có sức đề kháng với COVID-19 kém hơn người khỏe mạnh, thậm chí có nguy cơ cao bị biến chứng nghiêm trọng từ loại virus gây bệnh này.
Dịch COVID-19 đang có diễn biến phức tạp, với nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng. Thời điểm này, mỗi người dân cần chủ động, nâng cao tinh thần phòng chống dịch mọi lúc, mọi nơi. Điều này càng cần thiết hơn đối với những người có sẵn yếu tố bệnh tật, người cao tuổi, có sức đề kháng kém.
Một nghiên cứu tại Italy đã chỉ ra, 99% số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này là người mắc bệnh lý mạn tính. Trong đó, gần một nửa số ca mắc ít nhất 3 bệnh lý nền và khoảng 1/4 có 1 hoặc 2 bệnh lý trước đó. Có tới hơn 75% người bị tăng huyết áp, khoảng 35% bị tiểu đường và một 1/3 tổng số bệnh nhân bị bệnh tim.
Bộ Y tế và Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam khuyến khích người dân tăng cường vận động thể lực trong mùa dịch COVID-19.
Hơn nữa, người có nhiều bệnh lý mạn tính lại thường là người cao tuổi. Sức đề kháng của nhóm người cao tuổi mắc bệnh mạn tính lại giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, COVID-19 sẽ làm cho các bệnh mạn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc COVID-19 thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc. Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp và khó khăn việc điều trị.
Những người mắc bệnh mạn tính là đối tượng có nguy cơ tử vong cao nếu mắc COVID-19. Vì vậy, người mắc các bệnh dưới đây cần hết sức thận trọng, kiểm soát tốt bệnh lý nền và nâng cao thể trạng:
Người bệnh tăng huyết áp: Tăng huyết áp vốn được coi là “kẻ giết người thầm lặng” với mức độ nguy hiểm luôn rình rập người bệnh. Huyết áp tăng cao cũng là yếu tố thuận lợi khiến cơ thể dễ mắc bệnh, đồng thời làm tăng nguy cơ tử vong với nhiều bệnh tật. Người có bệnh lý nền tăng huyết áp nếu mắc COVID-19, nguy cơ cao bệnh diễn biến xấu, thậm chí tử vong. Những người tăng huyết áp có xu hướng mắc các bệnh tiềm ẩn tăng cholesterol, bệnh phổi nhiều hơn. Các bệnh này đều làm suy yếu hệ miễn dịch, nên khả năng chống đỡ tác nhân gây bệnh, trong đó có virus suy giảm. Lời khuyên cho người bệnh tăng huyết áp đó là tập thể dục thường xuyên, tránh xa nơi đông người, kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh để tăng cường thể trạng.
Bệnh tim mạch: Theo các báo cáo, người nhiễm COVID-19 có diễn biến rất thất thường, phức tạp. Giai đoạn đầu có vẻ diễn biến âm thầm từ từ, nhưng khá nhiều ca diễn biến nặng xảy ra nhanh chóng cần phải thở máy hoặc hỗ trợ tuần hoàn hô hấp. Với những bệnh nhân tử vong, mặc dù bệnh ảnh hưởng đến hô hấp (phổi) đầu tiên, nhưng có vẻ như sốc tim hoặc biến cố tim mạch khác lại là kết cục dẫn đến cái chết nhiều hơn là suy hô hấp đơn thuần. Các nhà khoa học giải thích, sốt, viêm phổi do COVID-19 gây thêm căng thẳng cho trái tim. Thêm vào đó, tình trạng viêm do nhiễm trùng có thể làm hỏng niêm mạc mạch máu. Những biến chứng tim mạch cấp được báo cáo ở bệnh nhân COVID-19 bao gồm: khởi phát suy tim cấp, nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim và ngừng tim. Cũng giống như bất kỳ bệnh lý cấp tính nào khác, COVID-19 khiến gánh nặng tim mạch - chuyển hóa cao hơn và có thể gây ra các biến chứng tim mạch. Một số triệu chứng của bệnh tim mạch lại cũng rất dễ bị nhầm lẫn với triệu chứng nhiễm COVID-19 như khó thở, đau ngực... Bệnh nhân bị bệnh tim mạch cần ý thức được họ là nhóm nguy cơ rất cao về nhiễm bệnh cũng như các biến chứng nặng xảy ra nếu không may bị nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, người bệnh nên bình tĩnh, không hoang mang và nên biết cách tự theo dõi diễn biến của bệnh.
