Hà Nội

Người bệnh đau dạ dày nên ăn đu đủ như thế nào?

04-11-2022 08:00 | Dinh dưỡng
google news

SKĐS - Một câu hỏi rất phổ biến đối với những người bị đau dạ dày, đó là người đau dạ dày có được ăn đu đủ không, ăn đu đủ có làm tình trang bệnh nặng lên không?. Nếu rất muốn ăn thì ăn thế nào để an toàn?

1. Thành phần dinh dưỡng của đu đủ

Đu đủ là một loại trái cây quen thuộc có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Hầu hết lượng calo trong đu đủ đến từ carbohydrate. Có gần 16g carbohydrate trong một khẩu phần (145g) đu đủ, bao gồm 2,5g chất xơ và khoảng 11g đường tự nhiên. Chỉ số đường huyết của đu đủ là 60 và lượng đường huyết là 9. Hầu như không có chất béo trong đu đủ, với mỗi khẩu phần 1 cốc chứa ít hơn 1g.

Đu đủ rất giàu vitamin C, cung cấp 88,3mg trong mỗi khẩu phần. Đối với hầu hết người lớn, lượng vitamin C được khuyến nghị trong chế độ ăn uống là từ 75-90mg, do đó, 1 cốc đu đủ bao gồm 100% nhu cầu vitamin C hàng ngày của cơ thể. Đu đủ cũng là một nguồn tuyệt vời của vitamin A và đặc biệt hơn là lycopene carotenoid.

Một cốc đu đủ tươi (145g) có 62 calo, 91% trong số đó đến từ carbs, 4% từ chất béo và 4% từ protein.

Người bệnh đau dạ dày nên ăn đu đủ chín - Ảnh 2.

Đu đủ rất giàu vitamin C tốt cho sức khỏe.

2. Lợi ích của đu đủ với sức khỏe

Tăng cường thị lực, hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện làn da... là những lợi ích sức khỏe tuyệt vời của quả đu đủ. Thường xuyên bổ sung đu đủ vào chế độ ăn uống là đã có thể tận hưởng những lợi ích tuyệt vời mà đu đủ mang lại.

Do hàm lượng chất dinh dưỡng cao, đu đủ mang lại lợi ích sức khỏe cho toàn bộ cơ thể. Với các vitamin chống ôxy hóa mạnh của đu đủ giữ cho các tế bào cơ thể khỏe mạnh.

2.1 Cải thiện làn da

Vitamin C là một tiền chất mà cơ thể sử dụng để sản xuất collagen, việc nhận đủ vitamin C sẽ cải thiện khả năng tự phục hồi của da. Trong khi đó đu đủ lại chứa hàm lượng vitamin C dồi dào. Kali trong đu đủ có tác dụng làm ẩm da, giúp cải thiện da khô và da xỉn màu.

Một lượng lớn vitamin A và C trong đu đủ là những chất chống ôxy hóa, làm giảm sự hình thành các gốc tự do, nguyên nhân gây lão hóa da sớm.

2.2 Tăng cường thị lực

Beta caroten là dạng vitamin A được tiêu thụ trong trái cây, rau và một số thực phẩm protein. Vitamin A rất quan trọng cho thị lực và đu đủ là một nguồn tuyệt vời. Các nghiên cứu cho thấy, beta carotene trong đu đủ có khả năng sinh học cao hơn gấp ba lần so với beta carotene trong cà rốt hoặc cà chua.

Đối với những người ở giai đoạn đầu của bệnh thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, việc cung cấp đủ beta-carotene sẽ làm giảm nguy cơ và mức độ nghiêm trọng của sự tiến triển của bệnh. Các nguồn thực phẩm giàu vitamin A từ tự nhiên như đu đủ là một cách an toàn và lành mạnh để có được vi chất dinh dưỡng có lợi này.

2.3 Hỗ trợ tiêu hóa

Giống như hầu hết các loại trái cây và rau quả, đu đủ rất giàu chất xơ, có lợi cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, đu đủ còn chứa enzyme papain có tác dụng giúp phân hủy protein. Papain cũng đã được nghiên cứu về khả năng hỗ trợ tiêu hóa gluten ở những người nhạy cảm với gluten không thuộc bệnh celiac. Khi được cung cấp một hỗn hợp enzyme có nguồn gốc từ đu đủ và vi sinh vật, các triệu chứng không dung nạp gluten đã được cải thiện mà không gây tác dụng phụ đối với sức khỏe.

