Người bệnh hen sử dụng corticoid kéo dài ảnh hưởng thế nào tới cơ thể?

27-07-2023 14:20 | An toàn dùng thuốc

SKĐS- Người mắc bệnh hen dùng corticoid đường toàn thân kéo dài có thể gây tác dụng phụ nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi cơ quan trong cơ thể.

Bệnh hen là gì?

Theo PGS.TS.BSCK2 Nguyễn Văn Đoàn, nguyên Giám đốc TT Miễn dịch và Dị ứng lâm sàng, Bệnh viện Bạch Mai, bệnh hen là bệnh mãn tính đường thở (phế quản) do viêm, co thắt và tăng tính phản ứng đường thở, gây ra các triệu chứng:

Người bệnh hen sử dụng corticoid kéo dài ảnh hưởng như nào tới cơ thể? - Ảnh 1.

Triệu chứng hay gặp nhất trong bệnh hen là ho

Ho khan, kết thúc ho có khạc đờm trắng, dính.

- Khò khè (thở rít, cò cử).

- Khó thở (thở ngắn, khó thở ra).

- Nặng ngực (tức ngực).

Với bốn đặc điểm của hen gồm:

-Tái đi tái lại nhiều lần.

- Thường xảy ra về đêm và sáng.

- Liên quan đến thay đổi thời tiết.

- Bệnh xuất hiện hoặc tăng lên khi tiếp xúc với các yếu tố khởi phát.

Triệu chứng hay gặp nhất trong bệnh hen là ho, đặc biệt với bệnh nhân hen là trẻ em. Ho có thể xuất hiện trước hoặc cũng có thể là triệu chứng duy nhất của hen.

Tác dụng phụ khi bệnh nhân hen uống corticoid kéo dài

Cũng theo PGS.TS.BSCK2 Nguyễn Văn Đoàn, uống corticoid kéo dài ở bệnh hen là uống liều 0,5-1mg/kg/ngày trên 3 tuần. Ví dụ: Medrol 16mg: 2-4 viên/ngày hoặc prednisolone 5mg: 4-8 viên/ngày.

Người mắc bệnh hen dùng corticoid đường toàn thân kéo dài có thể gây tác dụng phụ nặng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi cơ quan trong cơ thể. Cụ thể:

- Ảnh hưởng tới da: Gây mỏng da và tăng các vết bầm, rạn da.

- Chuyển hóa: Gây ức chế trục dưới đồi- tuyến yên- thượng thận.

- Chuyển hóa xương: Gây loãng xương do tăng hoạt động hủy xương và giảm hoạt động tạo xương.

- Tăng huyết áp, rối loạn tâm thần, đục thủy tinh thể, đái đường, hội chứng Cushing, nhiễm trùng…

Người bệnh hen sử dụng corticoid kéo dài ảnh hưởng như nào tới cơ thể? - Ảnh 2.

Sử dụng corticoid kéo dài gây mỏng da và tăng các vết bầm, rạn da. Ảnh minh họa

Bệnh nhân hen nào được uống corticoid kéo dài?

Những bệnh nhân hen được uống corticoid kéo dài gồm:

- Những bệnh nhân hen không kiểm soát được mặc dù đã tuân thủ đầy đủ chế độ điều trị và có kỹ thuật dùng thuốc.

- Bệnh nhân đã dùng thuốc điều trị hen với liều tối đa không đỡ.

- Những bệnh nhân dùng ICS liều cao kết hợp với LABA mà hen không đỡ.

- Các bệnh nhân hen đã dùng đủ liều kháng leukotrien và theophyllin mà tình trạng hen vẫn chưa được cải thiện.

Khi nào bệnh nhân hen phải giảm liều corticoid đường uống?

PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cảnh báo, bệnh nhân hen phải giảm liều corticoid đường uống khi:

-Bệnh nhân hen dùng corticoid kéo dài hàng tháng thì cần giảm liều chậm trước khi ngường hẳn. Cách giảm dần liều corticoid có thể từ mỗi 5mg/ngày cho tới 5mg/tuần.

- Nếu bệnh nhân hen đã dùng corticoid đường uống kéo dài hàng năm cần giảm liều corticoid chậm hơn (giảm 1mg cho mỗi 2-4 tuần).

- Không phải giảm liều nếu bệnh nhân hen chỉ uống corticoid kéo dài dưới 3 tuần.

Tự ý dùng thuốc xịt mũi nhiều năm, chàng trai 25 tuổi suy thượng thận thứ phátTự ý dùng thuốc xịt mũi nhiều năm, chàng trai 25 tuổi suy thượng thận thứ phát

SKĐS - Ngạt tắc mũi kéo dài gần 10 năm nay, chàng trai 25 tuổi thường xuyên dùng thuốc xịt mũi chống ngạt mũi, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị suy thượng thận thứ phát.

Mai Phương
Ý kiến của bạn