Để tăng cường sức đề kháng, phòng chống COVID-19, nhiều người đã truyền tai nhau những bài thuốc để phòng bệnh. Nhưng thực hư về tác dụng phòng chống bệnh tật có đúng như lời đồn?
1. Tác dụng chữa bệnh của gừng, chanh, sả
1.1 Gừng
Gừng chứa chứa 2 - 3% tinh dầu; 5% nhựa dầu; 3,7 tinh bột và chất cay như zingeron, zingerol, sogal. Theo Đông y, gừng có tác dụng chữa bệnh trong các trường hợp cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, đau nhức đầu, nôn, kích thích tiêu hóa, giải độc…
Ngoài ra, gừng có khả năng kháng khuẩn cao, là thực phẩm tăng sức đề kháng được nhiều người sử dụng sau khi ốm dậy. Gừng có thể giảm viêm, giảm đau họng, giảm đau và làm chậm quá trình tạo cholesterol.
Gừng có thể được sử dụng làm gia vị trong chế biến món ăn, hoặc làm mứt, pha trà gừng… Tuy nhiên, nên dùng gừng vào buổi sáng sẽ có tác dụng tốt đối với sức khỏe. Không nên sử dụng gừng vào buổi tối vì có thể sẽ gây mất ngủ, nhất là những người có cơ địa nóng hoặc thường xuyên mất ngủ.
1.2 Sả
Cây sả còn gọi là cỏ sả, sả chanh, lá sả, hương mao có vị cay, tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi, ấm bụng, giúp tiêu hóa, khỏi nôn, thông khí, sát trùng, khử uế, tiêu đờm. Theo Đông y, cây sả vị the, mùi thơm, tính ấm, có tác dụng giải độc cơ thể.
Chiết xuất từ cây sả ra được nhiều tinh dầu. Trong tinh dầu sả thành phần chủ yếu là citral. Lá cây sả chứa 0,4-0,8% tinh dầu ở dạng dễ bay hơi, thân cây sả chứa 75 - 85% hương thơm mùi chanh tự nhiên và các tinh chất đặc biệt khác. Củ sả chứa 1 - 2% tinh dầu có màu vàng nhạt, thơm mùi chanh, thành phần chủ yếu là citral (65 - 85%), geraniol (40%). Cây sả có thể sử dụng ở dạng tươi, sấy khô hay tán thành bột.
Do sả có tính ấm có tác dụng làm ra mồ hôi nên chỉ thích hợp dùng để trị các chứng bệnh do hàn (lạnh) gây ra. Các trường hợp cơ thể hư nhược và các chứng bệnh do nhiệt gây ra như cảm nhiệt hay cảm nắng không nên dùng sả uống hoặc xông.
1.3 Chanh
Chanh giàu vitamin C, ít calo. Một quả chanh chỉ khoảng 20 calo và gần 90% nước. Quả chanh có vị chua, tính mát, tác dụng thanh nhiệt, chống nôn, sát trùng, sáng mắt, chữa ho, lợi tiêu hóa, thông khí, tiêu đờm, tiêu thực, chữa cảm sốt, nhức đầu...
Tuy nhiên người bị viêm loét dạ dày - tá tràng chưa ổn định nên hạn chế dùng. Có thể uống nước chanh tươi pha loãng, hàm lượng axit cũng sẽ bị giảm mạnh, tránh gây hại cơ thể.
Không uống nước chanh trước khi ăn do không có khả năng đốt cháy calo để giảm cân.
2. Người bị viêm loét dạ dày có nên dùng gừng, chanh, sả?
Bài thuốc dùng phối hợp gừng, cam, chanh, sả rất quen thuộc trong y học cổ truyền, có tác dụng giữ ấm khi cơ thể bị lạnh, cải thiện sức khỏe, tăng cường đề kháng trong thời điểm giao mùa. Tuy nhiên, người dùng nên tham khảo ý kiến của bác sĩ về thời gian và liều lượng sử dụng. Vì là thảo dược nhưng cũng chỉ nên dùng trong thời gian nhất định theo chỉ định của bác sĩ chứ không dùng nhiều, dùng trong thời gian dài sẽ gây ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe.
