Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được chăm sóc và ăn uống thế nào trong mùa đông?

SKĐS - Thời tiết lạnh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD). Nếu bệnh nhân ăn uống kém sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, mệt cơ hô hấp gây bùng phát đợt cấp. Vậy người bệnh cần chú ý bảo vệ sức khỏe và ăn uống thế nào?

1. Vì sao bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính dễ bùng phát vào mùa lạnh?

Theo các chuyên gia y tế, vào mùa đông, nhiệt độ môi trường xuống thấp, không khí khô hanh cộng với bụi bẩn nhiều nên dễ gây viêm đường hô hấp, trong đó có bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Trời lạnh và khô cũng làm cho các loại bụi bẩn phát tán nhiều hơn. Trong các loại bụi bẩn này có các thành phần như nitrogen dioxide (NO2); sulphur dioxide (SO2); ozone (O3); các yếu tố trong khói thuốc lá, các phần tử nguồn gốc vô cơ hoặc hữu cơ có kích thước rất nhỏ. Khi được hít vào phổi, các yếu tố này gây kích ứng, co thắt, viêm nhiễm và làm tắc nghẽn đường hô hấp và gây nên đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Ngoài ra, thời tiết lạnh cũng ảnh hưởng nhiều đến việc ăn uống và các hoạt động sinh hoạt hàng ngày của người bệnh. Nếu bệnh nhân ăn uống kém sẽ dẫn đến suy dinh dưỡng, mệt cơ hô hấp và đợt cấp bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính sẽ xảy ra.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được chăm sóc và ăn uống thế nào trong mùa đông? - Ảnh 2.

Thời tiết lạnh ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

2. Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được chăm sóc và ăn uống thế nào?

Để bảo vệ sức khỏe trong mùa lạnh, người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần chú ý giữ ấm cơ thể, tránh thay đổi đột ngột nhiệt độ cơ thể như đi ra ngoài vào ban đêm, ra chỗ có nhiều gió.

Cần điều trị tốt các nhiễm khuẩn đường hô hấp trên, các bệnh phối hợp như tăng huyết áp và những biến chứng của bệnh; tránh căng thẳng tâm lý và gắng sức quá mức…

Theo PGS.TS Vũ Đức Định, nguyên Giảng viên chuyên khoa Tiêu hóa, Học viện Quân y, đối với người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, việc ăn uống sao cho vừa đủ là vấn đề hết sức quan trọng. Nếu ăn thiếu hoặc thừa calo sẽ đều có nguy cơ gây xuất hiện những đợt khó thở cấp.

Do đó, người bệnh cần đảm bảo một chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý với tổng số calo khoảng 1500 - 2000/ngày, ăn uống các thức ăn dễ tiêu, giàu vitamin, đạm như rau xanh, thịt, trứng, sữa…

Không nên ăn uống quá nhiều dễ làm tăng CO2 máu, thừa cân, béo phì làm bệnh trầm trọng thêm. Thừa nước cũng làm tăng cung lượng tim, ảnh hưởng tới phổi.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được chăm sóc và ăn uống thế nào trong mùa đông? - Ảnh 3.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn lượng thức ăn vừa đủ.

3. Nguyên tắc ăn uống cho người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính

Theo PGS.TS Vũ Đức Định, chế độ ăn uống cho người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Phải ăn uống vừa đủ để đảm bảo một cân nặng lý tưởng, không thừa và cũng không thiếu cân, theo dõi cân nặng thường xuyên. Trung bình, người bị bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần từ 1800 - 2200 calo/ngày với thành phần thức ăn cung cấp calo chính là tinh bột (cơm, bánh mì) và protein (thịt, cá, trứng, sữa…).

- Phải uống đủ nước để bù lại lượng nước mất qua hơi thở, mồ hôi và nước tiểu. Vì tình trạng mất nước sẽ ảnh hưởng không tốt tới đường hô hấp.

- Giảm lượng muối trong chế độ ăn. Ăn thừa muối sẽ dẫn đến cơ thể giữ nước lại và việc thừa nước làm tăng công co bóp của cơ tim cũng như có thể ứ đọng nước ở phổi làm suy hô hấp nặng lên. Lượng muối đưa vào cơ thể luôn đảm bảo ở mức dưới 5g (khoảng một thìa cà phê/ngày).

-Tránh ăn quá nhiều tinh bột và các thực phẩm dễ sinh đầy hơi như bắp cải, súp lơ và một số loại gia vị như hạt tiêu, tỏi, ớt... Ăn quá nhiều tinh bột làm tăng sinh CO2 máu và thức ăn dễ sinh hơi gây chướng bụng làm bệnh nhân khó thở và dễ trào ngược, sặc phổi.

- Ăn đủ chất xơ có trong rau xanh, hoa quả tươi để tránh táo bón và cung cấp đủ các vitamin, khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Táo bón kéo dài sẽ làm bệnh nhân mệt mỏi, phải gắng sức nhiều khi đại tiện và có thể là nguyên nhân gây tràn khí màng phổi.

- Ăn thức ăn giàu canxi như: tôm, cua, ốc, cá, sữa… để phòng chống loãng xương. Loãng xương ở người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính có nguyên nhân là do dùng corticoide kéo dài. Người bệnh có thể uống thêm vitamine D theo chỉ định của bác sĩ.

Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần được chăm sóc và ăn uống thế nào trong mùa đông? - Ảnh 5.

Nên bổ sung thức ăn giàu canxi để phòng loãng xương.

Cần lưu ý: Người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính nên ăn thức ăn nhẹ, lỏng khi khó thở nhiều, nên chia nhỏ làm 6 - 8 bữa/ngày. Khi ăn nên thở oxy để đỡ suy hô hấp, tránh sặc phổi. Không nên vừa ăn vừa uống nước vì dễ gây hiện tượng nuốt phải khí làm chướng bụng nhiều sau ăn. Ăn miếng nhỏ, nhai chậm và kỹ, không vừa ăn vừa nói chuyện dễ gây sặc, nghẹn.

Có thể dùng liệu pháp vỗ rung làm sạch đờm rãi và sử dụng thuốc giãn phế quản cho người bệnh dễ chịu trước khi ăn. Người bệnh nên ngồi dậy khi ăn và sau đó hãy nghỉ ngơi.

Những việc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần làm để khỏe hơn trong mùa lạnhNhững việc người bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính cần làm để khỏe hơn trong mùa lạnh

SKĐS - Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) là bệnh hô hấp phổ biến có thể phòng và điều trị được. Theo các nhà nghiên cứu, hiện COPD là một trong 3 nguyên nhân tử vong hàng đầu trên thế giới và 90% số ca tử vong này nằm ở các nước có thu nhập thấp và trung bình.

Xem thêm video đang được quan tâm

Cẩn trọng với 5 bệnh mùa đông - xuân ai cũng có thể mắc phải | SKĐS


Phương Anh
Ý kiến của bạn