Hà Nội

Người bệnh hồng ban nút nên tập luyện như thế nào?

17-11-2024 06:30 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh hồng ban nút có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kéo dài và tái phát nhiều lần. Việc thực hiện các bài tập sẽ giúp người bệnh cải thiện triệu chứng, tăng cường sức khỏe...

1. Vai trò của tập luyện với người bệnh hồng ban nút

Hồng ban nút là một bệnh lý da được đặc trưng bởi các nốt cục tròn đỏ và đau thường xuất hiện ở cẳng chân, xung quanh mắt cá chân, ít gặp hơn ở đùi, cẳng tay. Những nốt cục này lành dần để lại hình ảnh giống như vết bầm tím.

Triệu chứng kèm theo các biểu hiện trên da là sốt, mệt mỏi, suy nhược thần kinh, chán ăn, đau các khớp, đau nhức, viêm ngứa vùng da bị tổn thương.

Khi tập luyện, người mắc bệnh hồng ban nút sẽ:

- Giảm các triệu chứng lo âu, lo lắng, căng thẳng, giảm đau vùng da bị viêm, khớp viêm, giúp giảm triệu chứng đau, ngứa, giúp bệnh nhân thư giãn, ăn ngon, ngủ tốt.

- Tăng cường sức đề kháng cho cơ thể, đẩy lùi bệnh tật, giảm tác dụng phụ quá trình điều trị bằng kháng sinh, corticoid.

- Giúp cho cơ thể năng động, tăng cường lưu thông khí huyết, tăng cường quá trình trao đổi chất, giảm viêm ngứa ở da bị bệnh, tăng cường sức khỏe bản thân.

2. Các bài tập cải thiện sức khỏe cho người bệnh hồng ban nút

2.1 Yoga

Đứng gập người về phía trước: Giúp giảm viêm ngứa da, tăng cường hệ miễn dịch cơ thể, thư giãn tinh thần.

Cách thực hiện:

  • Đứng hai chân rộng bằng hông, từ từ hít vào, vươn tay lên cao.
  • Thở ra, từ từ vươn dài gập người về phía trước, chân thẳng. Đầu và cánh tay thả lỏng hoặc tay đặt lên gót chân.
  • Giữ đầu gối mềm mại để giúp mông hướng lên trên dễ dàng.‏‏ Mắt nhìn qua 2 chân, hít thở sâu. Giữ nguyên tư thế trong khoảng một phút. Lặp lại 3-5 lần.
Tư-thế-gập-người-trước-2

Tư thế gập người phía trước.

Tư thế phục hồi: Giúp tăng miễn dịch ở vùng da bệnh, giúp da mau phục hồi.

Cách thực hiện:

  • Đứng hai chân dang rộng, cách nhau khoảng 90 cm, mũi chân hướng sang hai bên, chắp tay trước ngực.
  • Từ từ hạ mông xuống, sao cho đùi vuông góc với cẳng chân. Hạ thấp vai, đẩy ngực về phía trước. Giữ nguyên tư thế, rồi hít thở đều. Lặp lại từ 5-7 lần.
Utkata-Konasana-yoga

Tư thế phục hồi.

Tư thế chiến binh II: Tăng cường sức mạnh cho chân cũng như mắt cá chân, giảm đau khớp gối.

Cách thực hiện:

  • Bắt đầu với tư thế đứng thẳng, bước chân phải lên trước 1 bước, xoay ngang bàn chân trái về phía bên trái, chú ý gót chân của cả 2 chân phải thẳng hàng.
  • Nâng 2 tay ngang vai. Tay phải hướng về trước, tay trái hướng ra sau, lòng bàn tay úp xuống, hít sâu, sau đó thở ra và khuỵu đầu gối phải xuống, cố gắng giữ thẳng cẳng chân.
  • Duỗi thẳng 2 tay và giữ tay luôn song song với sàn. Mắt nhìn theo hướng tay phía trước. Duy trì tư thế tối đa 60 giây rồi trở về trạng thái ban đầu. Đổi chân và lặp lại bài tập.

Tư thế hoa sen: An thần, loại bỏ những căng thẳng buồn phiền.

