1. Vai trò của thể dục đối với người bệnh ung thư gan nguyên phát
- 1. Vai trò của thể dục đối với người bệnh ung thư gan nguyên phát
- 2. Các bài tập người bệnh ung thư gan nguyên phát nên tập
- 3. Những chú ý khi tập thể dục với người bệnh ung thư gan nguyên phát
- 4. Khi nào không nên tập thể dục?
- Một số trường hợp sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia tập luyện:
Ung thư gan nguyên phát có thể bắt đầu như một khối u duy nhất phát triển trong gan, hoặc hình thành ở nhiều vị trí trong gan cùng một lúc. Một trong những cách tốt nhất để làm chậm sự tiến triển của bệnh, giúp bảo vệ gan trước những tổn thương của thuốc điều trị, giúp người bệnh cải thiện thể lực, nhanh chóng hồi phục là duy trì một chế độ dinh dưỡng hợp lý và tập luyện thể dục.
Theo BS. Nguyễn Hoàng Dương - Khoa Nội Tiêu hóa Theo yêu cầu, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, dinh dưỡng hợp lý và luyện tập giúp tăng cường miễn dịch, đồng thời giữ cho vóc dáng cân đối... là cách hữu hiệu trong phòng ngừa và điều trị ung thư gan.
Việc thực hiện chương trình tập thể dục thường xuyên có thể làm giảm nhiều tác dụng phụ thường gặp của bệnh ung thư. Ngoài ra, những người tập thể dục cho biết, họ cảm thấy kiểm soát được bệnh ung thư của mình nhiều hơn và thường nhận thấy ít bị hạn chế lâu dài về thể chất hơn, ngay cả khi chỉ tập thể dục ở mức nhẹ.
Người bệnh ung thư trong suốt quá trình điều trị thường phải nghỉ ngơi nhiều, nằm hoặc ngồi quá nhiều. Điều này có thể gây mất chức năng vận động của cơ thể, yếu cơ và giảm phạm vi chuyển động. Bên cạnh đó, việc nằm nhiều, hạn chế vận động cũng có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nguy hiểm khác, đặc biệt trên người cao tuổi, như loét do tì đè, viêm phổi, tắc mạch, teo cơ… Bác sĩ vẫn thường khuyến khích bệnh nhân ung thư hoạt động thể chất càng nhiều càng tốt trước, trong và sau khi điều trị ung thư.
Các bác sĩ Bệnh viện Ung bướu Nghệ An đưa ra lời khuyên, tập thể dục rất quan trọng trong việc giúp bệnh nhân kiểm soát cân nặng và cũng mang lại những lợi ích sức khỏe quan trọng khác. Tập thể dục đã được chứng minh là làm giảm các tác dụng phụ như mệt mỏi và đau khớp do điều trị ung thư. Bệnh nhân cũng cảm thấy tốt hơn khi tập thể dục và bớt lo lắng, trầm cảm...
Nhiều nghiên cứu cho thấy rằng, các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư thường đảm bảo an toàn và mang đến nhiều lợi ích như: Cải thiện sức khỏe tim mạch; Ngăn ngừa mất cơ, tăng sức mạnh cơ bắp và cải thiện khả năng giữ thăng bằng; Duy trì cân nặng hợp lý, ngăn ngừa các bệnh mãn tính khác; Giảm mệt mỏi, lo lắng, trầm cảm; Tăng cường hệ thống miễn dịch, cải thiện chất lượng cuộc sống và khả năng hoạt động độc lập; Nâng cao hiệu quả của việc điều trị, cải thiện tỷ lệ sống sót...
