Bên cạnh các bệnh lý có nguy cơ cao như đái tháo đường, tăng huyết áp, tim mạch, bệnh lý về hô hấp các bệnh nền khác như thận, viêm gan B cũng là một bệnh lý nền. Thực tế nhiều bệnh nhân viêm gan B cũng đã tỏ ra lo lắng và thận trọng trước đại dịch. Vậy, với người bị viêm gan B có những điều gì cần phải lưu ý trong đại dịch COVID-19?
Hiểu về bệnh nền viêm gan
Như chúng ta đã biết, gan đóng vai trò quan trọng, thường được ví như “nhà máy hóa học” của cơ thể. Ngoài việc chuyển hóa thức ăn thành các chất dinh dưỡng cần thiết, gan còn có chức năng đào thải độc tố. Khi gan bị tổn hại, cơ thể đứng trước nguy cơ bị các tác nhân gây hại tấn công.
Theo ThS.BS Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, BV Bạch Mai, trong bối cảnh dịch COVID-19 người mắc bệnh lý nền quyết định nhiều đến phản ứng cơ thể dẫn đến tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. Bệnh nền quyết định rất nhiều đến phản ứng của cơ thể, dẫn đến tình trạng bệnh nặng hay nhẹ. COVID-19 cũng làm thay đổi diễn biến tình trạng viêm gan của từng bệnh nhân và việc quản lý bệnh nhân viêm gan nói chung.
Trong các nghiên cứu trên thế giới, những báo cáo về tác động của COVID -19 với bệnh viêm gan lại khá ít ỏi. Tỷ lệ bệnh nền viêm gan trên các bệnh nhân COVID -19 mà chúng ta gặp chỉ vài %.
ThS.Thái cho biết, chúng ta thấy các báo cáo có những bệnh nhân nặng dễ tử vong thì men gan tăng càng cao. Ở Trung Quốc báo cáo tháng 12, tháng 1 các bệnh nhân tử vong là do suy gan. Tại thời điểm đó, các chuyên gia nhận xét là virus tấn công trực tiếp vào gan. Tuy nhiên, sau một thời gian xem xét, họ nhận thấy có nhiều yếu tố dẫn đến tình trạng tăng men gan. Tăng men gan không phải tổn thương do virus mà là các khâu trung gian khác. Trong số đó, có cơn bão Cykotin làm tăng men gan và tăng phản ứng viêm quá mức. Yếu tố quan trọng là thuốc điều trị bệnh tác động đến cơ thể cũng là một nguyên nhân dẫn đến tăng men gan.
Người bệnh viêm gan cần tăng cường kết nối với thầy thuốc
Các báo cáo càng gần đây trên thế giới liên quan đến COVID -19, người ta đưa ra kết luận, so với các bệnh khác thì tăng men gan hay viêm gan trong trường hợp này là bệnh nền có liên quan; nhưng tỷ trọng so với bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, bệnh COPD chiếm tỷ trọng rất ít. Do đó, người bệnh viêm gan mặc dù được xác định là mắc bệnh lý nền nhưng cũng đừng quá lo lắng mà phản ứng tiêu cực khi điều trị bệnh.
Tăng cường kết nối với bác sĩ để điều trị
BS. Thái lưu ý, trong đợt dịch COVID-19 có nhiều người ngại tới bệnh viện, sợ đến bác sĩ, nên dùng đơn thuốc bác sĩ kê và dùng liên tục mà không hề đi kiểm tra lại. Điều này rất nguy hiểm. Đối với bệnh nhân viêm gan nói chung cần tăng cường tiếp cận với truyền thông để hiểu bản chất của bệnh tác động đến đâu, từ đó giúp người bệnh duy trì điều trị có niềm tin mà không sợ COVID -19.
Để làm được việc này, người bệnh viêm gan cần tăng cường kết nối với thầy thuốc, việc này cực kỳ quan trọng, nhưng lại chưa được coi trọng.
Trước đây, nếu bệnh nhân gặp và kết nối trực tiếp với bác sĩ thì bây giờ trong bối cảnh đại dịch, vẫn cần phải tăng cường kết nối, các hình thức kết nối dễ dàng hơn như liên lạc qua Internet, zalo, viber... Kết nối này giúp cung cấp thông tin 2 chiều. Bệnh nhân cung cấp thông tin về bệnh của mình cho thầy thuốc, ngược lại thầy thuốc có thông tin để chỉ dẫn cho bệnh nhân. Bác sĩ sẽ hướng dẫn bệnh nhân khám ở đâu, điều trị cái gì, cần làm xét nghiệm gì. Thậm chí có thể phải thay đổi thuốc và chiến lược điều trị…