Hà Nội

Người bệnh thận có nên uống cà phê?

21-12-2024 06:01 | Bệnh nam giới

SKĐS - Cà phê là thức uống quen thuộc nhiều người ưa thích, tuy nhiên, với người mắc bệnh thận thường băn khoăn không biết uống cà phê có hại thận không? Nếu uống thì có ảnh hưởng đến hiệu quả chữa bệnh không?

Thực tế cho thấy, người bị bệnh thận có thể uống cà phê. Thành phần chính của cà phê là chất caffeine và caffeine tuy là chất kích thích nhưng không gây hại cho thận. Tuy người mắc bệnh thận có thể uống cà phê mỗi ngày nhưng phải kiểm soát liều lượng, không uống nhiều và cách pha chế. Bởi đa số những người mắc bệnh thận đều có bệnh cảnh huyết áp cao hoặc dễ khiến huyết áp của người bệnh tăng cao. Hệ quả là các mạch máu của cơ thể bị tổn thương, các cơ quan khác không nhận được máu và oxy cần thiết để duy trì hoạt động. Đồng thời, huyết áp cao khiến bộ lọc cầu thận bị phá hủy thêm, gây trầm trọng thêm diễn biến của bệnh suy thận.

Vì những lý do này nên người bệnh thận chỉ nên uống 1 hoặc 2 ly cà phê/ ngày, không uống vào tối muộn, không uống cà phê đậm đặc nhiều. Đồng thời, nên hạn chế đường, sữa, kem thêm vào, nên uống cà phê đen. Chất lượng của cà phê cũng phải được bệnh nhân kiểm soát kỹ nhằm đảm bảo an toàn. Vì nếu cà phê không đảm bảo an toàn chứa hóa chất thì có thể hại thận nhanh chóng.

Người bệnh thận có nên uống cà phê?- Ảnh 1.

Tuy người mắc bệnh thận có thể uống cà phê mỗi ngày nhưng phải kiểm soát liều lượng, không uống nhiều bởi đa số những người mắc bệnh thận đều có bệnh cảnh huyết áp cao.

Cũng cần lưu ý vì cà phê có tác động đến huyết áp cơ thể đối với những người không có thói quen uống cà phê thường xuyên, hoặc những người có tiền căn cao huyết áp. Tuy nhiên, không có mối liên hệ nào giữa cà phê và nguy cơ mắc các bệnh lý về thận mà uống cà phê còn bảo vệ các chức năng của thận, đặc biệt đối với phụ nữ.

Ngoài ra, bệnh thận nặng ở giai đoạn suy thận cũng được cân nhắc hạn chế uống cà phê, bệnh nhân mắc bệnh sỏi thận canxi Oxalate cũng nên cân nhắc khi cà phê chứa hàm lượng lớn chất này.

Lưu ý dành cho người bệnh thận

Người bệnh thận cần uống đủ nước, uống 2 – 2,5 lít nước mỗi ngày để giảm áp lực thanh thải độc tố. Người bệnh cũng cần tránh nước ngọt đóng chai, cà phê, và trà đặc sau 22 giờ. 

Ngoài nước lọc, người bị suy thận có thể uống bổ sung các loại nước ép, nước dừa, trà bí đao, nước đậu đen, lá sen,… Tuy nhiên, các loại nước này chỉ nên uống với một lượng vừa phải mỗi ngày, không nên quá lạm dụng dẫn đến tác dụng ngược. Đồng thời, cần tránh các loại đồ uống có cồn, rượu, bia, nước ngọt, thuốc lá, chất kích thích,… vì chúng có thể khiến tình trạng thận yếu hơn.

Riêng với bệnh giai đoạn muộn, suy thận sẽ được bác sĩ chỉ định cắt giảm lượng nước, chất lỏng nạp vào cơ thể. Vì sẽ gây áp lực lên quá trình lọc và loại bỏ chất thải ra khỏi cơ thể, theo thời gian chúng tích tụ lại và gây phù nề.

Người bị suy thận cần xây dựng chế độ sinh hoạt hợp lý bằng cách:

  • Không làm việc quá sức, cân bằng giữa thời gian sinh hoạt, làm việc và nghỉ ngơi.
  • Giảm căng thẳng, stress bằng những biện pháp lành mạnh như yoga, đọc sách, thiền,…
  • Tập thể dục thường xuyên với những bài tập phù hợp với tình trạng sức khoẻ. Dành 30 – 45 phút mỗi ngày cho hoạt động thể chất để giảm áp lực hoạt động cho thận.
  • Hạn chế sử dụng các loại thuốc giảm đau nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Tuân thủ nghiêm ngặt theo liệu trình điều trị, các thuốc đang dùng theo hướng dẫn và liều lượng do bác sĩ kê toa.
  • Kiểm soát cân nặng, lượng đường huyết và theo dõi huyết áp mỗi ngày. Ngủ đủ giấc từ 6 – 8 tiếng mỗi đêm để hỗ trợ chức năng thận và tránh tăng huyết áp. Không thức quá khuya và sử dụng thiết bị điện tử liên tục.
  • Đi tiểu ngay khi có nhu cầu, tránh thói quen nhịn tiểu để không làm gián đoạn quá trình đào thải nước tiểu.
  • Cắt giảm lượng muối vì natri (muối) là một khoáng chất có trong hầu hết các loại thực phẩm. Việc ăn quá nhiều natri có thể gây khát nước, dẫn đến sưng tấy và tăng huyết áp. Điều này có thể làm tổn thương thận nhiều hơn và làm cho tim hoạt động liên tục. Chế độ ăn của người suy thận mạn nên hạn chế natri bằng cách: không thêm muối vào thức ăn khi chế biến, có thể thử kết hợp với các loại thảo mộc tươi, nước cốt chanh hoặc các loại gia vị không có muối khác... Cẩn trọng khi lựa chọn thức ăn, nếu được nên hạn chế sử dụng thực phẩm đóng hộp như thịt hộp, rau củ hộp... Bởi các thực phẩm chế biến sẵn chứa hàm lượng muối khá cao, có thể gây nguy hiểm cho người suy thận.

Lưu ý, cần đi khám sức khỏe định kỳ để phát hiện các dấu hiệu bất thường và điều trị kịp thời, tránh để các bệnh lý về thận diễn biến nặng dẫn tới suy thận mạn tính.

Những dấu hiệu bất thường về sức khỏe mà người dân cần đi khám như: phù tay, chân, mặt, đau đầu, tăng huyết áp, tiểu đêm nhiều lần. Trong trường hợp xuất hiện các dấu hiệu như nước tiểu đục, sủi bọt, nước tiểu ngả màu khác thì cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa để khám.

Nếu trong gia đình có người bị suy thận, các thành viên cùng huyết thống nên tầm soát chức năng thận, xét nghiệm máu, xét nghiệm nước tiểu để đánh giá và nhận biết sớm các vấn đề bệnh lý.

Người mắc hội chứng gan thận có nên tập thể dục?Người mắc hội chứng gan thận có nên tập thể dục?

SKĐS - Hội chứng gan thận không phải là bệnh thận mà là rối loạn chức năng thận xảy ra do tình trạng toàn thân. Người mắc hội chứng gan thận có nên tập thể dục? Cần lưu ý gì trong quá trình vận động tránh gây hại sức khỏe?

BSCK2 Nguyễn Thị Thu
Ý kiến của bạn