Ngoài việc dùng thuốc theo chỉ dẫn người bệnh cần phải thay đổi thói quen, có lối sống lành mạnh để giảm bớt những hệ lụy của căn bệnh này.
Hậu quả của tăng huyết áp khi không được điều trị, chăm sóc đúng cách
Tăng huyết áp là khi huyết áp tâm thu ≥ 140mmHg và (hoặc) huyết áp tâm trương ≥ 90mmHg.
Biểu hiện của bệnh tăng huyết áp:
+ Đau nhức đầu, hoa mắt chóng mặt
+ Chảy máu cam
+ Thay đổi thị lực, ù tai.
+ Tăng huyết áp nghiêm trọng hơn có thể gây ra các triệu chứng như: mệt mỏi; buồn nôn, nôn; lú lẫn; hồi hộp; đau tức ngực; run…
Bệnh thường diễn biến âm thầm nhưng hậu quả rất nặng nề, vì vậy nếu được theo dõi và điều trị đúng sẽ tránh được các tai biến, biến chứng của bệnh, giữ được sức khoẻ, sức lao động và tuổi thọ cho người bệnh.
Khá nhiều người bệnh tăng huyết áp chưa có sự hiểu biết về bệnh, các hậu quả của nó. Bởi vậy, nên người bệnh tăng huyết áp chưa có thái độ đúng với bệnh khiến số người tử vong do bệnh tăng huyết áp ngày càng cao.
Tăng huyết áp có thể có nguyên nhân hoặc không có nguyên nhân nhưng đại đa số là tăng huyết áp không có nguyên nhân (vô căn). Nếu không được điều trị đúng phác đồ cũng như tuân thủ chế độ dinh dưỡng cho người bệnh tăng huyết áp cũng như tập luyện đúng cách thì tăng huyết áp có thể để lại cho người bệnh các di chứng như: Đột quỵ não; Nhồi máu cơ tim; Phình động mạch; Suy tim; Tổn thương thận; Mất thị lực; Hội chứng chuyển hoá; Rối loạn trí nhớ và sa sút trí tuệ.
Ghi nhớ về tập luyện và duy trì thói quen tốt ở người bệnh tăng huyết áp
Ngoài việc dùng thuốc theo đơn của bác sĩ thì người bệnh tăng huyết áp cần thực hiện chế độ dinh dưỡng và tập luyện như sau:
Duy trì tập luyện đúng cách:
Người có bệnh lý tăng huyết áp tập các môn theo sở thích và phù hợp sức khỏe như: thể dục nhịp điệu, chạy bộ, đạp xe, bơi lội… giúp giữ cân nặng ở mức ổn định và giảm nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch.
Nên duy trì tập với thời gian ≥ 30 phút/lần tập/ngày và nên tập 5 – 7 ngày/tuần. Cần kiểm tra huyết áp và nhịp tim trước và sau khi tập, để có thể điều chỉnh cường độ tập cho phù hợp.
Duy trì thói quen tốt:
- Cần duy trì cân nặng lý tưởng và chỉ số khối cơ thể (BMI) trong giới hạn cho phép. Chỉ số khối cơ thể (BMI) của bạn càng cao, khả năng béo phì, mắc bệnh tăng huyết áp càng lớn.
- Thường xuyên theo dõi huyết áp và ghi chép nhật ký, đặc biệt nếu trên 40 tuổi, bị thừa cân, ít vận động hoặc tiền sử gia đình có người mắc các bệnh tim hoặc huyết áp cao.
- Nhận biết các dấu hiệu cảnh báo khi huyết áp quá cao: Trong hầu hết các trường hợp, tình trạng này không có triệu chứng, nhưng cũng có thể có các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm như bị ù tai, chóng mặt, nhức đầu, chảy máu cam, ngứa ran hoặc tê ở bàn tay và bàn chân, buồn ngủ hoặc lú lẫn.
- Không hút thuốc lá: Chất nicotin trong thuốc lá kích thích hệ thần kinh giao cảm, làm co mạch máu và tăng huyết áp.
- Thư giãn bằng nhiều cách như nghe nhạc, tập yoga, tập thiền, ngủ đủ giấc, lên kế hoạch, phân bổ thời gian thực hiện các hoạt động hàng ngày hợp lý
- Uống thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đối với những người được chẩn đoán đã bị huyết áp cao, mục tiêu là giữ huyết áp dưới 140/90 mmHg. (Đối với những người mắc bệnh tiểu đường hoặc bệnh thận mạn tính, mục tiêu có thể là 130/80 mmHg.)
Ghi nhớ về chế độ ăn ở người tăng huyết áp
4 nên đối với người tăng huyết áp
Việc ăn uống đối với người bệnh tăng huyết áp rất quan trọng. Người bệnh cần lưu ý như sau:
- Nên ăn nhạt (lượng muối dưới 5g/ngày), giảm lượng muối trong khẩu phần ăn.
- Nên ăn tăng cường rau xanh.
- Nên uống nhiều nước, lượng nước khuyến nghị là 40ml/kg cân nặng/ngày, trường hợp cao tuổi hơn thì cần 30 – 35ml/kg cân nặng/ngày.
- Nên uống các loại thảo mộc hỗ trợ hạ huyết áp: trà xanh, trà quế, trà hoa dâm bụt, quả sơn tra (táo mèo), trà khổ qua ( mướp đắng), tâm sen, trà hoa cúc, gạo lứt rang, trà hoa hòe,…
4 không với người tăng huyết áp
- Không ăn nhiều muối, đồ ăn đóng hộp, chế biến sẵn như giò chả, thịt hun khói, dưa cà muối… khiến cơ thể giữ nước.
- Không ăn nhiều đường dễ tăng cân, béo phì gây cao huyết áp, không ăn các thực phẩm chứa nhiều đường.
- Không ăn đồ chế biến nhiều dầu mỡ, thịt mỡ và nội tạng động vật, nước ninh xương.
- Không uống rượu, bia, cà phê, nước có gas và các chất kích thích (nguyên nhân: tim đập nhanh hơn, mạch máu co lại và huyết áp tăng cao).
Theo số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hiện nay Việt Nam ước tính có khoảng 12 triệu người mắc tăng huyết áp tại cộng đồng, tức là cứ khoảng 05 người trưởng thành (từ 18 tuổi trở lên) có 01 người mắc bệnh.
Những bệnh nhân bị tăng huyết áp cần được theo dõi, đo huyết áp thường xuyên để quản lý bệnh lâu dài và điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ để giảm bớt các nguy cơ xảy ra biến chứng và duy trì mức huyết áp hợp lý ổn định.