Hà Nội

Người bệnh ung thư lưỡi nên tập luyện như thế nào?

07-06-2024 06:40 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh ung thư lưỡi thường gặp ở nam giới trên 50 tuổi, nhưng những năm gần đây căn bệnh này đang ngày càng có dấu hiệu trẻ hóa.

Ngoài việc tuân thủ điều trị, chế độ ăn uống khoa học thì việc tập luyện thể dục giúp người bệnh ung thư lưỡi giảm căng thẳng, giảm thiểu tác dụng phụ, tăng cường mức năng lượng thông qua điều trị và phục hồi sức khỏe.

1. Vai trò của tập luyện đối với người bệnh ung thư lưỡi

Chăm sóc bệnh nhân ung thư lưỡi đúng cách, khoa học sẽ giúp người bệnh đẩy nhanh quá trình phục hồi và khỏe mạnh hơn, kéo dài thời gian sống. Việc luyện tập thể dục đóng một vai trò quan trọng để kiểm soát cân nặng, tăng cường hệ miễn dịch ở bệnh nhân ung thư lưỡi.

Tập thể dục giúp làm giảm viêm, một phản ứng miễn dịch cấp tính hoặc mạn tính góp phần vào nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu khám phá các mối liên hệ phức tạp giữa tập thể dục, hệ miễn dịch và ung thư. Có rất nhiều bằng chứng cho thấy những phụ nữ có lối sống lành mạnh giảm nguy cơ phát triển ung thư.

Tập thể dục đã được chứng minh là làm giảm các tác dụng phụ như mệt mỏi và đau xương khớp do điều trị ung thư. Bệnh nhân cũng cảm thấy tốt hơn khi tập thể dục và bớt lo lắng, trầm cảm.

Tập thể dục cũng giúp bảo tồn cơ bắp khi tình trạng mất cơ thường xảy ra trong quá trình điều trị ung thư và gây khó khăn cho việc phục hồi. Tập thể dục điều đặn đã được chứng minh là có những lợi ích cho bệnh nhân ung thư trong việc giảm mệt mỏi, cải thiện giấc ngủ và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Người bệnh ung thư lưỡi nên tập luyện như thế nào?- Ảnh 1.

Hình ảnh ung thư lưỡi.

2. Một số bài tập tốt cho người bệnh ung thư lưỡi

Ở bệnh nhân ung thư lưỡi không nên vận động lưỡi nhiều. Nếu có nhu cầu trao đổi với xung quanh có thể dùng giấy bút. Người bệnh nên luyện tập các bài thể dục nhẹ nhàng, tập thường xuyên để giúp cơ thể không trì trệ.

Những tác dụng phụ trong điều trị ung thư lưỡi là mệt mỏi, khiến bệnh nhân khó cảm thấy có động lực để tập thể dục ngay từ đầu. Song song với đó là việc ăn uống khó khăn nên dễ khiến bệnh nhân chán nản, stress… Do đó, bệnh nhân không phải đến phòng tập thể dục, bắt đầu tập luyện chạy marathon hay mua thiết bị đắt tiền. Tất cả những gì người bệnh cần là đi bộ ra khỏi nhà, xung quanh nhà để bắt đầu quá trình tập luyện. Hoạt động thể chất có thể được kết hợp vào thói quen hàng ngày của người bệnh.

Ví dụ, các bác sĩ có thể tư vấn cho một bệnh nhân đi cầu thang thay vì thang máy, đi bộ hay xe đạp thay vì lái xe. Mỗi một bệnh nhân ung thư nói chung, ung thư lưỡi nói riêng cần được tư vấn và lập kế hoạch, thực hiện kế hoạch chăm sóc vận động cho phù hợp.

Người bệnh có thể tập yoga để cơ thể được vận động, giúp việc ăn uống được ngon miệng hơn:

2.1 Tư thế con cá

Tư thế con cá trong yoga được mệnh danh là tư thế loại bỏ các loại bệnh tật, rất tốt trong điều trị. Tư thế yoga này còn giúp nở ngực và kích thích tuyến ức. Điều này giúp cải thiện khả năng miễn nhiễm của cơ thể.

Cách thực hiện:

- Người tập nằm xuống sàn, hai chân đặt cạnh nhau, hai tay để thoải mái thẳng theo thân (hướng lòng bàn tay vào hông và dần dần úp tay xuống sàn).

- Dần dần đưa khuỷu tay gần về phía eo. Sau đó đan chéo 2 chân vào nhau, đùi và đầu gối trên sàn.

- Hít vào, nâng ngực lên, đầu nâng nhẹ, đỉnh đầu chạm sàn. Giữ tư thế cho đến khi bạn cảm thấy thoải mái. Thở nhẹ nhàng.

- Thở ra và thả lỏng cơ thể. Nâng đầu lên trước, sau đó hạ ngực xuống sàn. Mở chân và thư giãn.

