Hà Nội

Người bệnh ung thư nên ăn gì để giảm bớt cảm giác khó chịu khi điều trị?

SKĐS - Đối với nhiều người bệnh ung thư, những lo lắng về bệnh tật cùng với một số tác dụng phụ khi điều trị có thể khiến người bệnh không muốn ăn uống hoặc ăn uống khó. Nhưng việc cung cấp đầy đủ dinh dưỡng là vô cùng cần thiết giúp người bệnh ung thư có sức đề kháng tốt hơn.

1. Những khó khăn khi ăn uống đối với người bệnh ung thư

Theo Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ (ASCO), đối với người bệnh ung thư, việc ăn uống đầy đủ và nhận được dinh dưỡng cần thiết có thể là một thách thức. Đôi khi, tác dụng phụ của bệnh ung thư và điều trị ung thư có thể gây ra những thay đổi về khẩu vị dẫn đến nhiều khó khăn khi ăn uống.

Điều trị ung thư thường gây ra các tác dụng phụ về thể chất ảnh hưởng tiêu cực đến sự thèm ăn như: tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, lở miệng, thay đổi mùi vị…

Một số phương pháp điều trị khiến người bệnh mệt mỏi, ăn ít hơn dẫn đến giảm cân nhưng có phương pháp điều trị ung thư khác có thể gây tăng cân. Những thay đổi nhỏ về cân nặng không phải là vấn đề. Tuy nhiên, việc giảm hoặc tăng cân quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh trong quá trình điều trị.

Người bệnh ung thư nên ăn gì để giảm bớt cảm giác khó chịu khi điều trị?- Ảnh 1.

Người bệnh ung thư thường mệt mỏi, chán ăn.

Theo TS.BS. Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam, việc điều trị bằng các phương pháp hóa trị, xạ trị giúp bệnh nhân ung thư kéo dài thời gian sống, thậm chí có thể chữa khỏi một số loại ung thư nhất định. Tuy nhiên, các loại thuốc hóa trị có thể làm rối loạn khả năng ăn uống của người bệnh như: ăn kém, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… Các phương pháp hóa trị, xạ trị cũng gây gánh nặng đối với hệ tiêu hóa.

Lúc này cơ thể người bệnh cần rất nhiều năng lượng để có thể đáp ứng được điều trị. Do đó, người bệnh cần ăn thức ăn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng để giúp cơ thể khỏe mạnh, đáp ứng được quá trình điều trị và chống lại những tác dụng phụ của thuốc hóa trị.

2. Thực phẩm nào tốt cho người bệnh ung thư?

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng trong quá trình điều trị ung thư, Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ khuyến nghị người bệnh ung thư cần đảm bảo được cung cấp đầy đủ các nhóm chất dinh dưỡng cần thiết bao gồm: protein, carbohydrate, chất béo, vitamin, khoáng chất và nước.

Sau khi điều trị ung thư, hầu hết các chuyên gia đều khuyến nghị người bệnh áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh bao gồm nhiều trái cây, rau và ngũ cốc. Mặc dù các bác sĩ vẫn chưa biết chính xác liệu các loại thực phẩm và đồ uống cụ thể có thể ảnh hưởng đến tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư hay không và bằng cách nào. Tuy nhiên, một chế độ ăn uống lành mạnh rất quan trọng.

Theo TS.BS Phạm Thị Việt Hương, chuyên khoa ung thư, Bệnh viện Quốc tế Vinmec, việc đáp ứng đủ dinh dưỡng khi điều trị ung thư sẽ mang lại lợi ích cho người bệnh như: duy trì được sức khỏe để theo đuổi quá trình điều trị, hạn chế được độc tính và tác dụng phụ của thuốc hóa trị, xạ trị, nhanh chóng làm lành vết mổ, phục hồi sức khỏe nhanh sau phẫu thuật, cải thiện tâm trạng người bệnh.

Người bệnh nên ăn các thực phẩm bổ dưỡng, ưu tiên các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật (trái cây, rau, ngũ cốc, đậu). Tránh hoặc hạn chế tối đa uống rượu. Bỏ thuốc lá. Đồng thời cần duy trì hoạt động thể chất và cân nặng phù hợp.

3. Mẹo ăn uống giúp giảm cảm giác khó chịu khi điều trị ung thư

Người bệnh ung thư nên ăn gì để giảm bớt cảm giác khó chịu khi điều trị?- Ảnh 3.

Thực phẩm có nguồn gốc thực vật tốt cho người bệnh ung thư.

Để giảm những triệu chứng khó chịu, giúp ăn uống tốt hơn khi điều trị ung thư, người bệnh nên:

- Chia bữa ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày thay vì cố ăn thành 3 bữa chính. Nên đặt mục tiêu là 6 bữa để đảm bảo lượng thức ăn cộng lại cung cấp đủ lượng calo cơ thể cần.

- Nếu cảm thấy khó ăn thịt, người bệnh nên bổ sung protein từ các thực phẩm khác như: cá, trứng, phô mai, các loại đậu, quả hạch, đậu phụ…

- Nếu cảm thấy có vị kim loại trong miệng, hãy thử ngậm bạc hà hoặc chanh, nhai kẹo cao su hoặc ăn trái cây tươi. Thử đánh răng hoặc súc miệng trước khi ăn.

- Nếu bị lở miệng hoặc nhiễm trùng nướu, nên sử dụng máy xay nghiền nhỏ thức ăn. Uống nước ép trái cây hoặc làm sinh tố. Tránh dùng thực phẩm chứa nhiều acid như chanh hay các loại trái cây họ cam quýt hoặc đồ cay nóng như ớt, hạt tiêu. Uống nhiều nước giúp cung cấp độ ẩm và giúp làm dịu cơn đau miệng

- Nếu nước không ngon, hãy bổ sung thêm chất lỏng vào thức ăn và đồ uống khác như ăn súp, uống trà, sữa, nước ép trái cây…

Hiệp hội Ung thư lâm sàng Hoa Kỳ khuyến cáo, người bệnh ung thư cần lưu ý đảm bảo nguồn thực phẩm và cách chế biến an toàn để tránh nguy cơ ngộ độc thực phẩm. Vì trong quá trình điều trị ung thư, một số phương pháp điều trị làm suy yếu hệ thống miễn dịch và điều này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc ăn uống vì bất kỳ tác dụng phụ nào cần thông báo cho bác sĩ điều trị hoặc chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn can thiệp giảm thiểu các tác dụng phụ. Lưu ý theo dõi thay đổi về cân nặng, vì đây cũng có thể là dấu hiệu cho thấy người bệnh không nhận đủ dinh dưỡng hoặc loại thực phẩm phù hợp.

Vì sao chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm nguy cơ tử vong và ung thư?Vì sao chế độ ăn Địa Trung Hải giúp giảm nguy cơ tử vong và ung thư?

SKĐS - Theo một nghiên cứu mới công bố của Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan, tuân thủ lối sống và chế độ ăn Địa Trung Hải liên quan đến nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và ung thư thấp hơn.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Chế độ ăn giúp giảm nguy cơ ung thư.


Thu Phương
Ý kiến của bạn