Người bệnh ung thư tuyến nước bọt nên tập thể dục như thế nào?

23-10-2024 08:37 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Luyện tập thể dục trong quá trình điều trị ung thư tuyến nước bọt sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống, giải toả sự mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm.

1. Vai trò của tập thể dục với người bệnh ung thư tuyến nước bọt

Ung thư tuyến nước bọt xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người.

TS. Phạm Quang Trung, Khoa Xạ trị và Xạ phẫu - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 chia sẻ, hoạt động thể chất có lợi trước, trong và sau khi mắc bệnh ung thư nói chung và ung thư tuyến nước bọt nói riêng. Khi hoạt động thể chất được duy trì đều đặn và đầy đủ sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ phát triển căn bệnh này.

Ngay cả khi người bệnh mắc ung thư tuyến nước bọt, việc tiến hành các hoạt động thể chất cũng được khuyến nghị, tùy theo khả năng của bệnh nhân. Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng luyện tập thể dục với cường độ thấp đến trung bình trong quá trình điều trị bệnh ung thư sẽ cải thiện chất lượng cuộc sống với lợi ích giải tỏa sự mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm, mất ngủ.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng, việc tập luyện thể thao là một trong những liệu pháp điều trị ung thư hiệu quả nhất. Bắt đầu và duy trì một quá trình hoạt động thể dục có thể giúp bạn nâng cao sức mạnh thể chất cũng như cải thiện tinh thần lạc quan, đưa bạn thoát khỏi tâm lý  của một bệnh nhân ung thư.

Người bệnh ung thư tuyến nước bọt nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 1.

Tuyến nước bọt trên cơ thể người.

2. Những bài thể dục phù hợp với người bệnh ung thư tuyến nước bọt

Hãy đề nghị bác sĩ hoặc chuyên gia chuyên về tập thể dục trong ung thư, họ có thể thiết kế một bài tập tốt nhất cho riêng bạn. Sau đây là các bài tập, môn thể dục phù hợp với bệnh nhân mắc ung thư tuyến nước bọt:

Tập thở

Một số người bị ung thư có thể bị ngộp thở hoặc khó thở. Vì vậy hoạt động thể chất của họ bị hạn chế. Các bài tập thở giúp lưu thông không khí có thể cải thiện sức bền cho bạn.

Làm theo các bước sau để thở bằng cơ hoành: Tìm một vị trí thoải mái hoặc ngồi, đứng hoặc nằm. Đặt một tay lên ngực trên, tay còn lại đặt trên bụng. Hít vào từ từ bằng mũi. Khi cảm thấy bụng đầy không khí thì thở ra chậm hơn bằng miệng với đôi môi mím chặt, như thể bạn đang thổi tắt một ngọn nến. Khi thở ra, bạn sẽ thấy bụng xẹp xuống khi thở ra hoàn toàn. Lặp lại các bước này ít nhất 3 - 4 lần hoặc cho đến khi bạn nhận thấy mình cảm thấy thư giãn hơn và kiểm soát được nhịp thở của mình.

Kéo giãn cơ

Kéo giãn cơ thường xuyên có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và sự dẻo dai của cơ thể, đặc biệt nếu bệnh nhân không thể hoạt động như bình thường do cơ bắp bị căng cứng sau điều trị ung thư. Các bài tập giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến các cơ, hỗ trợ cơ thể tự phục hồi sau điều trị.

Hãy giúp bệnh nhân giữ một tư thế trong khoảng 15 đến 30 giây và thư giãn. Chẳng hạn như bài tập vươn người qua đầu, hít thở sâu và cúi người xuống để chạm vào các ngón chân để thư giãn tất cả các nhóm cơ trên cơ thể.

Bài tập thăng bằng

Mất thăng bằng có thể là tác dụng phụ do bệnh ung thư và do điều trị. Các bài tập thăng bằng có thể giúp bạn lấy lại chức năng và khả năng vận động để bạn có thể quay trở lại cuộc sống hàng ngày một cách an toàn. Thăng bằng tốt cũng giúp ngăn ngừa chấn thương, chẳng hạn như té ngã.