Cách thực hiện:

- Bắt đầu bằng tư thế ngồi, hai chân duỗi thẳng, giữ lưng thẳng. Từ từ gập đầu gối trái, đặt bàn chân trái lên đùi phải, gập đầu gối phải và đặt bàn chân phải lên đùi trái.

- Hai bàn tay đặt úp trên đầu gối, cố gắng duy trì tư thế đầu cổ đều thẳng.

- Hít vào thở ra đều đặn, thư giãn tinh thần để cả cơ thể được giải phóng trong vài phút hoặc cố gắng lâu nhất có thể. Lặp lại với tư thế đổi vị trí hai chân bắt chéo. Giữ tư thế này từ 1 – 5 phút.

Tư thế ngọn núi: Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể, giảm căng thẳng, giảm đau khớp gối.

Cách thực hiện:

  • Đứng thẳng, hai bàn chân song song hơi cách xa nhau, hai tay xuôi cùng cơ thể.
  • Hít vào và duỗi vai, vươn cánh tay lên trên, nâng cao gót chân, đảm bảo cho trọng lượng cơ thể dồn vào các ngón chân, cảm nhận sự căng của cả cơ thể từ đầu đến chân.
  • Giữ tư thế trong vài giây, sau đó thở ra và thả lỏng, trở về tư thế ban đầu và lặp lại 5-7 lần.

2.2 Bấm huyệt

Huyệt túc tam lý nằm ở mé ngoài phía trước cẳng chân, dưới mắt gối ngoài 3 tấc (phía ngoài xương mác khoảng 1 ngón tay đặt ngang, khe giữa xương chày và xương mác). Bấm huyệt này giúp tăng cường hệ miễn dịch, đề kháng cho cơ thể; giúp giảm đau, giảm viêm, ngứa; giảm đau da, đau khớp...

Bấm huyệt ngày 03-04 lần, mỗi lần 15-20 phút.

day-bam-huyet-tuc-tam-ly

Vị trí huyệt túc tam lý trên cơ thể.

2.3 Các hoạt động tập luyện khác

Đi bộ nhẹ nhàng: Ở công viên, xung quanh nhà nơi thoáng mát giúp lưu thông khí huyết, giải tỏa căng thẳng, tăng cường sức đề kháng, hệ miễn dịch, tăng cường trao đổi chất. Đi bộ 30 - 40 phút ngày 02 lần vào sáng sớm, chiều tối.

- Bơi lội: Giúp tinh thần phấn chấn, tăng cường sức đề kháng chống đỡ bệnh tật; giảm đau - viêm; giảm triệu chứng ngứa, giúp cơ thể sạch sẽ. Ngày bơi 01 lần khoảng 30-40 phút vào chiều tối.

3. Những lưu ý khi tập luyện

- Thời điểm tập tốt trong ngày: Nên tập vào buổi sáng, lúc ta đang tràn đầy năng lượng, tập xong vệ sinh tắm rửa sạch sẽ, tránh tập luyện khi cơ thể mệt mỏi, đói bụng, quá no. Thời gian tập nên từ 20 - 40 phút một ngày.

- Trong giai đoạn bệnh cấp tính đau nhức nhiều, sốt, ngứa, hạch ngoại vi sưng đau không được tập luyện. Khi bệnh lui, đã được điều trị ổn định mới tập luyện.

- Cách tập không gây hại sức khỏe:

  • Chọn bài tập phù hợp, cường độ tập tăng dần, nên phối hợp nhiều bài tập đạt hiệu quả tốt nhất.
  • Tập trong môi trường thông thoáng sạch sẽ, uống đủ nước quần áo rộng rãi thoáng mát, chất liệu mềm, co giãn tốt.
  • Khi có triệu chứng khó thở, mệt mỏi, đau bụng, tức ngực, hoa mắt... thì dừng ngay.
  • Tập luyện với chế độ ăn uống khoa học bổ sung rau củ, vitamin B, C, tắm rửa, vệ sinh thân thể sạch sẽ, tránh xa chất kích thích như cà phê, rượu.

Mời bạn em tiếp video:

Những nguyên nhân dẫn đến viêm da cơ địa thường bị bỏ qua? | SKĐS


BS. Vũ Duy Thành
Ý kiến của bạn