1. Vai trò của tập luyện với người bệnh phình động mạch chủ
Phình động mạch là sự giãn nở và suy yếu một vùng của động mạch (ví dụ động mạch chủ), làm tăng nguy cơ rách và xuất huyết vào thành mạch (tức là bóc tách) hoặc mô xung quanh (tức là vỡ).
Phình động mạch chủ được coi là "kẻ giết người thầm lặng". Phình động mạch chủ thường biểu hiện dưới dạng bóc tách hoặc vỡ cấp tính mà không có triệu chứng trước đó.
Bóc tách hoặc vỡ phình động mạch chủ có thể xảy ra nhiều hơn trong các tình huống như tập thể dục, khi huyết áp (HA) tăng đột ngột. Tuy nhiên, tập luyện thể dục thể thao lại là một phần của lối sống lành mạnh và được khuyến cáo cho cả bệnh nhân có phình động mạch chủ. Vấn đề là ở chỗ đối với người bình thường tập luyện sai cách có thể gây hại cho sức khỏe thì với người bệnh phình động mạch chủ tập không đúng còn nguy hiểm, thậm chí ảnh hưởng đến cả tính mạng. Vì vậy người bệnh cần tuân thủ tập luyện theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Nhiều người thường lo ngại việc tập luyện có thể gây tăng huyết áp và nguy cơ vỡ phình mạch. Song, nhiều nghiên cứu và hướng dẫn điều trị hiện nay cho rằng nguy cơ vỡ phình mạch không tăng lên ở những bệnh nhân có phình động mạch chủ ngực hoặc bụng khi tham gia hoạt động thể chất.
Lợi ích của chương trình tập luyện đối với nhóm bệnh nhân này cũng giống như mắc các bệnh tim mạch khác như nhồi máu cơ tim, suy tim… bao gồm cải thiện chức năng tim mạch và giảm các yếu tố nguy cơ cũng như biến cố tim mạch, giảm huyết áp, ổn định thành mạch, giảm nguy cơ biến chứng vỡ phình mạch.
Ngoài ra, lợi ích của hoạt động thể chất thường xuyên cũng giúp người bệnh:
- Cải thiện tâm lý, giảm lo âu, trầm cảm;
- Giảm huyết áp và mức độ cholesterol;
- Cải thiện chức năng tim mạch nói chung, khả năng gắng sức và duy trì hoạt động sinh hoạt hàng ngày;
- Giảm nguy cơ các bệnh chuyển hóa khác: Đái tháo đường, béo phì…
2. Các bài tập tốt cho người bệnh phình động mạch chủ
Mặc dù đem lại nhiều lợi ích, việc tập luyện ở người bệnh phình động mạch chủ cần có sự tư vấn và theo dõi bởi bác sĩ tim mạch và đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu phục hồi chức năng nhằm đưa ra một chương trình tập luyện cá nhân hóa, phù hợp với chức năng tim mạch và thể chất của người bệnh, nhằm đạt được hiệu quả tối đa và tránh các biến chứng nguy hiểm.
Khuyến cáo thông thường đối với một người bệnh phình động mạch chủ bao gồm một chương trình tập luyện với cường độ vừa phải, trung bình 150 phút mỗi tuần, tương đương với khoảng 20 - 60 phút mỗi ngày, 3 - 5 buổi/tuần. Trong đó, người bệnh có thể lựa chọn một số bài tập như:
- Đi bộ, chạy bộ với tốc độ vừa phải, quãng đường, độ dốc trong giới hạn bác sĩ cho phép. Người bệnh nên khởi đầu từ từ, tăng dần và luôn theo dõi mạch trong quá trình tập luyện, tương tự với bài tập yoga, pilates xen kẽ.
- Các bài tập tăng cường sức mạnh cơ: Tập tạ kháng trở mức độ nhẹ và vừa, bài tập plank, nâng chân, squats… Tập luyện tác động nhóm cơ cụ thể có thể nguy hiểm nếu bệnh nhân vừa phẫu thuật động mạch chủ hoặc bóc tách động mạch chủ cấp tính. Người bệnh cần được bác sĩ tư vấn các bài tập phù hợp và các động tác cần tránh.
Ban đầu có thể tập với tạ nhỏ 0.5 - 1 kg, tăng dần tạ tùy theo khả năng và khuyến cáo của bác sĩ, đặt mục tiêu tập tạ khoảng 2 - 3 lần/tuần, bắt đầu với các nhóm cơ chân, vai, tay. Giai đoạn đầu nên tránh tạ nặng vào các nhóm cơ vùng ngực và bụng… Bắt đầu từ 7 - 10 lần/hiệp cho mỗi nhóm cơ, sau đó tăng dần lên 15 - 20 lần/hiệp.
- Tăng dần thời gian, cường độ tập trong giới hạn cho phép, cố gắng biến hoạt động thể chất thành thói quen hàng ngày.
Một buổi tập thông thường người bệnh cần đảm bảo ba giai đoạn:
+ Giai đoạn khởi động, làm ấm cơ thể: Từ 5 đến 10 phút bao gồm các động tác vận động các khớp nhẹ nhàng (vai, khuỷu, cổ tay, khớp háng, gối, cổ chân, cột sống…)
+ Giai đoạn tập luyện: Ban đầu từ 10 - 20 phút và có thể tăng dần 30 - 60 phút với các bài tập như đi bộ, chạy bộ, bơi lội, đạp xe… với cường độ vừa phải, đảm bảo trong quá trình tập luyện dù tăng nhịp tim và nhịp thở bạn vẫn có thể trò chuyện dễ dàng.
Nếu không thể tập liên tục trong 30 phút, bạn có thể tập luyện ngắt quãng, ví dụ tập luyện trong 10 - 20 phút và nhiều lần mỗi ngày, đảm bảo tổng thời gian tập luyện trong ngày duy trì khoảng 30 - 60 phút.
+ Giai đoạn làm nguội: Không dừng đột ngột khi tập luyện, có thời gian giảm dần cường độ, trong vòng 5 - 10 phút cho đến khi hô hấp và nhịp tim trở về bình thường.
3. Những lưu ý khí tập luyện
- Dùng thuốc kiểm soát huyết áp hàng ngày đúng thời gian và liều lượng được kê và theo dõi bởi bác sĩ, điều này giúp người bệnh giảm nguy cơ tăng huyết áp không kiểm soát khi tập luyện.
- Giai đoạn đầu, nên kiểm tra huyết áp trước tập luyện, không tập luyện nếu huyết áp khi nghỉ ngơi của bạn không đạt mục tiêu. Điều này cần được thông báo với bác sĩ để có điều chỉnh phù hợp.
- Không tập quá sức: Việc tập luyện cần tuân thủ tuyệt đối hướng dẫn của bác sĩ và trong giới hạn nhịp tim, huyết áp cho phép.
- Tránh các môn thể thao đối kháng dẫn đến nguy cơ va chạm, chấn thương.
- Tốt hơn người bệnh nên tập luyện theo nhóm để duy trì động lực, tạo môi trường tập luyện và hỗ trợ nhau khi có biểu hiện bất thường.
- Dừng tập nếu cảm thấy các dấu hiệu bất thường như: Khó thở trầm trọng; đau ngực hoặc tức ngực; ho, khàn giọng; cực kì mệt mỏi; chóng mặt hoặc choáng váng; nôn, buồn nôn; nhịp tim quá nhanh hoặc cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, nhịp tim không đều…
Xem thêm video đang được quan tâm:
Cứu sống bệnh nhân 86 tuổi phình động mạch chủ ngực phức tạp.