Phòng Can thiệp mạch là hệ thống thiết bị y tế hiện đại đã được tỉnh Trà Vinh và Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh đầu tư nhằm thực hiện các kỹ thuật cao trong can thiệp mạch. Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã đào tạo 2 kíp can thiệp mạch vành cho Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh trong hơn 2 năm qua.
Các đại biểu cùng cắt băng khánh thành Phòng can thiệp mạch tại Bệnh viện Trà Vinh
Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh cũng đã nghiệm thu các gói kỹ thuật: Chấn thương chỉnh hình, Ngoại thần kinh (thuộc Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2016-2020) và Phục hồi chức năng (thuộc Đề án 1816 năm 2020). Cụ thể, gói Ngoại thần kinh đã đào tạo 7 bác sĩ, hỗ trợ 40 ca; gói Chấn thương chỉnh hình đã đào tạo 7 bác sĩ, 3 điều dưỡng, hỗ trợ 136 ca; gói Phục hồi chức năng đã đào tạo 2 bác sĩ, 1 điều dưỡng, 2 kỹ thuật viên, hỗ trợ 5 ca.
Phát biểu tại đây, Thầy thuốc ưu tú, BS.CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: “Khi muốn trang bị và thực hiện một kỹ thuật mới, việc đầu tiên cần làm là đào tạo nguồn nhân lực. Do đó, được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Trà Vinh, cách đây 3 năm, Bệnh viện Chợ Rẫy đã làm việc với Sở Y tế tỉnh Trà Vinh và Bệnh viện Đa khoa Trà Vinh. Dựa trên số liệu phân tích của Sở Y tế tỉnh Trà Vinh, chúng tôi lập ra mô hình đào tạo và danh sách những bệnh lý mà bà con tỉnh Trà Vinh thường gặp nhất, gồm 4 chuyên ngành: Tim mạch can thiệp, Ngoại thần kinh, Chấn thương chỉnh hình và Vật lý trị liệu”.
BS.CK2 Nguyễn Tri Thức - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy phát biểu tại buổi lễ
Thông qua việc khai trương Phòng Can thiệp mạch và nghiệm thu các gói kỹ thuật này, người bệnh tại Trà Vinh và các tỉnh lân cận sẽ được tiếp cận các dịch vụ y tế chuyên sâu ngay tại quê nhà, không phải chuyển lên tuyến trên, giảm chi phí điều trị và tiết kiệm thời gian cho người bệnh.
Cùng ngày, Đoàn cũng đã đến làm việc với Ban Giám hiệu trường Đại học Trà Vinh nhằm xây dựng các phương án hỗ trợ công tác đào tạo cho sinh viên ngành Y tại trường.