Bệnh hô hấp mạn tính: Bệnh nhân mắc các bệnh hô hấp mạn tính bao gồm: hen suyễn, tăng huyết áp động mạch phổi, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) cần đặc biệt phòng ngừa COVID-19, vì một trong những biến chứng có thể xảy ra là viêm phổi. Viêm phổi làm tổn thương phổi, khiến việc đưa oxy đến cơ thể khó khăn hơn. Ở những bệnh nhân đã mắc bệnh hô hấp mạn tính, viêm phổi dễ gây tử vong.
Trong nhóm các bệnh hô hấp mạn tính, bệnh nhân COPD cần đặc biệt lưu ý. Bệnh COPD là tình trạng tắc nghẽn đường thở. Người bệnh COPD vốn đã có hô hấp khó khăn, thường xuyên bị khó thở mỗi khi thay đổi tư thế hay thời tiết giao mùa. Dịch COVID-19 bùng phát trùng với thời điểm giao mùa nên người bệnh cần phòng ngừa tốt. Bệnh COPD nếu không được phát hiện, phòng và chữa trị kịp thời thì diễn biến ngày càng nặng và không còn khả năng hồi phục. Nhiễm trùng do COVID- 19 gây ra ở những bệnh nhân này có thể gây ra một dạng viêm phổi nghiêm trọng, làm tăng nguy cơ tử vong.
Bệnh đái tháo đường: Đái tháo đường là một rối loạn sức khỏe khiến hệ miễn dịch bị tổn hại, nên người bệnh dễ mắc COVID-19 nếu tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ. Các chuyên gia từ Liên đoàn Đái tháo đường quốc tế (IDF) nhấn mạnh: Virus có thể phát triển mạnh trong cơ thể khi có đường huyết cao. Những người mắc bệnh đái tháo đường có mức độ viêm tăng trong cơ thể, do vậy nếu mắc COVID-19 có thể biến thành viêm phổi dễ dàng hơn. Ngoài ra, một người mắc bệnh đái tháo đường, khi nhiễm virus, có thể làm tăng lượng đường trong máu, do vậy dễ dẫn đến các biến chứng.
Những người bị rối loạn liên quan đến lượng đường trong máu cao, điều quan trọng là phải theo dõi đường huyết thường xuyên, quản lý đường huyết, tránh căng thẳng... đồng thời thực hiện các biện pháp phòng ngừa khác giúp ngăn ngừa COVID-19.
Lời khuyên của thầy thuốc: Người mắc các bệnh lý mạn tính phải lưu ý kiểm soát tốt bệnh bằng thuốc, tốt nhất nên chuẩn bị thuốc điều trị trong 2 tháng; Có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, vận động thân thể hợp lý. Nếu cơ thể có bất kỳ thay đổi nào nên báo cho bác sĩ hoặc đi khám càng sớm càng tốt. Cùng với đó, mỗi người cần trang bị cho mình những kiến thức hiểu biết về tình hình dịch bệnh, các biện pháp phòng tránh dịch theo khuyến cáo của Bộ Y tế.
1. Hạn chế tối đa ra ngoài, chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết.
2. Nếu buộc phải ra ngoài luôn đeo khẩu trang, hãy giữ khoảng cách tiếp xúc, tốt nhất là 2m.
3. Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn.
4. Vệ sinh và để thông thoáng nhà cửa; lau rửa thường xuyên các bề mặt, các điểm hay tiếp xúc; sinh hoạt lành mạnh.
5. Thực hiện khai báo y tế trên ứng dụng NCOVI (ncovi.vn), hoặc khai trực tuyến trên tokhaiyte.vn; cập nhật tình hình sức khỏe hàng ngày, giữ liên hệ với cơ sở y tế.