Tập aerobic

Còn được gọi là tập tăng cường nhịp tim. Nó củng cố khả năng của tim và phổi để bạn có thể cảm thấy bớt mệt mỏi trong và sau khi điều trị. Trong bài tập này, đi bộ là một phương pháp dễ thực hiện. Ví dụ, bạn có thể được bác sĩ đề nghị đi bộ 40 đến 50 phút, 3 đến 4 lần mỗi tuần với tốc độ vừa phải.

Người bệnh ung thư tuyến nước bọt nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 2.

Nên hỏi ý kiến bác sĩ, chuyên gia để lựa chọn môn thể dục phù hợp.

Thể dục nhịp điệu

Tập thể dục nhịp điệu sử dụng các nhóm cơ lớn và tăng nhịp tim, có thể trì hoãn sự khởi phát của các tác dụng phụ trong quá trình điều trị và giảm mức độ nghiêm trọng của chúng, duy trì tâm trạng và cải thiện mức năng lượng.

Ngoài ra, loại hình tập thể dục này làm tăng sức mạnh cho tim và phổi và giúp bệnh nhân cảm thấy bớt mệt mỏi trong quá trình điều trị. Đi bộ nhanh, thể dục nhịp điệu dưới nước, khiêu vũ, quần vợt, đạp xe và bơi lội cũng là những môn luyện tập có tác dụng tương tự tập thể dục nhịp điệu mà bệnh nhân có thể lựa chọn.

Thiền định

Thiền định được chứng minh là đem lại nhiều lợi ích đối với bệnh nhân ung thư nói chung và ung thư tuyến nước bọt nói riêng. Thiền mang lại cho bệnh nhân ung thư sự kết nối với hơi thở, tâm trí mở rộng và tĩnh lặng. Đối với bệnh nhân ung thư, thiền định giúp kiểm soát nhiều vấn đề như đau đớn, khó ngủ, mệt mỏi…

Tùy theo điều kiện của từng bệnh nhân, mỗi ngày có thể thực hành 20 - 30 phút thiền định, việc này nếu duy trì đều đặn, sau một thời gian sẽ đem lại những lợi ích vô cùng to lớn với bệnh nhân.

Rèn luyện sức bền

Tình trạng mất cơ thường xảy ra ở một người ít vận động trong quá trình điều trị và phục hồi. Một số liệu pháp điều trị cũng gây yếu cơ. Việc rèn luyện sức bền, rèn sức chịu đựng giúp bạn duy trì và tăng sức mạnh của cơ bắp. Tăng khối cơ có thể giúp bạn thăng bằng, giảm mệt mỏi và cảm thấy các hoạt động thường nhật trở nên dễ dàng hơn. Nó cũng giúp ngăn ngừa loãng xương, yếu xương.

Người bệnh ung thư tuyến nước bọt nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 3.

Tập thể dục có ý nghĩa quan trọng với người bệnh.

3. Những lưu ý khi tập thể dục

Nếu bạn đang gặp tác dụng phụ do bệnh ung thư hoặc từ điều trị, phải thận trọng trong khi tập thể dục. Bạn có thể phải thay đổi chương trình tập thể dục tùy thuộc vào vấn đề cụ thể của bạn. Những bệnh nhân sau điều trị ung thư có thể gặp khó khăn trong hoạt động nên cần tập thể dục ít với cường độ nhẹ hơn để đảm bảo an toàn. Hãy thiết kế mức độ vận động một cách từ từ. Điều này có thể giúp tránh các chấn thương.

Người bệnh lưu ý, hoạt động thể dục cần phải được diễn ra trong môi trường an toàn. Việc điều trị đã làm suy yếu hệ thống miễn dịch của bạn, vì vậy hãy tránh các phòng tập thể dục lớn vì vi trùng lây lan dễ dàng ở đây. Nếu muốn tập thể dục bên ngoài, hãy tìm một nơi nào đó an toàn và đủ ánh sáng, cũng như nên có người thân đi cùng để đảm bảo an toàn.

