Người bệnh lao da và mô dưới da cần chú ý gì khi tập luyện?

23-02-2025 09:00 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Lao da và mô dưới da có nhiều biểu hiện khác nhau tùy thuộc vào độc lực, số lượng trực khuẩn lao và sức đề kháng của người bệnh. Do đó, bên cạnh điều trị, việc tập luyện có vai trò quan trọng...

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh lao da, mô dưới da

Lao da, mô dưới da là một bệnh lý nhiễm trùng da, tổ chức dưới da do vi khuẩn lao gây ra. Tổn thương thường gặp là các củ lao màu vàng hoặc đỏ, kích thích bằng hạt đậu hoặc to hơn, tập trung thành đám, có thể loét ở trung tâm, vết loét sau lành để lại sẹo nhăn nhúm, co kéo.

Vị trí xuất hiện lao da và mô dưới da thường ở mặt, môi trên, tứ chi, mông, lưng. Bệnh chủ yếu gặp ở những người suy giảm miễn dịch. Ngoài việc điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, người bệnh lao da và mô dưới da khi tập luyện sẽ mang lại tác dụng cho cơ thể như:

- Giảm các triệu chứng lo âu, thư giãn tinh thần.

- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, giảm tác dụng phụ khi điều trị bằng thuốc kháng lao.

- Giúp người bệnh ăn ngủ tốt hơn, giảm đau ngứa vùng da bị lao, tăng cường tầm vận động khớp bị lao.

2. Các bài tập tốt cho người bệnh lao da và mô dưới da

2.1. Các tư thế yoga

Tư thế uốn gập người một nửa

Tác dụng: Hỗ trợ người bệnh ăn ngủ tốt hơn, thư giãn tinh thần.

Cách thực hiện:

  • Đứng ở giữa thảm, bàn chân bước rộng bằng hông, song song với các cạnh của thảm, hai cánh tay thẳng với thân người.
  • Hít vào, đưa hai cánh tay thẳng lên trần nhà dọc theo hai tai và mở rộng ngực.
  • Thở ra, dùng eo gập phần thân người về trước; duỗi thẳng lưng để hai cánh tay và lưng song song với thảm rồi từ từ hạ các đầu ngón tay xuống thảm, mắt nhìn về phía trước.
  • Gập gối và dùng eo nâng người lên sau đó trở về tư thế ban đầu; lặp lại 5-7 lần.
gập người một nửa

Tư thế uốn gập người một nửa.

Tư thế nằm ngửa góc cố định

Tác dụng: Tư thế này giúp thư giãn và ngủ ngon hơn.

Các bước thực hiện:

  • Đặt người nằm xuống thảm, cong đầu gối càng gần xương cụt càng tốt và đặt chạm hai lòng bàn chân với nhau, thả lỏng, thư giãn đầu gối.
  • Đặt cánh tay trên sàn cách thân mình khoảng 45 độ, ngửa lòng bàn tay và thở đều. Lặp lại 5-7 lần.
tu-the-goc-co-dinh-nam-ngua

Tư thế góc nằm ngửa cố định.

Tư thế cây cầu

Tác dụng: Đây là động tác yoga tăng sức đề kháng hệ miễn dịch cơ thể.

Cách thực hiện:

  • Nằm ngửa trên thảm, hai chân duỗi thẳng, hai tay buông dọc theo thân, lòng bàn tay úp, hai bàn chân mở rộng một khoảng bằng hông.
  • Hít vào, siết cơ bụng, cơ đùi rồi nâng ngực, bụng, mông, đùi lên cao, vị trí đặt bàn chân sao cho vuông góc với phần gối.
  • Hai tay đan vào nhau và duỗi thẳng, đặt dưới thân người, giữ phần đầu, cổ thẳng với thân người trong suốt quá trình thực hiện động tác; giữ động tác trong khoảng vài giây và lặp lại động tác từ 5-7 lần.
tư thế cây cầu

Tư thế cây cầu.

Tư thế cái cung

Tác dụng: Tư thế cái cung giúp giải tỏa căng thẳng, tăng sức mạnh cơ bắp, tăng cường trao đổi chất, nâng cao sức đề kháng, giúp giảm đau, giảm ngứa.

