Người bệnh viêm túi mật nên tập thể dục như thế nào?

22-10-2024 12:33 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Người bị bệnh viêm túi mật có thể tập luyện thể dục, vận động thường xuyên sẽ làm hạn chế các triệu chứng đau, hỗ trợ quá trình điều trị bệnh.

1. Vai trò của tập thể dục với người bệnh viêm túi mật

Viêm túi mật là một bệnh thường có nguyên nhân do sỏi túi mật gây ra. Nếu không được điều trị thường diễn biến kéo dài và tiến triển đến viêm hoại tử túi mật, tắc mật do sỏi...

Theo BSCK2 Nguyễn Quang Huy (Bệnh viện Nhân dân 115), để đề phòng viêm túi mật, cần ăn uống khoa học hợp lý và tập luyện thể thao để rèn luyện sức khỏe với thời gian tối thiểu 30 phút/ngày và duy trì cân nặng với người có cân lý tưởng. Đối với người thừa cân, cần giảm cân hợp lý tránh giảm cân đột ngột.

Những bài tập, động tác nhẹ nhàng, vừa sức có thể có tác dụng phòng ngừa và giảm đau do bệnh lý viêm túi mật gây ra. Cần tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Nếu vận động thường xuyên, sẽ ngăn ngừa được tình trạng sỏi mật, hạn chế các triệu chứng đau. Ngược lại, nếu lười vận động, bạn có nguy cơ bị sỏi mật nhiều hơn.

Tập thể dục có thể ngăn chặn sự hình thành sỏi mật do làm giảm ứ trệ dịch mật và tiêu hao bớt lượng chất béo tích tụ trong cơ thể, từ đó làm giảm được lượng cholesterol dư thừa lưu trữ trong túi mật và hạn chế tình trạng lắng đọng kết tụ sỏi. Vận động rất có hiệu quả trong việc tăng cường sức khỏe hệ tiêu hóa và giảm nguy cơ sỏi mật tái phát. Quan trọng là cần thực hiện phương pháp vận động phù hợp theo lứa tuổi.

Để phù hợp, chọn các môn thể thao như đi bộ, chạy chậm, tập dưỡng sinh… là phù hợp. Tuyệt đối không vận động quá nặng so với tình trạng sức khỏe hiện tại, điều đó có hại hơn có lợi. Thừa cân, béo phì đã được chứng minh là một yếu tố nguy cơ phát triển sỏi mật. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp làm giảm nguy cơ sỏi mật và các vấn đề của túi mật.

Người bệnh viêm túi mật nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 1.

Tập thể thao vừa phải giúp duy trì sức khỏe.

2. Các bài tập, môn thể dục phù hợp với người viêm túi mật

Một số bộ môn phù hợp với hầu hết mọi người như: Đi bộ, chạy bộ, yoga, bơi lội… đều rất tốt cho cơ thể. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều phương pháp tập luyện khác nhau, bao gồm đạp xe, tập xà, đi bộ, bơi lội, tennis… và đi tới kết luận: Tất cả các hình thức tập luyện đều có tác dụng giảm nguy cơ mắc bệnh viêm túi mật tương đương nhau và hoàn toàn có thể áp dụng cho người đang bị bệnh. Người bệnh cần có lựa chọn tập luyện phù hợp với từng thể trạng cơ thể, tình trạng bệnh. Sau đây là các môn thể dục người bệnh viêm túi mật có thể lựa chọn:

Đi bộ:

Đi bộ là một hình thức tập thể dục đơn giản nhưng hiệu quả, phù hợp với mọi lứa tuổi. Thường xuyên đi bộ sẽ giúp giảm mỡ, tăng cường sự linh hoạt cho xương khớp, cải thiện tuần hoàn để từ đó có cơ thể khỏe, đẹp. Khi đi bộ, cánh tay đóng vai trò là đối trọng với chân.

Khi đi bộ, nên thả lỏng cánh tay và để chúng cử động tự nhiên để tránh tình trạng căng cứng cơ tay, gây đau nhức. Đồng thời, đánh tay lúc đi bộ còn đem lại cảm giác thư giãn, thoải mái. Hãy tập đi những bước ngắn nhưng nhanh, điều này sẽ giúp cho cột sống thẳng, để tránh gây áp lực cho lưng hoặc hông.