Luôn bắt đầu với các bài tập khởi động trong vòng khoảng từ 2 đến 3 phút, chẳng hạn như nhún vai, nâng cánh tay qua đầu, chạy nâng cao gối tại chỗ… Hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi nếu cần. Nếu mức năng lượng của bạn thấp, hãy điều chỉnh thời gian hoặc mức độ chuyên cần cho đến khi bạn cảm thấy tốt hơn. Uống nhiều nước trong quá trình tập luyện để tránh mất nước.

Người bệnh ung thư tuyến nước bọt nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 5.

Người bệnh cần có một kế hoạch tập thể dục khoa học, phù hợp.

4. Khi nào thì ngừng tập thể dục?

Không tập thể dục nếu cảm thấy chóng mặt, đứng không vững hoặc gặp vấn đề về việc giữ thăng bằng. Tránh bất kỳ hoạt động nào khiến bạn có nguy cơ té ngã hoặc bị thương. Không tập tạ nặng hoặc tập các bài tập gây căng thẳng quá mức.

Nhịp tim là một chỉ số quan trọng thể hiện tình trạng sức khỏe. Vì vậy, nếu không tập các bài tập cường độ cao mà vẫn cảm thấy nhịp tim tăng đột ngột hoặc đập loạn nhịp thì chắc chắn phải dừng tập và nghỉ ngơi.

Nếu cảm thấy đau, tức ngực, đặc biệt khi kèm theo cảm giác buồn nôn, chóng mặt, khó thở, đổ mồ hôi nhiều khi đang tập thể dục thì bạn hãy dừng lại và kiểm tra sức khỏe. Ngoài ra, khi tập luyện quá sức, cơ bắp cũng sẽ thường xuyên bị đau nhức. Nếu bạn khó ngủ hoặc không theo kịp các bài tập trước đây thì hãy nghỉ ngơi và nhờ bác sĩ tư vấn.

Người bệnh ung thư tuyến nước bọt nên tập thể dục như thế nào?- Ảnh 6.

Hãy lắng nghe cơ thể trong quá trình tập luyện.

Không ăn uống đầy đủ trước khi luyện tập là một trong những nguyên nhân gây ra chóng mặt trong lúc tập luyện. Tuy nhiên, nếu bạn đã dừng lại để ăn uống mà vẫn bị chóng mặt và kèm theo các triệu chứng như đổ mồ hôi đầm đìa, mất tỉnh táo và thậm chí là ngất xỉu thì bạn cần được chăm sóc y tế khẩn cấp. Nguyên nhân những triệu này có thể là do mất nước, tiểu đường, huyết áp, bệnh tim và các vấn đề của hệ thần kinh.

Mồ hôi giúp làm mát cơ thể, nếu đổ mồ hôi quá nhiều cũng có thể là dấu hiệu bất thường của cơ thể. Nếu đổ mồ hôi quá nhiều so với mức bình thường mà không phải do thời tiết nóng thì bạn cũng nên dừng tập thể dục lại để nghỉ ngơi và kiểm tra sức khỏe.

Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết rõ những bài tập nào có thể thực hiện và những bài tập nào nên hạn chế. Nếu đã phẫu thuật, hãy hỏi bác sĩ xem khi nào bạn có thể bắt đầu tập thể dục để đảm bảo an toàn. Hãy từ từ tăng thời gian và cường độ tập thể dục sau khi các tác dụng phụ sau điều trị đã giảm bớt.

Xem thêm:

Ung thư tuyến nước bọt:  Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trịUng thư tuyến nước bọt: Dấu hiệu nhận biết và các phương pháp điều trị

SKĐS- Ung thư tuyến nước bọt là một căn bệnh ung thư chiếm từ 2-4% các ung thư vùng đầu cổ. Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi và ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe con người. Trên thực tế, nhiều người bệnh chủ quan không điều trị. Chỉ đến khi khối u to lên mới đi khám thì đã muộn.



Đỗ Quyên
Ý kiến của bạn