2. Các bài tập người bệnh ung thư gan nguyên phát nên tập
Theo tư vấn của các bác sĩ, tùy tình trạng mà người bệnh nên duy trì tập thể dục ít nhất 15 - 30 phút mỗi ngày và nếu có thể thì nên duy trì đều đặn hàng ngày. Các bài tập nên tập trung vào các nhóm cơ lớn như đùi, bụng, ngực và lưng. Một số bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư gan nguyên phát đảm bảo an toàn và hiệu quả như:
- Ngồi xuống - Đứng lên: Động tác này còn được gọi là squat. Bắt đầu bằng cách ngồi ở mép ghế có lưng tựa cứng và dồn lực vào gót chân, sau đó di chuyển sang tư thế đứng. Cố gắng giữ mắt nhìn về phía trước. Khi bạn đứng lên hoàn toàn, hãy siết chặt cơ mông, giữ nguyên tư thế này vài giây, sau đó hạ người xuống đến khi ngồi xuống ghế, cố gắng kiểm soát chuyển động này càng nhiều càng tốt. Sau đó lặp lại.
- Chống đẩy trên mặt bàn: Bắt đầu với việc đặt bàn tay dang rộng hơn ngực một chút trên một mặt bàn chắc chắn, sạch sẽ và khô ráo. Bước chân ra phía sau cho đến khi cơ thể tạo thành một đường thẳng từ đầu xuống gót chân. Hạ ngực chứ không phải mũi xuống mép bàn. Giữ khuỷu tay của bạn ở vị trí này trong giây lát, rồi đẩy cơ thể trở lại vị trí ban đầu. Tạm dừng và lặp lại.
- Ép vai: Khi ngồi ở mép ghế hoặc đứng, hãy bắt đầu với tư thế gập cánh tay và đặt ngón tay cái lên vai. Đưa cánh tay lên để chúng ngang với tai. Nếu không chắc mình có đứng đúng tư thế hay không, hãy sử dụng gương hoặc đứng dựa lưng vào tường. Trong khi đó luôn siết cơ bụng và giữ thẳng lưng. Hạ cánh tay của bạn xuống một cách có kiểm soát và lặp lại.
- Tập thở: Các bài tập thở giúp không khí vào và ra khỏi phổi được lưu thông tốt hơn, đồng thời nâng cao sức bền. Các bài tập này cũng có thể giúp giảm căng thẳng và lo lắng.
- Kéo giãn cơ: Kéo giãn cơ thường xuyên có thể giúp cải thiện tính linh hoạt và sự dẻo dai của cơ thể, đặc biệt nếu bệnh nhân không thể hoạt động như bình thường do cơ bắp bị căng cứng sau điều trị ung thư. Các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư này còn giúp tăng lưu lượng máu và oxy đến các cơ, hỗ trợ cơ thể tự phục hồi sau điều trị. Hãy giúp bệnh nhân giữ một tư thế trong khoảng 15 đến 30 giây và thư giãn.
- Bài tập thăng bằng: Mất thăng bằng và dễ té ngã có thể là một tình trạng thường gặp phải của người bệnh ung thư gan. Các bài tập thăng bằng có thể giúp bệnh nhân lấy lại chức năng và khả năng vận động cần thiết để nhanh chóng trở lại các hoạt động hàng ngày, ngăn ngừa chấn thương do té ngã.
- Đi bộ: Các bài tập yoga, aerobic là một loại bài tập làm tăng nhịp tim, cải thiện hoạt động của tim và phổi, giúp bệnh nhân cảm thấy bớt mệt mỏi trong và sau khi điều trị. Đi bộ là một loại bài tập aerobic dễ tập nhất cho người bệnh ung thư. Có thể đi bộ từ 30 đến 50 phút mỗi ngày, duy trì 3 đến 4 buổi mỗi tuần với tốc độ vừa phải.
3. Những chú ý khi tập thể dục với người bệnh ung thư gan nguyên phát
Trong quá trình điều trị, tập thể dục vừa phải, thường xuyên mang lại nhiều lợi ích về sức khỏe cho người bệnh. Những chương trình tập thể dục của mỗi người bệnh nên dựa vào sự an toàn và những gì tốt nhất cho bản thân. Một số vấn đề ảnh hưởng đến khả năng tập thể dục của bạn, ví dụ: Giai đoạn ung thư; Phương pháp điều trị; Sức chịu đựng của bạn, sức mạnh và mức độ thể dục.