Đạp xe:

Ngoài giảm mỡ thừa, đạp xe còn giúp có được thân hình khỏe mạnh, săn chắc cơ. Đạp xe sẽ giúp tăng cường khả năng bơm máu, tim đập nhanh hơn, từ đó cải thiện sức khỏe. Người có thói quen tập xe đạp hàng ngày sẽ tránh được nguy cơ cao huyết áp, giúp đốt cháy lượng chất béo dư thừa, kiểm soát hàm lượng cholesterol và bảo vệ khỏi nhiều căn bệnh nguy hiểm.

Đạp xe tập thể dục sẽ giúp tăng mật độ xương, củng cố hệ xương chắc khỏe hơn. Đạp xe tập thể dục đúng cách sẽ giúp tăng cường hệ miễn dịch, chống lại nhiều bệnh. Ngoài ra, còn giúp ngăn chặn các tế bào, khối u, ngừa bệnh về u bướu. Đạp xe còn giúp giải tỏa stress, thư giãn tinh thần hiệu quả.

Dưỡng sinh:

Dưỡng sinh bao gồm các bài tập chủ yếu là những động tác nhẹ nhàng giúp rèn luyện sức khỏe, hạn chế bệnh tật và gia tăng tuổi thọ. Tập dưỡng sinh là một phương pháp luyện tập di dưỡng sinh mệnh, rèn luyện sức khỏe để phòng chống bệnh tật, cải thiện sức khỏe, giúp tinh thần luôn vui vẻ, thoải mái và từ đó giúp kéo dài tuổi thọ.

Bên cạnh đó, tập dưỡng sinh cũng là cách nuôi dưỡng tinh thần, thái độ tích cực trong cuộc sống. Đây là bí quyết giúp mọi người nâng cao hệ miễn dịch, hỗ trợ trí tuệ luôn minh mẫn và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính. Ngoài ra, tập dưỡng sinh còn giúp cải thiện hệ tiêu hóa, giúp người cao tuổi có thói quen ăn uống dinh dưỡng hợp lý và hệ thống xương khớp dẻo dai hơn.

Ngồi thiền:

Thiền để giảm stress đã trở thành một trong những phương pháp phổ biến hiện nay. Thiền giúp cơ thể được thư giãn nên giúp ích cho hệ miễn dịch. Thiền làm giảm bớt sự lo lắng, giảm độc tố tiết ra. Từ đó thúc đẩy tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể.

Mất ngủ là tình trạng mà nhiều người gặp phải. Thiền có thể giúp kiểm soát tốt suy nghĩ, từ đó dễ dàng đi vào giấc ngủ mà không bị trằn trọc. Ngoài ra, nó có thể giúp thư giãn cơ thể, giải phóng căng thẳng và đưa về trạng thái yên bình, thoải mái, làm cho bạn ngủ sâu hơn.

Người bệnh viêm túi mật nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 2.

Ngồi thiền khiến bạn trở nên khỏe mạnh hơn, hạnh phúc hơn.

Yoga:

Tập yoga là cách tuyệt vời để rèn luyện sự linh hoạt và sức mạnh của cơ thể. Yoga cũng cung cấp nhiều lợi ích khác về tinh thần và thể chất. Khi thực hiện các tư thế yoga sẽ giúp kéo căng các cơ, tập hàng ngày có thể giúp di chuyển tốt hơn và bớt căng cứng hoặc mệt mỏi.

Yoga từ lâu đã được biết đến với các tác dụng giúp giảm huyết áp và làm chậm nhịp tim. Nhịp tim chậm hơn có thể có lợi cho những người bị huyết áp cao hoặc bệnh tim và những người bị đột quỵ. Yoga cũng có liên quan đến việc giảm mức cholesterol và chất béo trung tính, và chức năng hệ thống miễn dịch tốt hơn.