2.4 Hỗ trợ sức khỏe tim mạch

Chất xơ trong đu đủ giúp hỗ trợ sức khỏe tim mạch. Chất xơ cũng làm tăng cảm giác no, có thể giúp kiểm soát cân nặng lành mạnh. Đu đủ cũng cung cấp kali, magie và axit pantothenic, là những khoáng chất góp phần làm cho sức khỏe tim mạch được tốt hơn.

3. Người bệnh đau dạ dày có được ăn đu đủ hay không?

Người bệnh đau dạ dày nên ăn đu đủ chín - Ảnh 4.

Người bệnh đau dạ dày nên ăn đu đủ chín.

Một câu hỏi rất phổ biến mà nhiều người bị đau dạ dày hay hỏi, đó là đau dạ dày có được ăn đu đủ hay không? BS. Nguyễn Thị Kim Hải (Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng) cho biết, đu đủ chín chứa rất nhiều papain, một enzym giúp tiêu hóa đạm và hỗ trợ cho vấn đề về tiêu hóa. Từ đó cải thiện các triệu chứng về tiêu hóa được tốt hơn. Đu đủ chứa hàm lượng lớn folate, xenlulo, chất chống ôxy hóa, chất xơ… giúp phòng chống bệnh ung thư ruột kết, cải thiện chứng táo bón.

Tuy nhiên, khi có bệnh lý về dạ dày hay khi đang đói bụng thì không nên tiêu thụ đu đủ sống vì đu đủ sống cứng, khô làm cho dạ dày phải hoạt động tăng co bóp nhiều hơn. Từ đó làm cho những cơn đau dạ dày trở nên khó chịu hơn.

Người có bệnh lý về dạ dày vẫn có thể sử dụng đu đủ chín ở dưới dạng xay sinh tố uống sau bữa ăn, tránh sử dụng lúc đói. Đừng quên rằng đu đủ rất giàu vitamin và khoáng chất rất có lợi cho sức khỏe của người sử dụng. Đu đủ chín cũng có kết cấu rất mềm, dễ tiêu hóa nên không gây áp lực lên quá trình hoạt động của dạ dày, giúp giảm kích thích lên các vết loét, vết tổn thương trong dạ dày.

4. Bảo quản đúng cách

Đu đủ có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng cho đến khi chín hoàn toàn và sau đó để trong tủ lạnh đến một tuần. Đu đủ càng xanh thì càng ít chín. Yếu tố quyết định độ chín tốt nhất là màu sắc chứ không phải độ mềm. Chọn những quả đu đủ có màu da xanh từ vàng đến xanh tương đối rõ rệt. Tránh những quả đu đủ có nhiều mụn, chọn những quả căng mọng và nhẵn.

Nếu bạn muốn đu đủ chín nhanh hơn, hãy đặt cả quả vào túi giấy cùng với một quả chuối chín. Chuối chín giải phóng khí ethylene một cách tự nhiên giúp trái cây nhanh chín hơn.

Trước khi cắt đu đủ tươi, hãy rửa tay và rửa đu đủ dưới vòi nước để làm sạch vi khuẩn hoặc bụi bẩn trên da có thể truyền vào dao trong khi cắt. Sau khi cắt, bảo quản đu đủ trong tủ lạnh và có thể sử dụng trong vài ngày.

Những lưu ý cần thiết khi dùng đu đủ chữa bệnhNhững lưu ý cần thiết khi dùng đu đủ chữa bệnh

SKĐS - Các bộ phận của cây đu đủ, từ rễ đến ngọn, đều có lợi ích cho sức khỏe và được sử dụng làm thuốc chữa bệnh. Tuy nhiên, khi dùng đu đủ như một vị thuốc, người dùng cần thận trọng và lưu ý những điều cần thiết để đạt kết quả tốt nhất.

Xem thêm video đang được quan tâm: 

8 thói quen đơn giản nên thực hiện để có trái tim khỏe mạnh.


Vân Khanh
Ý kiến của bạn