Người bệnh tăng huyết áp thận trọng khi dùng thuốc cảm cúm

07-01-2020 21:05 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Một số loại thuốc cảm lạnh và cảm cúm có thể an toàn đối với hầu hết mọi người. Tuy nhiên, những người bị huyết áp cao nên thận trọng khi dùng các loại thuốc này. Vì thuốc có thể gây tăng huyết áp hoặc can thiệp vào hiệu quả chữa bệnh của các loại thuốc mà người bệnh đang dùng để điều trị...

Thuốc cảm có thể gây tăng huyết áp

Những loại thuốc được dùng phổ biến trong việc điều trị bệnh cảm cúm là: phenylpropanolamin, acetaminophen, ngoài ra còn có thêm thành phần chống dị ứng như chlorpheniramin, hay thành phần giúp giảm ho dextromethorphan. Các thuốc này có thể ở dạng đơn chất hay phối hợp với nhau.

Tác dụng phụ của các hoạt chất này là gây tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, đặc biệt là chất phenylpropanolamin. Phenylpropanolamine có tác dụng gây co các tiểu động mạch ở cuốn mũi nhưng cũng có thể gây co các mạch trên toàn cơ thể. Điều này góp phần làm tăng huyết áp của bệnh nhân. Huyết áp sẽ tăng ít hoặc không tăng nếu như thuốc được sử dụng với liều vừa đủ trong giới hạn cho phép. Nhưng nếu dùng quá liều có thể gây cơn tăng huyết áp đối với người không bị bệnh tăng huyết áp và kích hoạt gia tăng cơn tăng huyết áp ở bệnh nhân đang bị tăng huyết áp. Những dấu hiệu mà người bệnh thường gặp sau khi dùng các thuốc điều trị cảm cúm là tăng huyết áp, đau đầu, đau ngực, buồn nôn, rối loạn điện tim...

Những loại thuốc cần sử dụng thận trọng

Một số loại thuốc khác cũng có thể gây rắc rối cho những người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim mạch bao gồm:

Thuốc chống viêm không steroid: Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) là thuốc giúp giảm viêm và đau. Các thuốc ibuprofen và aspirin là những lựa chọn phổ biến để làm giảm các triệu chứng cảm lạnh thông thường. Ibuprofen làm tăng nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ, trong khi aspirin không làm tăng những rủi ro này. Một nghiên cứu năm 2017 đã điều tra xem việc dùng NSAID để điều trị nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính (ARI) có làm tăng nguy cơ đau tim hay không. Nghiên cứu bao gồm 9.793 người trước đây đã phải vào bệnh viện vì đau tim. Độ tuổi trung bình của những người tham gia là 72 tuổi. Nghiên cứu cho thấy những người bị tăng huyết áp đã dùng NSAID để điều trị ARI có nguy cơ bị đau tim cao gấp ba lần. Nhìn chung, các phát hiện cho thấy một người bị tăng huyết áp hoặc bệnh tim nên tránh sử dụng NSAID để điều trị các triệu chứng cảm lạnh.

Người bệnh tăng huyết áp thận trọng khi dùng thuốc cảm cúmThuốc trị cảm cúm có thể gây tăng huyết áp.

Thuốc thông mũi: Thuốc thông mũi là thuốc giúp giảm bớt các triệu chứng ngạt mũi. Tuy nhiên, những loại thuốc này có thể gây rủi ro với người tăng huyết áp, bệnh tim hoặc các rối loạn tim mạch khác. Thuốc thông mũi hoạt động bằng cách thu hẹp các mạch máu trong xoang. Tuy nhiên, chúng cũng làm co mạch máu ở những nơi khác trong cơ thể. Điều này dẫn đến tăng huyết áp và nhịp tim tăng cao. Thuốc thông mũi cũng có thể tương tác với thuốc huyết áp, khiến chúng kém hiệu quả hơn. Thuốc thông mũi có sẵn tại quầy thuốc tây. Do đó, những người mua thuốc để nhắm mục tiêu nhiều triệu chứng nên đọc nhãn thuốc cẩn thận.

Có nhiều loại thuốc thông mũi khác nhau nhưng những loại sau đây có khả năng gây nguy hiểm ở những người bị tăng huyết áp: naphazoline, oxymetazoline, phenylephrine.

Để đảm bảo an toàn, người bệnh huyết áp khi dùng thuốc điều trị các bệnh thông thường, đặc biệt là các thuốc không kê đơn cần kiểm tra nhãn thuốc, đọc kỹ các thành phần có trong thuốc và các cảnh báo, thận trọng khi dùng, thực hiện đúng hướng dẫn sử dụng thuốc để tránh dùng những sản phẩm gây bất lợi cho bệnh của mình. Nếu xuất hiện các triệu chứng tăng huyết áp, đau ngực, nhịp tim rối loạn... khi dùng thuốc, thì điều đầu tiên nên làm đó chính là liên hệ ngay với bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán kịp thời. Bác sĩ sẽ kê đơn loại thuốc trị cảm cúm an toàn cho những người có huyết áp cao. Bên cạnh việc sử dụng thuốc, người bệnh cũng nên áp dụng các biện pháp sau: uống nhiều nước, uống nước ấm hoặc trà với chanh và mật ong để giúp làm dịu cổ họng, sử dụng nước súc miệng, sử dụng nước muối xịt mũi, sử dụng máy tạo độ ẩm để tăng độ ẩm trong nhà và nghỉ ngơi tĩnh dưỡng nhiều hơn.


DS. Lê Thanh Hòa
Ý kiến của bạn