe hơn.

- Thực phẩm nhiều gia vị cay nóng

Đồ ăn nhiều gia vị cay nóng như: ớt, hạt tiêu… không tốt cho người bệnh viêm xoang vì chúng dễ gây kích ứng niêm mạc mũi xoang, làm nặng thêm các triệu chứng của bệnh.

- Đồ uống có cồn

Không nên sử dụng các loại đồ uống có cồn và các chất kích như: rượu, bia, nước có gas, café, thuốc lá… vì khiến cơ thể mất nước, tăng tiết dịch nhầy, làm ứ đọng chất nhầy, mủ trong các hốc xoang gây tắc nghẽn đường thở, tăng các cơn đau nhức vùng đầu trán.

Dinh dưỡng hợp lý cho người bệnh viêm xoang - Ảnh 5.

Không nên sử đụng đồ uống có cồn.

2.3. Người bệnh viêm xoang có nên uống sữa?

Sữa là một thực phẩm giàu chất dinh dưỡng, có chứa một lượng lớn protein và các khoáng chất như vitamin D, canxi rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, những bệnh nhân bị viêm xoang mũi nên cân nhắc khi uống sữa và sử dụng các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,… bởi theo một số nghiên cứu việc dùng quá nhiều sữa và các chế phẩm từ sữa sẽ làm ứ đọng dịch nhầy mủ và đờm. 

Sữa được cho là có tác dụng thúc đẩy sản xuất chất nhầy và đờm, thường được gọi là "hiệu ứng chất nhầy sữa", không tốt cho tình trạng viêm xoang.

Thông tin trên trang Healthline cho biết: Trong một nghiên cứu nhỏ ở 108 người chia thành nhóm uống sữa và nhóm không uống sữa. Sau 4 ngày, những người tham gia 2 nhóm đã báo các triệu chứng của họ: Những người tham gia vào nhóm không uống sữa đã giảm đáng kể việc tiết chất nhầy ở mũi so với những người tham gia vào nhóm dùng sữa.

Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cũ cho thấy phản ứng dị ứng với sữa có thể làm tăng sản xuất polyp mũi, là nguyên nhân phổ biến của bệnh viêm; tỷ lệ mắc bệnh viêm xoang mạn tính gia tăng ở những người bị dị ứng sữa.

Mặc dù vậy, đây chỉ là những nghiên cứu nhỏ do đó nếu bị viêm xoang, bạn nên chú ý theo dõi các dấu hiệu của cơ thể sau khi uống sữa. Nếu bạn nghi ngờ sữa và các chế phẩm từ sữa có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng của bạn, hãy trao đổi với bác sĩ. Tuy nhiên, nếu bạn không bị dị ứng hoặc nhạy cảm với sữa, có thể không cần loại bỏ nó khỏi chế độ ăn uống của bạn vì sữa cung cấp nhiều dinh dưỡng cho cơ thể.

Người bệnh viêm xoang có nên dùng sữa và các chế phẩm từ sữa? - Ảnh 6.

Nếu bạn không bị dị ứng hoặc nhạy cảm với sữa, không cần loại bỏ sữa khỏi chế độ ăn uống của mình.

Cần lưu ý: Người bệnh viêm xoang rất nhạy cảm với thời tiết. Do vậy, khi giao mùa, chuyển lạnh, cần phải giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, vệ sinh mũi họng bằng nước muối sinh lý, tránh tiếp xúc với các yếu tố gây dị ứng…

Khi có biểu hiện viêm đường hô hấp như: hắt hơi, chảy nước mũi, tắc mũi… cần đến bác sĩ chuyên khoa khám và điều trị dứt điểm.

Viêm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và các biện pháp chữa trị, phòng ngừaViêm xoang: Nguyên nhân, triệu chứng, biến chứng và các biện pháp chữa trị, phòng ngừa

SKĐS - Viêm xoang là bệnh lý khá phổ biến tại Việt Nam, bất kì đối tượng nào cũng có thể mắc phải. Nếu không điều trị kịp thời, người bệnh có thể gặp những biến chứng không mong muốn đồng thời gây tổn hại cho sức khỏe.

Xem thêm video đang được quan tâm

14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?

BS. Trọng Nghĩa
Ý kiến của bạn