Trong làn sóng đại dịch COVID-19, nhiều người vừa tuân thủ phòng chống dịch theo khuyến cáo tiêm vắc xin, nhưng cũng vừa phải điều trị các bệnh mạn tính đang mắc như viêm khớp dạng thấp, viêm tuyến giáp tự miễn, bệnh lupus ban đỏ hệ thống, được cấy ghép nội tạng.... Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến hiệu quả của vắc xin COVID-19 ?
Thuốc ức chế miễn dịch làm suy yếu hệ thống miễn dịch, có làm giảm đáp ứng của cơ thể đối với vaccine COVID-19?
Một nghiên cứu mới ở Hoa Kỳ (5/2021) phân tích dữ liệu bệnh nhân từ hơn 3 triệu người có hồ sơ bảo hiểm y tế, cho thấy, gần 3% người Mỹ trưởng thành dưới 65 tuổi dùng thuốc làm suy yếu hệ thống miễn dịch. Nghiên cứu được công bố trên JAMA Network Open, tập trung vào các bệnh nhân phải dùng thuốc ức chế miễn dịch, bao gồm thuốc hóa trị và corticosteroid như prednisone, dexamethasone.
Dữ liệu cho thấy hai phần ba số bệnh nhân này đã dùng thuốc uống corticosteroid ít nhất một lần, và hơn 40% dùng corticosteroid hơn 30 ngày trong một năm. Những loại thuốc này có thể làm giảm hiệu quả của vắc xin đồng thời làm tăng nguy cơ mắc bệnh COVID-19.
Người bệnh lupus ban đỏ hệ thống và người bệnh viêm đa khớp dạng thấp thường phải dùng các thuốc ức chế miễn dịch.
Hầu hết các nghiên cứu về hiệu quả của vaccine COVID-19 trên những người bị ức chế miễn dịch tập trung vào nhóm bệnh nhân cấy ghép nội tạng. Theo một nghiên cứu khác cũng ở Hoa Kỳ trên 658 bệnh nhân cấy ghép nội tạng, được tiêm hai liều vắc xin COVID-19 mRNA, cho thấy, chỉ 15% bệnh nhân có kháng thể chống lại vi rút sau lần tiêm vắc xin đầu tiên. Sau liều thứ hai, tỷ lệ này là 54%.
Thuốc ức chế miễn dịch là những thuốc có tác dụng ức chế hoặc ngăn chặn hoạt động của hệ thống miễn dịch trong cơ thể, nhằm: Giảm các phản ứng đào thải của cơ thể đối với các cơ quan cấy ghép;ngăn chặn sự tấn công của hệ miễn dịch lên chính các mô tế bào của cơ thể trong các bệnh tự miễn như lupus ban đỏ hệ thống, viêm đa khớp dạng thấp, viêm gan tự miễn, bệnh vẩy nến, đa xơ cứng...; ngoài ra còn điểu trị để điều trị một số bệnh viêm nhưng không tự miễn khác như viêm cột sống dính khớp, hen phế quản.
Thật không may, chính những thuốc ức chế miễn dịch cũng làm giảm khả năng đáp ứng của hệ thống miễn dịch đối với những tác nhân lạ xâm nhập vào cơ thể, như vi khuẩn và vi rút, các kháng nguyên có trong vắc xin như vắc xin COVID-19 chẳng hạn. Điều này giải thích vì sao hệ thống miễn dịch cơ thể đáp ứng không đầy đủ với vắc xin COVID-19 và tạo ra một lượng kháng thể thấp. Nghiên cứu còn cho thấy, một số loại thuốc ức chế miễn dịch có ảnh hưởng lớn hơn đến phản ứng với vắc xin so với những loại khác.
Người bị suy giảm miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch có nên tiêm vắc xin COVID-19 ?
Người bị suy giảm miễn dịch có nguy cơ cao bị biến chứng nặng do COVID-19, bao gồm những người có bệnh lý nền như ung thư và đái tháo đường, người sử dụng corticosteroid hoặc các loại thuốc làm suy giảm miễn dịch khác. Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng virus SARS-CoV-2 có thể tồn tại lâu hơn ở những người bị ức chế miễn dịch, vì hệ thống miễn dịch của họ tạo ra phản ứng yếu hơn đối với vắc xin.
Do vậy, một số nhà nghiên cứu đề xuất, người bệnh chỉ nên sử dụng corticosteroid trước và sau tiêm vắc xin COVID-19 khoảng 2 tuần. Có thể dùng các thuốc giảm đau thay thế khác trong điều trị viêm khớp dạng thấp để hạn chế ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch của cơ thể.
Dù thế nào, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) vẫn khuyến cáo những người bị suy giảm miễn dịch nên tiêm phòng vắc xin COVID-19. Và hơn ai hết, họ cần tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt những biện pháp phòng ngừa ( đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác và không tụ tập, rửa tay thường xuyên...) trước và sau khi đã tiêm vắc xin COVID-19.