3. Những lưu ý khi tập thể dục với người bệnh viêm túi mật

Tập thể dục thể thao thường xuyên giúp đốt cháy calo, giảm nguy cơ thừa cân, béo phì, giảm nguy cơ bị sỏi mật, giảm triệu chứng đau ở người viêm túi mật. Ngược lại, ngồi lâu một chỗ, lười vận động, nguy cơ mắc sỏi mật và viêm túi mật cao hơn so với người tập thể dục thường xuyên. Tốt nhất nên duy trì tập thể dục ít nhất 5 ngày mỗi tuần, mỗi lần 30 phút.

Tập thể dục ở mức vừa phải hay nhẹ nhàng và được duy trì đều đặn trong thời gian dài sẽ giúp cơ thể khỏe mạnh hơn, làm giảm Cholesterol và giữ cho máu lưu thông đúng cách, ngăn hình thành sỏi và bảo vệ sức khỏe đường ruột.

Thời điểm tập lý tưởng nhất là vào buổi sáng sớm khi nhiệt độ cơ thể ở mức ổn định. Không nên tập quá gần giờ đi ngủ vì có thể gây ra khó ngủ. Cần lựa chọn các hoạt động phù hợp với sức khỏe và khả năng của bản thân. Khởi động kỹ trước khi tập luyện, luôn bắt đầu từ từ, tập với cường độ thấp và tăng dần theo thời gian. Cần tránh các bài tập có tư thế xoắn mạnh, ép bụng hoặc gây áp lực lên vùng bụng.

Uống đủ nước trước, trong và sau khi tập luyện. Việc tập luyện luôn phải đi đôi với chế độ ăn, chế độ sinh hoạt hợp lý theo hướng dẫn của bác sĩ.

Người bệnh viêm túi mật nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 4.

Tập thể dục thường xuyên giúp phòng ngừa bệnh viêm túi mật.

4. Khi nào thì không nên tập thể dục

Không tập khi cơ thể đang mệt mỏi, đói bụng hoặc sau khi ăn no. Việc tập luyện thể lực tốt nhất nên được thực hiện ít nhất 1 - 2 giờ sau bữa ăn. Hãy đảm bảo cơ thể đang ở trong tình trạng năng lượng tốt.

Để việc tập luyện thực sự mang lại lợi ích, cần xây dựng thói quen luyện tập thường xuyên, đều đặn. Việc tập thể dục điều độ giúp phòng ngừa được các triệu chứng đau, đầy trướng, chậm tiêu. Tuy nhiên, nếu tập thể dục quá sức như chạy đường dài, chạy nhanh, gấp… có thể khiến cơ thể mệt mỏi và gây ra các triệu chứng về tiêu hóa như tiêu chảy và đau bụng.

Người bệnh viêm túi mật nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 5.

Tập luyện quá sức, sai phương pháp sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe người bệnh.

Khi có những triệu chứng cấp tính viêm túi mật, chẳng hạn như đau bụng, khó chịu… nên hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa để biết nên chọn tập bài tập nào với cường độ ra sao, tránh tập luyện quá sức làm tăng những cơn đau. Hãy lắng nghe cơ thể và tập những bài tập thật nhẹ nhàng cho đến khi các triệu chứng giảm.

Cần dừng tập ngay nếu cảm thấy đau bụng hoặc khó chịu. Tránh tập luyện trong điều kiện thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh. Tránh tập thể dục khi đang căng thẳng, dễ xúc động hoặc kiệt sức về thể chất.

Để phòng viêm túi mật, cần có chế độ ăn uống hợp lý. Cần tập thể dục đều đặn, nếu béo phì hoặc tăng cân cần giảm một cách từ từ. Nên khám bệnh định kỳ và tẩy giun theo chỉ dẫn của bác sĩ khám bệnh.

Xem thêm:

Dấu hiệu của viêm túi mật theo từng giai đoạnDấu hiệu của viêm túi mật theo từng giai đoạn

SKĐS - Viêm túi mật là tình trạng nhiễm trùng ở túi mật. Nếu không chữa trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến thủng túi mật.




Đỗ Quyên
Ý kiến của bạn