Cách thực hiện:

  • Nằm sấp trên thảm, hai chân duỗi thẳng và cách xa nhau bằng khoảng bề ngang của hông; hai tay đặt ngang hông, lòng bàn tay hướng xuống sàn.
  • Co đầu gối lên trên và thu gót chân về phía mông; đưa bàn tay ra sau nắm chặt mắt cá chân, hít thở sâu, sau đó nâng ngực lên khỏi mặt sàn, uốn cong người về phía sau.
  • Giữ mặt nhìn thẳng, kéo chân hết mức có thể để cơ thể uốn cong và căng giống như cái cung.
  • Giữ tư thế trong khoảng 4-5 nhịp thở, sau đó thở ra và từ từ buông tay; đưa chân và ngực trở lại vị trí ban đầu; lặp lại động tác 5 lần.
tu-the-canh-cung

Cách thực hiện tư thế cái cung.

2.2. Động tác với bàn tay tăng cường vận động khớp cho người bệnh lao da và mô dưới da

Động tác duỗi ngón tay

Tác dụng: Giúp giảm đau, giảm ngứa vùng da, tăng cường tầm vận động khớp vùng lao.

Cách thực hiện:

  • Đặt lòng bàn tay xuống bàn hoặc bề mặt phẳng khác, nhẹ nhàng duỗi thẳng các ngón tay bằng phẳng nhất có thể so với bề mặt sao cho các khớp không bị ép.
  • Giữ tư thế này trong 30-60 giây và sau đó thả ra; lặp lại động tác này 4 lần với mỗi tay.
duỗi ngón tay

Cách thực hiện duỗi ngón tay giúp tăng cường vận động cho người bệnh lao da và mô dưới da.

Động tác nắm tay

Tác dụng: Giúp giảm đau, giảm ngứa vùng da, tăng cường tầm vận động khớp vùng lao.

Cách thực hiện:

  • Nắm bàn tay nhẹ nhàng và quấn ngón cái qua các ngón tay.
  • Giữ tư thế này trong 30 đến 60 giây, thả và dang rộng các ngón tay của bạn; lặp lại động tác với cả hai tay ít nhất 04 lần.
nắm ngón tay

Động tác nắm tay.

2.3. Các hoạt động thể chất khác

- Đi bộ: Người bệnh lao da và mô dưới da có thể đi bộ nhẹ nhàng ở công viên hoặc đi bộ trên máy tập nhằm giảm lo âu, tăng cường hệ miễn dịch, thư giãn tinh thần. Người bệnh nên đi bộ 30-40 phút/lần, ngày 02 lần vào sáng sớm, chiều tối.

- Chạy bộ: Chạy bộ mỗi ngày 20-30 phút ở nơi thông thoáng giúp lưu thông khí huyết, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch của cơ thể, giúp người bệnh lao da và mô dưới da ngủ ngon, tăng cường tầm vận động khớp.

- Đạp xe: Đạp xe tại chỗ hoặc đạp xe trên đường thư giãn tinh thần, tăng cường sức khỏe.

- Khiêu vũ: Đây là hình thức thể dục nhịp điệu giúp người bệnh lao da và mô dưới da giảm lo âu, giảm triệu chứng đau, ngứa vùng da bị lao.

3. Những lưu ý dành cho người bị bệnh lao da và mô dưới da khi tập luyện

Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng lúc 6-7h, tránh tập đêm khuya gây mất ngủ. Thời gian mỗi lần tập từ 20 phút đến 40 phút, 1-2 lần/ngày. Trong giai đoạn bệnh cấp tính, cơ thể bị sốt, mệt mỏi, thể trạng yếu, vùng lao da đang lở loét, nhiễm trùng không nên tập luyện vì gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Khi bệnh điều trị ổn định bắt đầu tập, tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập.

Cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, tránh tập quá sức.
  • Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ, uống đủ nước.
  • Khi triệu chứng như khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt thì dừng ngay.
  • Tránh xa chất kích thích rượu, thuốc lá, cà phê, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng.

Mời bạn xem tiếp video:

Cảnh báo nguy cơ lao phổi tiến triển nặng khi tự ý điều trị | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn