Người bệnh khô mắt có thêm liệu pháp điều trị mới

22-05-2023 09:57 | Thuốc mới

SKĐS – Khô mắt là tình trạng sức khỏe phổ biến, gây khó chịu, châm chích… có thể gây biến chứng nhiễm trùng mắt, giảm thị lực và giảm chất lượng cuộc sống của người mắc. Miebo (dung dịch nhỏ mắt perfluorohexyloctane) vừa được FDA phê duyệt để ứng phó với tình trạng này.

1. Nguyên nhân gây khô mắt

Khô mắt là một tình trạng phổ biến xảy ra khi nước mắt không thể cung cấp đủ chất bôi trơn cho mắt, do không sản xuất đủ nước mắt (giảm sản xuất nước mắt) hoặc tăng bốc hơi nước mắt, nước mắt kém chất lượng... Sự mất ổn định của nước mắt này dẫn đến viêm và tổn thương bề mặt của mắt.

Bạn có thể bị khô mắt trong một số tình huống, chẳng hạn như trên máy bay, trong phòng máy lạnh, khi đi xe đạp hoặc sau khi nhìn vào màn hình máy tính trong vài giờ…

Các dấu hiệu và triệu chứng của khô mắt:

  • Cảm giác châm chích, nóng rát hoặc trầy xước trong mắt
  • Nhạy cảm với ánh sáng
  • Đỏ mắt
  • Cảm giác như có thứ gì đó trong mắt
  • Khó đeo kính áp tròng
  • Khó khăn khi lái xe vào ban đêm
  • Chảy nước mắt (phản ứng của cơ thể đối với sự kích ứng của khô mắ)
  • Mờ mắt hoặc mỏi mắt…
Thêm một liệu pháp trị chứng khô mắt - Ảnh 1.

Khô mắt có thể gây nhiễm trùng mắt, giảm thị lực...

Những người bị khô mắt có thể gặp các biến chứng sau:

- Nhiễm trùng mắt: Nước mắt bảo vệ bề mặt của mắt khỏi bị nhiễm trùng. Nếu không có đủ nước mắt, có thể tăng nguy cơ nhiễm trùng mắt.

- Ảnh hưởng đến bề mặt mắt: Nếu không được điều trị, tình trạng khô mắt nghiêm trọng có thể dẫn đến viêm mắt, mài mòn bề mặt giác mạc, loét giác mạc và giảm thị lực.

- Chất lượng cuộc sống người bệnh giảm sút: Khô mắt có thể gây khó khăn khi thực hiện các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như đọc sách.

2. Các yếu tố làm tăng khả năng bị khô mắt

- Trên 50 tuổi: Việc sản xuất nước mắt có xu hướng giảm dần khi cao tuổi. Khô mắt phổ biến hơn ở những người trên 50 tuổi.

- Phụ nữ: Thiếu nước mắt phổ biến hơn ở phụ nữ, đặc biệt nếu họ trải qua những thay đổi nội tiết tố do mang thai, sử dụng thuốc tránh thai hoặc mãn kinh

- Chế độ ăn ít vitamin A, omega-3: Vitamin A được tìm thấy trong gan, cà rốt và bông cải xanh… còn axit béo omega-3 được tìm thấy trong cá, quả óc chó và dầu thực vật…

- Đeo kính áp tròng hoặc có tiền sử phẫu thuật khúc xạ…

Người bệnh nên đi khám nếu dấu hiệu và triệu chứng khô mắt kéo dài, bao gồm mắt đỏ, khó chịu, mệt mỏi hoặc đau...
Thêm một liệu pháp trị chứng khô mắt - Ảnh 3.

Đối với hầu hết những người thỉnh thoảng có các triệu chứng khô mắt hoặc nhẹ, chỉ cần dùng nước mắt nhân tạo là đủ.

3. Liệu pháp điều trị khô mắt

Phương pháp điều trị khô mắt có thể giúp bạn dễ chịu hơn. Những phương pháp điều trị này có thể bao gồm thay đổi lối sống và dùng thuốc nhỏ mắt.

Đối với hầu hết những người thỉnh thoảng có các triệu chứng khô mắt hoặc nhẹ, chỉ cần thường xuyên sử dụng thuốc nhỏ mắt không kê đơn, còn gọi là nước mắt nhân tạo là đủ.

Nếu các triệu chứng dai dẳng và nghiêm trọng hơn, cần đến các lựa chọn điều trị khác. Một số phương pháp điều trị tập trung vào việc đảo ngược hoặc kiểm soát tình trạng hoặc yếu tố gây khô mắt. Các phương pháp điều trị khác có thể cải thiện chất lượng nước mắt hoặc ngăn nước mắt nhanh chóng chảy ra khỏi mắt.

Trong một số trường hợp, điều trị một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn có thể giúp loại bỏ các dấu hiệu và triệu chứng khô mắt. Ví dụ, nếu người bệnh đang dùng một loại thuốc gây khô mắt, bác sĩ có thể đề nghị một loại thuốc khác thay thế không gây ra tác dụng phụ này.

Một số thuốc theo đơn dùng để điều trị khô mắt bao gồm:

- Thuốc giảm viêm mí mắt: Tình trạng viêm dọc theo mép mí mắt có thể ngăn các tuyến dầu tiết dầu vào nước mắt. Do đó, có thể dùng thuốc kháng sinh để giảm viêm. Thuốc kháng sinh trị khô mắt thường được dùng bằng đường uống, mặc dù một số loại được dùng dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc mỡ.

- Thuốc nhỏ mắt để kiểm soát viêm giác mạc: Tình trạng viêm trên bề mặt mắt (giác mạc) có thể được kiểm soát bằng thuốc nhỏ mắt theo đơn có chứa thuốc ức chế miễn dịch cyclosporine hoặc corticosteroid. Corticosteroid không lý tưởng để sử dụng lâu dài do các tác dụng phụ có thể xảy ra.

- Thuốc kích thích chảy nước mắt: Các thuốc cholinergic (pilocarpine, cevimeline) giúp tăng tiết nước mắt. Những loại thuốc này có sẵn dưới dạng thuốc viên, gel hoặc thuốc nhỏ mắt. Các tác dụng phụ có thể xảy ra bao gồm đổ mồ hôi.

- Thuốc xịt mũi để tăng tiết nước mắt: Varenicline (tyrvaya) dạng xịt mũi, được xịt một lần vào mỗi lỗ mũi, hai lần một ngày.

Mới đây, Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê duyệt miebo (dung dịch nhỏ mắt perfluorohexyloctane), để điều trị các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh khô mắt (DED). Đây là phương pháp điều trị bệnh khô mắt đầu tiên và duy nhất được FDA chấp thuận nhắm trực tiếp vào sự bay hơi nước mắt.

Nước mắt bay hơi, nguyên nhân hàng đầu gây ra khô mắt, là một thách thức lớn trong điều trị. Với sự chấp thuận của miebo, giờ đây các chuyên gia chăm sóc mắt, có thể thực hiện một cách tiếp cận mới trong điều trị khô mắt.

Bệnh nhân nên tháo kính áp tròng trước khi sử dụng miebo và đợi ít nhất 30 phút trước khi đeo lại. Sử dụng thuốc chính xác theo khuyến cáo.

Tác dụng phụ về mắt phổ biến nhất được thấy trong các nghiên cứu là nhìn mờ và đỏ mắt.


Mời độc giả xem thêm video:

Muốn Mắt Sáng, Hãy Tăng Cường Những Loại Thực Phẩm Này I SKĐS


DS. Hoàng Thu
Ý kiến của bạn