Loạn năng khớp thái dương hàm có biểu hiện thế nào?
Loạn năng khớp thái dương hàm (Temporomandibular joint disorder - TMD) là một bệnh lý ngày càng phổ biến trong xã hội hiện đại, ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống. Trên thế giới, theo một nghiên cứu của Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, có hơn 10 triệu người Mỹ đang chịu ảnh hưởng bởi loạn năng khớp thái dương hàm. Tại Việt Nam, các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ mắc TMD dao động từ 50-70% dân số.
Về yếu tố nguy cơ, tỉ lệ mắc TMD thường cao hơn ở nữ giới, người trong độ tuổi học tập, làm việc từ 18-60 tuổi, người căng thẳng tâm lý, stress, trầm cảm, người có khớp cắn lệch lạc, thói quen nghiến răng, tình trạng lỏng khớp, chấn thương, sử dụng estrogen ngoại sinh.
Loạn năng khớp thái dương hàm có thể được nhận biết bởi các triệu chứng như căng cơ, đau cơ, đau khớp, có tiếng kêu khi há ngậm miệng, hạn chế vận động hàm dưới. Không chỉ gây đau nhức và khó chịu, tình trạng này còn hạn chế khả năng giao tiếp, ăn uống và làm việc của người bệnh. Việc áp dụng một chế độ ăn phù hợp không chỉ giúp giảm các triệu chứng mà còn hỗ trợ quá trình điều trị, từ đó cải thiện sức khỏe tổng thể và chất lượng sống của người bệnh.
Loạn năng khớp thái dương hàm có triệu chứng như căng cơ, đau cơ, có tiếng kêu khi há ngậm miệng...
Những loại thực phẩm khiến cơn đau TMD trở nên tồi tệ hơn
Về cơ bản, để tốt cho khớp thái dương hàm, bạn nên tránh các loại thực phẩm dai, cứng, giòn hoặc kích thước quá lớn. Những loại thực phẩm này đòi hỏi phải nhai nhiều hơn hay phải mở rộng miệng quá mức. Khớp phải hoạt động càng nhiều, tình trạng viêm càng tăng, từ đó làm trầm trọng thêm cơn đau của bạn.
Một số ví dụ về thực phẩm không tốt cho bệnh này bao gồm:
- Thịt dai hoặc cứng, như thịt bò khô, mực khô, thịt bò bít tết
- Các loại bánh mì giòn, dai
- Mía, ổi, táo, cà rốt và các loại trái cây và rau quả cứng khác
- Các loại hạt cứng
- Kẹo cao su, các loại kẹo dai hoặc dính
- Trân châu (thường có trong trà sữa, chè)
Bên cạnh đó, thực phẩm không lành mạnh, giàu chất béo, độ ngọt cao cũng làm tăng tình trạng viêm trong cơ thể bạn nói chung. Nếu bạn muốn giảm tình trạng viêm ở khớp hàm và các vùng khác trên cơ thể, điều quan trọng là phải hạn chế tiêu thụ thịt đỏ, bánh ngọt và đồ chiên rán.
Những thực phẩm tốt cho chứng rối loạn khớp thái dương hàm
Để điều trị bệnh lý khớp nói chung, điều quan trọng là cần đảm bảo khớp được nghỉ ngơi. Theo đó, chế độ ăn mềm, bao gồm những thực phẩm dễ cắn và nhai, là lựa chọn phù hợp cho người mắc chứng TMD. Các loại thực phẩm kích thước lớn cần được cắt nhỏ trước khi ăn. Khớp thái dương hàm không phải hoạt động quá nhiều, được giảm áp lực, sẽ lành thương tốt hơn.
Một nguồn thực phẩm khác phù hợp với bệnh lý khớp thái dương hàm là các loại thức ăn có khả năng chống viêm tự nhiên. Trong đó, thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, bao gồm một số loại trái cây tươi và rau củ, như rau bina, khoai tây, khoai lang, quả mọng, dưa lưới, bơ, giúp giảm viêm thông qua việc vô hiệu hóa các gốc tự do, một trong những tác nhân gây tổn thương tế bào và gây viêm khớp.
Đồng thời, axit béo omega-3 cũng là một lựa chọn hữu ích, giúp ức chế sản xuất các phân tử gây viêm, từ đó giảm sưng và đau. Chúng có thể được tìm thấy trong các loại cá nước lạnh như cá hồi, dầu thực vật và trứng.
Ngoài ra, các loại gia vị như gừng và nghệ cũng giúp chống viêm. Bạn có thể thêm trà gừng chanh vào thực đơn buổi sáng của mình, hoặc thử áp dụng các công thức nấu ăn kết hợp nghệ.
Dưới đây là một số thực phẩm tốt cho TMD bạn có thể tham khảo:- Sinh tố
- Khoai lang
- Trái cây mềm như chuối, thanh long
- Rau nấu chín mềm
- Trứng
- Cá
- Súp, cháo
- Mì, cơm nấu dẻo
- Yến mạch
Nên ăn thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như trái cây tươi và rau củ...
Tóm lại, việc kiểm soát loạn năng khớp thái dương hàm không chỉ dựa vào điều trị y tế mà còn phụ thuộc vào lối sống và chế độ ăn uống hàng ngày. Một chế độ ăn mềm, giàu dưỡng chất và chống viêm không chỉ giúp giảm đau, mà còn hỗ trợ quá trình phục hồi của khớp. Hợp tác chặt chẽ với bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để xây dựng kế hoạch điều trị toàn diện là bước quan trọng giúp bạn nhanh chóng cải thiện tình trạng bệnh và nâng cao chất lượng cuộc sống.