2.2 Tư thế em bé

Tư thế em bé vừa có tác dụng nghỉ ngơi, giúp massage và làm linh hoạt các cơ quan trong cơ thể, tăng sức đề kháng cũng như củng cố hệ miễn dịch tốt hơn.

Cách thực hiện:

- Người tập ngồi xuống sàn, gập chân lại với nhau và ngồi lên gót chân. Khi cảm thấy thoải mái, mở rộng đầu gối và hông, hít thở đều.

- Sau đó thực hiện lần lượt các động tác cụ thể: Gập người về trước giữa 2 đùi và thở ra. Từ từ mở rộng hông và thư giãn giữa 2 đùi. Vươn thẳng tay qua đầu, thẳng hàng với đầu gối. Thả lỏng vai trên sàn. Cảm nhận sức nặng của vai trên cạnh vai chạm sàn.

Đây là tư thế thư giãn, nên có thể duy trì tư thế bất cứ khi nào từ 30 giây đến vài phút.

2.3 Tập thở bụng

Hít thở tuy đơn giản nhưng lại rất tốt cho sức khỏe lẫn tâm trạng, nếu luyện tập kỹ thuật thở đúng giúp người thực hiện giải tỏa căng thẳng, tăng cường sức khoẻ.

Cách thực hiện:

- Người tập ngồi ở tư thế thoải mái, đặt một tay lên ngực và một tay lên bụng.

- Sau đó nhắm mắt, thở vào qua mũi, cho phép bụng nổi lên nhưng cố gắng giữ ngực yên;

- Khi thở ra, cảm nhận bụng hạ xuống.

- Thực hiện trong 3-5 phút.

1 người tập yoga

Người bệnh ung thư lưỡi có thể tập yoga để cơ thể được vận động, giúp việc ăn uống được ngon miệng hơn.

3. Lưu ý khi tập luyện

- Với người bệnh ung thư lưỡi nếu cơ thể có bất cứ dấu hiệu mệt mỏi nào cần ngưng vận động ngay lập tức.

- Trong quá trình điều trị, người bệnh có thể khó khăn về ngôn ngữ như nói không rõ, nói tăng âm mũi hoặc nói nhỏ. Do vậy bệnh nhân cần có bác sĩ trị liệu ngôn ngữ giúp can thiệp càng sớm càng tốt.

- Chứng khó nuốt ở bệnh nhân ung thư lưỡi nói riêng, ung thư vùng đầu và cổ nói chung bao gồm khó ăn uống. Tình trạng này có thể khiến người bệnh ăn lâu hơn, khó nhai thực phẩm khô, thức ăn dính trong họng sau khi nuốt, thức ăn hay chất lỏng tràn ra từ mũi, ho và nghẹn trong hay sau khi nuốt...

Nếu gặp tình trạng này, người bệnh không quá lo lắng. Sau khi đánh giá, bác sĩ trị liệu ngôn ngữ sẽ đưa ra lời khuyên thay đổi thích hợp trong khi nuốt. Những thay đổi này có thể bao gồm thay đổi tư thế, thay đổi chế độ ăn hoặc dùng mẹo để nuốt. Nếu bệnh nhân không thể nuốt an toàn cho dù đã áp dụng các phương pháp phục hồi, nhân y tế sẽ dùng phương pháp cho ăn thay thế. Bác sĩ trị liệu ngôn ngữ cũng giúp bệnh nhân tập vật lý trị liệu phục hồi các cơ nuốt.

- Về thời điểm trị liệu và tập luyện cho phù hợp với từng bệnh nhân các bác sĩ sẽ đánh giá cụ thể rồi đưa ra lời khuyên hợp lý nhất như: Vật lý trị liệu trước khi điều trị ung thư và tiếp tục đến khi điều trị xong; hoặc sau phẫu thuật cần tập vật lý trị liệu sớm. Do đó, bệnh nhân cần tuân thủ chỉ định của các bác sĩ điều trị.

- Với bệnh nhân sau mổ phẫu thuật lưỡi sẽ có quá trình lành sẹo, tạo mô sẹo/ xơ sẹo. Đây là quá trình tự nhiên, diễn ra sau mổ, có thể một số người có sẹo co rút, gây đau mạn tính. Người bệnh sẽ được tập vật lý trị liệu để giảm sự co rút sẹo này.

Ngoài ra cần xem xét tình trạng răng lân cận (răng bị lệch, bờ răng quá sắc)... sẽ gây loét mạn tính và tạo sẹo liên tục với vùng lưỡi đã phẫu thuật. Khi có tình trạng này cần phối hợp với chuyên khoa răng hàm mặt để điều trị.

Mời bạn xem thêm video:

4 Nhóm Người Không Nên Ăn Quả Vải | SKĐS


DS Nguyễn Thị Hồng
Ý kiến của bạn