Người bệnh mạn tính lưu ý gì khi đi du lịch?

07-06-2018 09:42 | Đời sống
google news

SKĐS - Mùa hè là mùa của những chuyến đi để giải tỏa căng thẳng sau những bộn bề công việc hoặc đơn giản là đưa gia đình đi nghỉ dưỡng hay đi thăm người thân, bạn bè ở xa.

Mùa hè là mùa của những chuyến đi để giải tỏa căng thẳng sau những bộn bề công việc hoặc đơn giản là đưa gia đình đi nghỉ dưỡng hay đi thăm người thân, bạn bè ở xa. Song, với những người mắc bệnh mạn tính phải dùng thuốc hàng ngày thì cần có sự chuẩn bị kỹ càng hơn để có một chuyến đi thực sự an toàn và thoải mái.

Bệnh lý mạn tính nào ảnh hưởng đến chuyến du lịch?

Với những người mắc bệnh mạn tính thì việc phải thăm khám, dùng thuốc thường xuyên theo chỉ định của bác sĩ nhằm kiểm soát và hạn chế diễn biến tăng nặng của bệnh là điều đương nhiên. Với họ, việc di chuyển từ nơi này đến nơi khác đồng thời phải dùng thuốc và theo dõi tình trạng bệnh tật sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến chuyến du lịch dù là ngắn ngày hay dài ngày.

Một số bệnh lý mạn tính (thường gặp ở người cao tuổi) có thể ảnh hưởng tới chuyến đi bao gồm: Bệnh lý tim mạch, huyết áp, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hen suyễn, thiếu máu, động kinh hoặc viêm khớp… Những bệnh lý này là nguyên nhân khiến bệnh nhân có nguy cơ đối mặt với những tình huống bất ngờ khó lường trước. Đó có thể chỉ là những cơn đau cơ, đau khớp khi đi bộ nhiều hơn bình thường trong lộ trình hay thuốc mang theo bị thất lạc, thiếu hoặc do bảo quản không đúng cách mà không còn sử dụng được. Đồng thời, những biến chứng nguy hiểm đến tính mạng bệnh nhân như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, cơn hen cấp cũng có thể xảy ra… Và nếu phải di chuyển bằng máy bay trong thời gian dài thì nguy cơ xảy ra những biến chứng đó càng cao do khi di chuyển bằng máy bay, người mắc bệnh lý tim phổi sẽ phản ứng nhạy cảm hơn với sự thiếu oxy trong không khí và trong máu. Ngoài ra, việc ngồi trên máy bay thời gian dài, xác suất hình thành các cục máu đông sẽ tăng dẫn tới tắc nghẽn tạm thời một số mạch máu nhỏ gây phù (ở chân).Người bệnh mạn tính cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa khi đi du lịch. Ảnh: TM

Người bệnh mạn tính cần tham vấn ý kiến bác sĩ chuyên khoa khi đi du lịch. Ảnh: TM

Lưu ý về dùng thuốc khi xa nhà với người bệnh mạn tính

Tham vấn bác sĩ điều trị: Đầu tiên, trước khi quyết định xách vali lên và đi, những bệnh nhân mạn tính nên đến tham vấn bác sĩ điều trị về những vấn đề sức khỏe họ đang gặp phải để chắc rằng bệnh tật vẫn đang trong tầm kiểm soát và họ có đủ sức khỏe để thực hiện chuyến đi. Người bệnh nên thông báo với bác sĩ về thời gian của chuyến đi cũng như nơi họ đến để nhận được lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống hay tập luyện thích hợp.

Cách bảo quản thuốc: Tất cả thuốc mang theo nên được giữ nguyên trong hộp bao gói ban đầu, kèm theo tờ hướng dẫn sử dụng và để trong hành lý cầm tay đề phòng trường hợp cần dùng thuốc khẩn cấp hoặc bị mất, bị thất lạc hành lý ký gửi. Bệnh nhân cũng cần lưu ý về điều kiện bảo quản đặc biệt của từng loại thuốc được ghi rõ trên vỏ hộp và tờ hướng dẫn sử dụng. Thông thường, các thuốc được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ dưới 300C, tránh ẩm và tránh ánh sáng. Trừ một số sinh phẩm y tế điều kiện bảo quản yêu cầu khắt khe hơn. Ví dụ như bút tiêm hay ống tiêm insulin dùng cho bệnh nhân tiểu đường cần được bảo quản ở nhiệt độ mát, do đó cần được bảo quản trong túi giữ nhiệt có đá lạnh trong khi di chuyển. Sau đó, khi tới phòng nghỉ có thể chuyển sang bảo quản bằng ngăn mát tủ lạnh.

Số lượng thuốc cần mang theo: Lượng thuốc mang theo trong chuyến đi cũng nên nhiều hơn lượng thuốc cần dùng theo thời gian dự kiến vì kế hoạch có thể thay đổi khiến bệnh nhân vất vả trong việc đi tìm đúng loại thuốc mà mình vẫn đang sử dụng. Tốt nhất, bệnh nhân nên mang theo đơn thuốc được bác sĩ kê, trường hợp bị thất lạc túi thuốc, bệnh nhân vẫn có thể mua được ở những hiệu thuốc gần nhất tránh gián đoạn điều trị. Về thời điểm dùng thuốc, sẽ được tính theo thời gian kể từ lần dùng thuốc trước, không phải thời gian địa phương để đảm bảo khoảng cách giữa các liều điều trị.

Nên mang theo đơn thuốc: Ngoài ra, bệnh nhân nên mang theo danh sách các loại thuốc, cả tên thương mại và tên chung quốc tế, mang theo giấy chứng nhận của bác sĩ nếu bệnh nhân có dùng máy tạo nhịp tim hoặc thiết bị cấy ghép khác để có thể qua trạm kiểm soát an ninh. Những dụng cụ y tế giúp hỗ trợ theo dõi tình trạng bệnh cũng cần mang theo như máy đo nhịp tim và huyết áp, dụng cụ thử đường huyết nhanh...

Thời gian dùng thuốc: Trong quá trình đi du lịch, thời gian sinh hoạt thường bị xáo trộn nên người bệnh mạn tính cần chọn thời điểm uống thuốc thích hợp. Thời điểm này có thể thay đổi so với  khi ở nhà nhưng tốt nhất nên cố định vào buổi sáng hay buổi tối để tránh bị quên.

Đi cùng với người thân: Các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cho rằng, bệnh nhân nên đi cùng với một người thân hiểu rõ về tình trạng bệnh tật của mình. Họ sẽ giúp hỗ trợ cho bệnh nhân trong trường hợp khẩn cấp, đồng thời giải thích cho hướng dẫn viên về tình trạng của bệnh nhân để được hỗ trợ tối đa.

 

Những thuốc cần mang theo dự phòng

Ngoài thuốc điều trị bệnh, người bệnh mạn tính và cả các trường hợp khác nên dự phòng một số loại thuốc thông thường như thuốc chống say tàu xe, thuốc trị cảm cúm, thuốc giảm đau, hạ sốt, thuốc nhỏ mắt, thuốc chống và trị côn trùng đốt, thuốc điều trị rối loạn tiêu hóa… vì sẽ giúp ích cho bệnh nhân rất nhiều trong các trường hợp khẩn cấp, đặc biệt khi du lịch ở nước ngoài.

 


ThS. Mai Ngọc Tú
Ý kiến của bạn