Những người bị viêm loét dạ dày không nên sử dụng bài thuốc này vì không chỉ làm gia tăng cơn đau mà còn có thể gây ra các rối loạn khác của hệ thần kinh thực vật như: đổ mồ hôi, tiêu chảy, tăng nhu động ruột...
3. Cách làm nước gừng, chanh, sả giúp tăng sức đề kháng
3.1. Nguyên liệu
- 1 quả chanh
- 2 - 3 cây sả
- 50g gừng
- 20 - 40g đường phèn
- ¼ thìa cà phê muối
3.2. Chế biến
Bước 1: Lột bỏ phần vỏ già bên ngoài của sả, cắt bỏ phần lá xanh ở trên rồi rửa sạch, cắt khúc khoảng 7 - 10cm, sau đó đập dập. Gừng rửa sạch, giữ nguyên vỏ, cắt lát 0,5cm rồi đập dập. Chanh rửa sạch, vắt lấy nước cốt (muốn ăn chua, có thể thêm khoảng nửa quả nữa).
Bước 2: Cho khoảng 1,5 - 2 lít nước vào đun, cho đường phèn vào cùng, đun đến khi sôi nước, đường phèn tan hết thì cho sả vào, đun sôi tiếp khoảng 3 - 5 phút rồi cho gừng vào, đun thêm 1 - 2 phút và tắt bếp. Lúc này, bỏ số muối nhỏ đã chuẩn bị vào và để nguội.
Bước 3: Đặt nguyên nồi trên bếp rồi đậy nắp trong 30 phút. Sau đó, vớt bỏ phần xác trong nồi rồi lọc lại phần nước qua rây một lần nữa nhằm loại bỏ phần cặn nhỏ và để nguội.
Bước 4: Sau khi nước gừng và sả nguội hẳn, cho thêm nước cốt chanh vào. Lưu ý điều chỉnh vị nước theo khẩu vị riêng. Nếu thấy chưa đủ ngọt, có thể pha thêm đường nhưng chú ý không nên quá ngọt, ăn đường nhiều sẽ không tốt. Nước gừng, chanh, sả có thể bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh từ 2 - 3 ngày.
Theo BS. CKII. Huỳnh Tấn Vũ: Bài thuốc truyền tai nhau nhiều nhất, khẳng định có hiệu quả “phòng cúm 100%” là: 5 cây sả, 1 nhánh gừng, 3 trái chanh bỏ đông đá, 2 - 3 lá dứa cho vào nồi nấu, để nguội pha với mật ong uống nhiều lần trong ngày. Theo đó, người ta còn khẳng định bài thuốc này là sự kết hợp giá trị giữa các vị thuốc: sát khuẩn (mật ong), chống oxy hóa, giữ ấm cơ thể (gừng), thanh lọc cơ thể, chống nhiễm trùng (sả) và tăng cường sức đề kháng với vitamin C (chanh). Nhiều người đã thực hiện theo bài thuốc này, trong đó không ít người uống thay nước lọc.
Trên thực tế, bài thuốc này người xưa đã dùng, nhưng chỉ có công dụng cải thiện sức khỏe khi bị cảm lạnh, cảm mạo. Tuy nhiên, dịch COVID -19 là do virus gây ra với nhiều biến thể nguy hiểm nên không thể lấy bài thuốc này để phòng ngừa, càng không có công dụng trong điều trị COVID-19. Việc sử dụng bài thuốc dân gian trên một cách thường xuyên, liên tục có thể gây ảnh hưởng đến sức khoẻ. Nhiều người quan niệm sai là bài thuốc dân gian không có hại mà không biết rằng không nên dùng thảo dược trong thời gian dài, nhất là khi không biết cơ thể mình thuộc thể nào: hàn, nhiệt ra sao.
Xem thêm video đang được quan tâm:
14 món ăn giúp trị cảm lạnh có thể bạn chưa biết?