Người bệnh mạn tính đừng mải vui Tết mà quên luyện tập

SKĐS - Luyện tập thể lực có vai trò quan trọng đối với sức khỏe con người nói chung. Đối với người mắc các bệnh mạn tính, thì tập luyện không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn đóng vai trò hỗ trợ điều trị bệnh.

Trong những ngày Tết, khi mọi sinh hoạt bị đảo lộn, thì người mắc bệnh mạn tính cũng không được quên dành thời gian cho rèn luyện sức khỏe.

1. Vai trò của luyện tập đối với sức khỏe

Như chúng ta đã biết, lối sống tĩnh tại, ít hoạt động thể lực để lại hậu quả lâu dài cho sức khỏe. Trong khi đó, các hoạt động thể lực vừa phải, phù hợp với sức khỏe đã được chứng minh là giúp làm giảm cholesterol, đường huyết, ổn định huyết áp, tăng cường trao đổi chất… Ngoài ra, luyện thập thể lực thường xuyên còn giúp cơ thể ngừa loãng xương, giảm các triệu chứng thoái hóa khớp nhờ tăng cường độ dẻo dai của cơ bắp và tính linh hoạt, biên độ hoạt động của các khớp…

Người bệnh mạn tính đừng mải vui tết mà quên luyện tập - Ảnh 1.

Luyện tập đều đặn mỗi ngày đóng vai trò rất lớn trong tăng cường sức khỏe.

Hơn nữa, hoạt động thể chất thường xuyên còn giúp cải thiện, phòng ngừa các bệnh mạn tính không lây, giúp giảm các triệu chứng lo lắng, trầm cảm… Chính vì thế, để có sức khỏe tốt, cần vận động thể lực thường xuyên ngay từ khi còn trẻ.

Tuy nhiên, không có bài tập nào chung cho tất cả mọi người. Tùy tình trạng thể lực mà mỗi người nên chọn các phương pháp luyện tập phù hợp. Điều quan trọng trong tập luyện không phải là tập nhiều, tập hết sức mà là duy trì đều đặn, thường xuyên một cách có hệ thống và phù hợp với thể lực của mình. Đối với người đã mắc bệnh mạn tính, lại càng phải luyện tập đều đặn mỗi ngày.

Chẳng hạn như đối với nguy cơ tim mạch, trong các nghiên cứu, việc tham gia luyện tập thể lực mức độ trung bình 150 phút/tuần đã giảm 14% nguy cơ bệnh tim mạch; những người luyện tập 300 phút/tuần giảm 20%, khi so sánh với những người không luyện tập.

Với người mắc đái tháo đường, luyện tập là 1 trong 3 phương pháp điều trị quan trọng: Chế độ ăn, chế độ luyện tập và chế độ dùng thuốc. Do đó, luyện tập là phương pháp không thể thiếu để giúp người mắc đái tháo đường giữ mức cân nặng và tiêu hao năng lượng, duy trì đường huyết ở mức an toàn… nhằm hạn chế các biến chứng.

Ở người mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tập thể dục đều đặn vừa sức sẽ giúp tăng cường sức khỏe; các cơ hô hấp hoạt động hiệu quả hơn, cơ thể dẻo dai hơn, lâu mệt hơn và giảm bớt nhu cầu oxy, giảm bớt cảm giác khó thở. Tập thể dục đều đặn cũng giúp cho máu lưu thông tốt và cơ thể sử dụng oxy tốt hơn…

Hiệu quả của thể dục và vận động đối với bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính đã được các nhà khoa học chứng minh rất rõ rệt và là một phần trong chương trình điều trị của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

Chú ý luyện tập phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ sẽ tốt hơn là khi mắc bệnh rồi mới luyện tập. Tuy nhiên, với những người lớn tuổi càng luyện tập nhiều và đều đặn thì càng tốt cho sức khỏe. Cần phải dành thời gian và cố gắng luyện tập ít nhất 150 phút/tuần.

Luyện tập thể lực không nhất thiết là phải đến phòng tập hoặc tham gia các môn thể thao chuyên nghiệp (nếu không có điều kiện). Mọi dạng của hoạt động thể lực khác, như: Lau nhà, đi bộ, chạy bộ, đạp xe… đều có lợi.

