Bệnh thận là bệnh cảnh lâm sàng của rất nhiều hình thái tổn thương thận, do nhiều nguyên nhân gây ra, có khi từ thận như viêm cầu thận, thận hư, thận đa nang... nhưng cũng có khi là biến chứng của các bệnh như tăng huyết áp, đái tháo đường, nhiễm độc thận do thuốc... Vấn đề đặt ra là bệnh thận thường diễn biến âm thầm nên có khi phát hiện được bệnh thì đã ở giai đoạn suy thận và cần phải tiến hành điều trị phức tạp hơn.
Có thể phòng tránh và kiểm soát bệnh thận nếu tuân thủ những nguyên tắc như: hoạt động thể lực phù hợp; kiểm soát đường huyết; kiểm soát huyết áp; chế độ dinh dưỡng phù hợp và kiểm soát cân nặng; đảm bảo uống đủ nước; tránh các chất kích thích (rượu bia, thuốc lá...); dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ; khám định kỳ và kiểm tra chức năng thận nếu có yếu tố nguy cơ.
Luyện tập thế nào?
Người bị bệnh thận có những bài tập phù hợp sẽ giúp nâng cao sức khỏe và có nhiều năng lượng hơn.
Tác dụng khi luyện tập: Khi tập thể dục điều độ, người bệnh sẽ năng động và linh hoạt hơn, giúp thực hiện các công việc hằng ngày một cách dễ dàng hơn. Ngoài ra, tập thể dục còn giúp: Tăng sức bền để không cảm thấy mệt khi làm việc nặng; tăng sức mạnh cơ bắp; giúp ổn định huyết áp; làm giảm mỡ máu (cholesterol và triglycerides); ngủ ngon hơn; giúp thân hình thon gọn.
Kế hoạch luyện tập: Người bệnh thận cần gặp bác sĩ trước khi tập luyện để kiểm tra sức khỏe và đưa ra các bài tập phù hợp.
Khi lên kế hoạch tập luyện, bạn cần chú ý 4 điều sau: Loại bài tập (ví dụ như đi bộ hay tập tại chỗ). Thời gian tập luyện. Số lần tập luyện mỗi tuần, mỗi tháng. Cường độ tập (tập nhẹ hay tập nặng).
Luyện môn thể thao nào? Có thể chọn các bài tập để vận động các nhóm cơ lớn một cách liên tục như đi bộ, bơi lội, đạp xe (trong nhà hay ngoài trời), tập aerobic... Hoặc có thể chọn các bài tập có cường độ thấp hơn như tập vận động nhẹ tại chỗ cũng rất tốt cho sức khỏe. Cố gắng tập các bài tập nhẹ nhàng nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần và tránh nâng các vật nặng khi tập.
Đầu tiên nên tập ít nhất khoảng 30 phút mỗi ngày. Sau đó nên nâng thời gian tập lên. Bởi vì 30 phút thường không đem lại nhiều lợi ích. Nếu có thể, nên tăng thời gian tập thể dục lên 45-60 phút mỗi ngày. Muốn đạt được hiệu quả tập luyện, cần tập ít nhất 3 ngày trong 1 tuần và cách ngày, ví dụ như thứ 2 - thứ 4 - thứ 6.
Những điều cần tránh
Người bệnh cần lựa chọn cho mình những môn thể thao yêu thích. Tùy vào sức của mỗi người sẽ có mức độ tập luyện khác nhau, nhưng các bác sĩ có một số lời khuyên như sau: Không nên tập quá mệt đến mức không nói chuyện được với những người xung quanh (nên tập cùng với bạn hoặc người thân). Sau khi tập xong bạn vẫn cảm thấy khỏe như bình thường là được (nếu tập xong mà vẫn còn mệt kéo dài thì cần giảm cường độ tập luyện trong lần sau). Cơ bắp sau khi tập không cảm thấy quá đau và vẫn có thể tập trong lần kế tiếp. Cường độ tập ở mức bạn thấy thoải mái. Bắt đầu chậm rãi để làm nóng, sau đó tăng dần đến cường độ mong muốn rồi giảm dần khi gần về đến đích. Để cơ thể có thể quen dần từ từ và tránh được chấn thương.
Người bệnh thận cần tập sau khi ăn 1 tiếng trở lên. Tránh tập vào thời điểm nóng bức trong ngày. Nên tập vào buổi sáng hoặc buổi tối. Không nên tập luyện trước khi đi ngủ 1 tiếng trở xuống.
Cần dừng tập luyện khi thấy: Quá mệt mỏi, khó thở, đau ngực, hồi hộp, tim đập nhanh, đau bụng, chuột rút, choáng váng, xây xẩm.
Nghỉ tập luyện khi người bệnh đang sốt. Khi thay đổi lịch chạy thận. Khi mới thay đổi thuốc. Khi mới xuất viện. Khi vừa ăn quá nhiều. Khi thời tiết quá nóng và khô (nên tập trong phòng có máy lạnh). Khi có vấn đề về xương khớp mà khi tập luyện sẽ làm bệnh nặng hơn. Sau khi dừng tập vì các lý do trên, muốn tập luyện trở lại bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ.
Xem thêm video đang được quan tâm
Hướng dẫn sử dụng kit xét nghiêm Test nhanh COVID-19