TS. Nguyễn Văn Hoạt trả lời phỏng vấn của PV Báo SK&ĐS tại buổi hội thảo.
Để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về kỹ thuật này, PV Báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Văn Hoạt, Khoa Ngoại thần kinh, Cột sống và Chấn thương chỉnh hình (Khoa Ngoại A), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. TS. Hoạt cũng là người trực tiếp thực hiện ca mổ thay khớp gối bán phần đầu tiên tại BV cùng với GS.TS. Gunter Jens Muller, chuyên gia Đức, giáo sư nổi tiếng thế giới về phẫu thuật khớp.
PV: Xin bác sĩ cho biết tỉ lệ thoái hoá khớp gối và tỉ lệ bệnh nhân cần phải thay khớp gối ở nước ta hiện nay?
TS. Nguyễn Văn Hoạt: Thống kê gần đây nhất, tình trạng thoái hoá khớp gối ngày một gia tăng, cả nước có khoảng 3,6 triệu người bị thoái hoá khớp nói chung, trong đó có khoảng 50% là thoái hoá khớp gối. Dự kiến đến năm 2020, tỉ lệ này tăng lên khoảng 6 triệu người, trong đó có khoảng 0,5-1% phải thay khớp gối.
Thông thường người dân Việt Nam đến bệnh viện rất muộn, thường trong giai đoạn không thể chịu đựng được nữa, đi lại rất khó khăn thì mới đến bệnh viện. Những trường hợp như vậy thì phải tuỳ thuộc vào tình trạng bệnh nhân mà bác sĩ có chỉ định thay khớp gối hoặc điều trị nội và các biện pháp khác, không phải tất cả các trường hợp đến viện đều là giai đoạn sớm.
TS. Nguyễn Văn Hoạt.
PV: Vậy khi nào thì người bệnh cần phải thay khớp gối?
TS. Nguyễn Văn Hoạt: Thông thường biểu hiện sớm nhất là bệnh nhân bị đau khớp gối, nhất là khi bước lên cầu thang, chạy nhảy hoặc đau về ban đêm. Những bệnh nhân bị đau khớp mà đến viện sớm thì lựa chọn chỉ định rất dễ dàng. Thường với bệnh nhân thoái hoá khớp gối độ 3 hoặc 4 thì bác sĩ sẽ chỉ định thay khớp gối. Tuy nhiên ở độ 3 thì sẽ tuỳ thuộc vào tổn thương 1 khoang hay 2 khoang mà có lựa chọn thay toàn phần hay bán phần. Với bệnh nhân tổn thương 1 khoang thì sẽ thay bán phần, còn bệnh nhân tổn thương cả 2 khoang và thoái hoá khớp gối nhiều thì sẽ thay toàn phần.
PV: Kỹ thuật thay bán phần có ưu điểm gì so với kỹ thuật thay toàn phần trước đây?
TS. Nguyễn Văn Hoạt: Trước đây, hầu hết các bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối người ta đều thay toàn phần vì ở Việt Nam kỹ thuật thay bán phần chưa được phổ biến, mới được thực hiện trong TP.HCM cách đây 2 tháng. Với tổn thương khớp gối mà tổn thương cả 2 bên lồi cầu trong, lồi cầu ngoài của xương đùi hoặc mâm chày trong, mâm chày ngoài thì thay toàn phần là đương nhiên. Tuy nhiên với những bệnh nhân tổn thương đến sớm, tổn thương 1 bên, tổn thương 1 khoang trong hoặc ngoài thì thay khớp gối bán phần là một lựa chọn rất thích hợp, nhất là bệnh nhân trẻ.
Tuy nhiên chỉ định thay khớp gối bán phần rất chặt chẽ, ví dụ bệnh nhân thoái hoá khớp ở một khoang, còn dây chằng chéo trước và duỗi gối không mất quá 5 độ, vẹo trong không quá 10 độ, vẹo ngoài không quá 15 độ, phạm vi gấp khúc gối còn tương đối tốt.
TS. Nguyễn Văn Hoạt và GS.TS. Gunter Jens Muller (chuyên gia Đức) đang trao đổi với bệnh nhân bị thoái hoá khớp gối.
PV: Bệnh nhân thay khớp gối bán phần có thể xảy ra rủi ro hay nguy cơ gì không?
TS. Nguyễn Văn Hoạt: Giống như bất kỳ bệnh lý nào đấy, phẫu thuật đều có rủi ro. Thay khớp gối bán phần rủi ro cũng giống như các loại thay khớp khác là sau một thời gian có thể khớp bị lỏng ra. Có thể là 10 năm, 20 năm, 30 năm, thậm chí hơn nữa thì khớp có thể bị lỏng. Biến chứng sớm hơn là có thể nhiễm trùng, viêm sau khi thay khớp, biến chứng đau sau khi thay khớp… có thể xảy ra giống như bất kỳ việc thay khớp nhân tạo nào.
PV: Sau khi thay khớp bệnh nhân cần lưu ý những gì về chế độ tập luyện phục hồi chức năng khớp và chế độ dinh dưỡng?
TS. Nguyễn Văn Hoạt: Sau thay khớp bán phần thì bệnh nhân phục hồi chức năng rất nhanh, thường chỉ sau vài tiếng là bệnh nhân có thể tập đi lại được và tì nhẹ chân bên phẫu thuật. Tuy nhiên phục hồi chức năng sau mổ đúng cách sẽ giúp cho tuổi thọ của khớp tăng cao và cách tập phục hồi chức năng có quy trình riêng để cho bệnh nhân những ngày đầu sau mổ, thời gian sớm sau mổ về nhà, khi tập đi lại, khi chạy nhảy và vận động thể thao đòi hỏi bệnh nhân phải tuân thủ quy trình phục hồi chức năng rất nghiêm ngặt thì sẽ nâng cao tuổi thọ của khớp.
Với bệnh nhân thay khớp bán phần, trọng lượng cơ thể cao cũng là một nguy cơ. Bệnh nhân cần ăn uống làm sao để chất lượng xương tốt và giảm trọng lượng là 2 yêu cầu về dinh dưỡng để duy trì khớp tốt hơn.
PV: Xin cảm ơn bác sĩ!