2. Cách duy trì luyện tập trong ngày Tết

Nếu không thể đến các phòng tập hoặc chơi thể thao hoặc tham gia tập nhóm tại công viên như ngày thường, thì mỗi người cần tự luyện tập mỗi ngày 30 phút bằng cách:

- Leo cầu thang bộ thay vì đi thang máy.

- Làm việc nhà nhiều hơn: Dọn dẹp, lau chùi nhà cửa; chăm sóc, tưới cây...

- Đi bộ nhanh: Muốn đạt lợi ích từ đi bộ thì nên đi nhanh, để cho mạch nhanh lên. Sau đó thong thả đi chậm lại. Khi thấy ra chút mồ hôi và hơi thở gấp một chút là rất tốt. Có thể đi bộ nhiều lần trong ngày, tổng thời gian đi bộ nhanh mỗi ngày từ 30 - 60 phút là đủ.

- Chạy: Chạy là cách tập luyện rất tốt, mỗi buổi tập nên bắt đầu chạy chậm, sau đó nhanh dần nhưng vừa sức và đều đặn. Khi thấy mệt thì chạy chậm dần lại trước khi ngừng hẳn. Nên chạy những quãng đường ngắn, vài trăm mét hoặc vài chục mét để nghe ngóng sức khỏe. Sau đó tăng dần quãng đường chạy để cơ thể thích nghi dần. Nên chạy ở nơi thoáng đãng, trong lãnh, tránh chạy ở những nơi không khí ô nhiễm.

- Tập thể dục nhẹ: Luyện tập cơ thể mềm dẻo, tập các động tác cúi đầu, uốn mình…

- Tập yoga: Yoga có thể tự tập tại nhà với các động tác phù hợp mà không cần đến phòng tập. Mỗi ngày có thể dành khoảng 30-60 phút để tập yoga, tùy sức khỏe của mỗi người.

- Đạp xe: Đây là biện pháp luyện tập rất tốt với người có bệnh lý xương khớp, khi không thực hiện được biện pháp đi bộ, chạy bộ.

Người bệnh mạn tính đừng mải vui tết mà quên luyện tập - Ảnh 3.

Có thể luyện tập tại nhà bằng các bài tập thể dục nhẹ nhàng.

3. Những điều cần tránh trong luyện tập

Nhìn chung, với người mắc bệnh mạn tính cần hỏi ý kiến của bác sĩ để lựa chọn các bài tập phù hợp. Khi tự tập tại nhà, cần tránh những vấn đề sau:

- Không luyện tập quá sức: Người bệnh chỉ nên tập vừa với sức mình. Mọi sự cố gắng quá mức đều không tốt. Trong lúc tập, nếu cảm thấy mệt, có thể tạm nghỉ ngắn rồi tiếp tục vận động.

- Không tuân thủ nguyên tắc tập luyện: Cần khởi động đúng trước khi tập giúp cơ thể đạt được trạng thái hoạt động thể lực tốt nhất, giúp các hệ thống tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp được chuẩn bị thích nghi với vận động, giúp phòng tránh chấn thương, mệt mỏi quá sức.

- Thời điểm tập luyện không thích hợp: Không nên tập ngay sau khi ăn no hoặc tập khi quá đói. Thời điểm thích hợp nhất để tập luyện là sau bữa ăn chính khoảng 2 giờ; tập trong điều kiện thời tiết không phù hợp (trời lạnh hoặc nóng). Không nên tập nặng trước khi đi ngủ.

- Uống nước không hợp lý: Uống quá nhiều nước trong khi đang tập hoặc ngay sau khi tập làm tăng trọng lượng và thay đổi trọng tâm cơ thể, đồng thời làm tăng khối lượng tuần hoàn, loãng máu, tăng gánh nặng của tim dẫn đến mệt mỏi, giảm năng lực vận động. Ngược lại, nếu không bù đủ nước khiến thân nhiệt tăng quá mức, có thể dẫn đến tình trạng kiệt sức, "chuột rút", đột quỵ.

Để an toàn và hiệu quả trong luyện tập tại nhà những ngày lễ tết, người mắc bệnh mạn tính cần lựa chọn cho mình các bài tập thể lực phù hợp với sức khỏe.

Mời độc giả xem thêm video:

Hoa cười đón xuân

PGS.TS.Nguyễn Đức Hải
Viện trưởng Viện điều trị cán bộ cao cấp, Bệnh viện TWQĐ 108
Ý kiến của bạn