Trong quá trình điều trị, cần tập thể dục ít hơn bình thường hoặc ở cường độ thấp. Mục tiêu là duy trì hoạt động và phù hợp nhất có thể. Có thể cần bắt đầu với hoạt động ngắn, cường độ thấp, chẳng hạn như đi bộ ngắn. Đối với người già, những người mắc bệnh ung thư đã di căn, sự an toàn và cân bằng là rất quan trọng để giảm nguy cơ té ngã và chấn thương.
Khi đang hồi phục sau điều trị, có thể từ từ tăng thời gian và cường độ luyện tập lên. Trong giai đoạn không bệnh hoặc bệnh ổn định, hoạt động thể chất rất quan trọng đối với sức khỏe và chất lượng cuộc sống. Nó thậm chí có thể giúp một số người sống lâu hơn.
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ để biết rõ những bài tập nào có thể thực hiện và những bài tập nào nên hạn chế. Tránh xa các bề mặt không bằng phẳng có thể gây té ngã. Nếu muốn tập thể dục bên ngoài, hãy tìm một nơi nào đó an toàn và đủ ánh sáng, cũng như nên có người thân đi cùng để đảm bảo an toàn.
Luôn bắt đầu với các bài tập khởi động trong vòng khoảng từ 2 đến 3 phút, chẳng hạn như nhún vai, nâng cánh tay qua đầu, chạy nâng cao gối tại chỗ… Hãy lắng nghe cơ thể và nghỉ ngơi nếu cần.
4. Khi nào không nên tập thể dục?
Mặc dù tập thể dục được chứng minh là an toàn, tuy nhiên, các bài tập thể dục cho bệnh nhân ung thư gan nguyên phát nên được xây dựng dựa trên: Giai đoạn ung thư, tuổi tác… Các phương pháp điều trị đang được sử dụng. Các tác dụng phụ đang gặp phải. Sức khỏe thể chất tổng thể, các bệnh lý đi kèm. Các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn khác.
Một số trường hợp sau đây cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tham gia tập luyện:
Người có bệnh tim hoặc phổi mãn tính, bệnh lý thần kinh ngoại biên, bị mất cảm giác, hoặc cảm giác tê bì ở bàn tay và bàn chân. Mệt mỏi nghiêm trọng, chân không đứng vững hoặc có các vấn đề về thăng bằng.
Người yếu xương, loãng xương hoặc ung thư đã di căn vào xương. Viêm khớp và các vấn đề về cơ xương khớp. Ngoài ra, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ xem liệu bất kỳ loại thuốc nào bạn dùng điều trị ung thư có thể ảnh hưởng đến mức độ hoạt động thể chất của bệnh nhân hay không.
Không tập thể dục nếu cảm thấy chóng mặt, đứng không vững hoặc gặp vấn đề về việc giữ thăng bằng. Tránh bất kỳ hoạt động nào khiến bạn có nguy cơ té ngã hoặc bị thương. Không tập tạ nặng hoặc tập các bài tập gây căng thẳng quá mức cho xương nếu bị loãng xương hoặc ung thư di căn vào xương.
Ung thư gan nguyên phát là bệnh lý ác tính của gan xảy ra khi tế bào bình thường của gan trở nên bất thường về hình thái và chức năng. Ung thư gan nguyên phát phần lớn là ung thư tế bào gan hoặc tế bào ống thường gặp ở các nước nhiệt đới. Phòng bệnh là phương pháp tốt nhất chống ung thư gan. Phải nỗ lực làm giảm xơ gan, phát hiện sớm và điều trị viêm gan virus mạn tính. Khám sức khỏe định kỳ những người có nguy cơ nhằm phát hiện ung thư gan sớm.
Xem thêm: