1. Lợi ích của chế độ ăn uống lành mạnh với người bệnh Lupus
Lupus là một bệnh tự miễn mạn tính khi hệ thống miễn dịch của cơ thể trở nên hoạt động quá mức và tấn công các mô khỏe mạnh. Tình trạng này gây viêm, sưng, tổn thương các khớp và các cơ quan trong cơ thể bao gồm da, tim, thận… Có nhiều loại Lupus khác nhau, trong đó Lupus ban đỏ hệ thống là phổ biến nhất.
Nếu được chẩn đoán bị Lupus, việc thực hiện một chế độ ăn uống cân bằng và lành mạnh sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh, bao gồm:
- Giúp giảm viêm và các triệu chứng bệnh khác: Bởi vì Lupus là một tình trạng viêm, nên ăn thực phẩm chống viêm có thể chống lại chứng viêm và giảm các triệu chứng của bệnh. Hơn nữa, tránh các loại thực phẩm thúc đẩy quá trình viêm có thể ngăn ngừa các triệu chứng của bệnh.
- Giữ cho xương và cơ chắc khỏe: Chế độ dinh dưỡng tốt giúp duy trì sức mạnh của xương và cơ. Ăn thực phẩm giàu canxi và vitamin D rất quan trọng đối với sức khỏe xương của người bệnh và có thể giúp chống lại tác dụng của một số loại thuốc dùng để điều trị bệnh Lupus. Một số loại thuốc (ví dụ như corticosteroid) có thể làm tăng nguy cơ loãng xương, khiến xương kém đặc và dễ gãy.
- Ngăn ngừa tác dụng phụ của thuốc: Ngoài việc chống lại các tác dụng gây hại cho xương của corticosteroid, một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp chống lại các tác dụng phụ khác của thuốc, bao gồm giữ nước và tăng huyết áp.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Giảm cân và chán ăn cũng thường xảy ra với bệnh nhân Lupus. Ngoài ra, tác dụng phụ của thuốc có thể góp phần làm giảm và tăng cân. Tăng cân cũng là do lười vận động, thường là hệ quả của việc sống chung với những cơn đau khớp do bệnh Lupus. Vì vậy, việc kết hợp chế độ ăn uống lành mạnh và vận động sẽ giúp duy trì sức khỏe và cân nặng ở người bệnh Lupus.
- Giảm nguy cơ mắc các bệnh kèm theo: Lupus có liên quan đến một số bệnh kèm theo bao gồm: bệnh tim, loãng xương, bệnh tuyến giáp... Nếu người bệnh có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim hoặc các bệnh đi kèm khác, ăn một chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và duy trì hoạt động có thể giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh đi kèm.
2. Người bệnh Lupus nên ăn gì?
Người bệnh Lupus nên bổ sung nhiều loại trái cây và rau quả, thực phẩm ít calo và ít chất béo, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, chất xơ, canxi, vitamin D và axit béo omega-3. Nên ăn cân bằng các loại thực phẩm, không ăn quá nhiều thứ này hoặc quá ít thứ khác.
Bởi vì bệnh Lupus là một tình trạng viêm nhiễm, nên các loại thực phẩm chống viêm có thể làm giảm các triệu chứng của bệnh. Một số thực phẩm chống viêm hàng đầu có thể thêm vào chế độ ăn uống của người bệnh bao gồm:
2.1. Cá
Axit béo omega-3 được tìm thấy trong các loại cá béo, bao gồm cá hồi, cá mòi và cá ngừ có thể làm giảm chứng viêm, tốt cho người bệnh Lupus. Người bệnh nên ăn cá béo ít nhất hai lần một tuần để tận dụng tác dụng chống viêm của nó.
2.2. Trái cây và rau quả
Người bệnh Lupus nên ăn các loại trái cây và rau quả như: rau bina, rau diếp, cà rốt, quả việt quất, cam… chứa nhiều chất chống oxy hóa và polyphenol là các hợp chất thực vật tự nhiên giúp chống viêm.
2.3. Ngũ cốc nguyên hạt
Những người mắc bệnh Lupus nên ăn ngũ cốc nguyên hạt thay vì thức ăn tinh chế. Nguồn ngũ cốc nguyên hạt tốt cho bệnh Lupus bao gồm: gạo, lúa mạch, bột yến mạch, hạt quinoa, bánh mì nguyên hạt…
2.4. Sữa chua và sữa
Nghiên cứu cho thấy một loại vi khuẩn lành mạnh được tìm thấy trong sữa chua và các sản phẩm từ sữa khác có thể làm giảm các triệu chứng ở một số người mắc bệnh Lupus.
Ngoài ra, ăn thực phẩm giàu canxi và vitamin D như sữa chua và sữa rất quan trọng đối với những người mắc bệnh Lupus vì họ có nguy cơ bị loãng xương cao hơn.
Nên chọn những sản phẩm ít béo hoặc không có chất béo. Nếu người bệnh không dung nạp sữa có thể thay thế bằng sữa không chứa lactose, đậu nành và hạnh nhân, nước trái cây bổ sung canxi và vitamin D.
3. Các thực phẩm cần tránh
Tuy nghiên cứu chưa xác định rõ, nhưng có một số loại thực phẩm có thể làm tăng các triệu chứng bệnh Lupus như:
- Tỏi: Tỏi có chứa ba thành phần: allicin, ajoene và thiosulfinate - có thể tăng cường hệ thống miễn dịch và gây ra phản ứng hoạt động quá mức ở những người mắc bệnh Lupus. Vì vậy, người bệnh nên ăn hạn chế với số lượng ít.
- Thực phẩm đã qua chế biến và tinh chế: Những thực phẩm này thường có nhiều chất béo, đường và muối làm tăng tình trạng viêm.
- Hạn chế đường và muối: Ăn quá nhiều đường hoặc muối theo thời gian có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh kèm theo bệnh Lupus như bệnh tim và tăng huyết áp.
- Rượu: Không nên uống nhiều rượu vì nó có thể gây trở ngại cho các loại thuốc dùng để điều trị bệnh Lupus.
- Thuốc lá: Hút thuốc gây biến chứng và đẩy nhanh các tác động của bệnh Lupus. Nó cũng có thể làm giảm hiệu quả của các loại thuốc dùng để điều trị bệnh Lupus.
- Thực phẩm chứa chất béo bão hòa: Vì những người mắc bệnh Lupus có vấn đề trong việc tiêu hóa thức ăn béo, ngoài ra những thực phẩm này cũng làm tăng tình trạng viêm nhiễm.
Người bệnh cần tránh thực phẩm chứa chất béo bão hòa bao gồm: sữa giàu chất béo, thực phẩm chiên, súp và nước sốt có kem, thịt chế biến sẵn (xúc xích, giăm bông, thịt nguội…) và thịt đỏ.
Có thể thay thế chất béo bão hòa bằng chất béo lành mạnh hơn như: các loại hạt, quả bơ, một số loại dầu như dầu ô liu, đậu nành...
Xem thêm video đang được quan tâm
Cách nhận biết bệnh nguy hiểm qua dáng đi | SKĐS