Chỉ vì dấu bệnh, hoặc nghe lời mách bảo mà nhiều người đã tự lấy lá trong vườn, cây thuốc Nam không rõ nguồn gốc, xuất xứ hoặc cao dán để đắp vào các u, cục nổi lên ở vùng vú với hy vọng sau vài tuần những khối u đó sẽ xẹp. Thế nhưng, xẹp đâu không thấy, hậu quả ngày càng nặng nề hơn và không ít người đã rất hối hận chỉ vì “đánh cược” mạng sống của mình theo kiểu chữa bệnh mách bảo... bởi phần lớn các ca bệnh ung thư vú tự đắp lá, tự chữa bằng thuốc Nam không nguồn gốc, khi đến viện đều ở giai đoạn muộn...
Khối u vú căng phồng, lở loét, thêm di căn vì... đắp lá
Mới đây, các bác sĩ Khoa Nội 1- Bệnh viện K cơ sở Tân Triểu đã tiếp nhận nữ bệnh nhân 51 tuổi ở Bắc Quang- Hà Giang nhập viện với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ bê bết ở vú. Theo lời kể của bệnh nhân H.T.T, trước đó khoảng 1 năm, bà tự sờ thấy u vú nhưng đã không đi khám mà nghe lời mách bảo đã đi mua thuốc lá của “thầy lang” về đắp. Gần một năm đắp lá vào khối u, chẳng những khối u vú không nhỏ đi mà ngày càng to hơn, căng phồng như quả bưởi và đã loét vỡ gây loét ngoài ra, sùi như súp lơ đỏ.
Một trưởng hợp bệnh nhân bị tổn thương vùng vú nặng nền do chữa ung thư vú bằng đắp lá
“Bệnh nhân H.T.T đã bị tổn thương thâm nhiễm toàn bộ vú trái, giai đoạn lan rộng tại chỗ không còn khả năng phẫu thuật. Hiện bệnh nhân đang điều trị hoá chất, tuy nhiên đó chỉ là điều trị triệu chứng, giúp kéo dài thời gian tối đa”- BS Đỗ Huyền Nga- Phó Khoa Nội 1 cho biết
Một trường hợp khác là nữ bệnh nhân 52 tuổi ở Phú Thọ nhập viện với các vết lở loét, sưng phồng, chảy máu mủ bê bết ở vú. Theo lời kể của bệnh nhân N.T.C. trước đó, bà đã được chẩn đoán là ung thư vú giai đoạn 2. Dù bác sĩ đã khuyên ung thư vú giai đoạn 2 nếu tuân thủ phác đồ điều trị thì tỷ lệ khỏi bệnh rất cao nhưng bà C. đã nghe lời của bạn bè, nhờ người làng mua thuốc lá của “thầy lang” trên vùng núi với lời quảng cáo “chữa khỏi nhiều ung thư hiểm nghèo như phổi, vú, não”. Mặc dù cảm thấy nóng rát, đau tức ngưc khi đắp lá nhưng bà C. vẫn tin đó là thuốc đang “có tác dụng” cho đến khi ngực sưng tấy, lở loét, chảy mủ... con cái mới ép bà đi khám.
Tại Bệnh viện K, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán bà C. bị nhiễm trùng nặng tuyến vú do đắp lá. Phần hoại tử đã lan rộng sang nách, do đó, các bác sĩ đã phải cắt bỏ toàn bộ vú và khoét rộng sang cả nách. Điều đáng tiếc khối u vú của bà C. đã xâm lấn, di căn, chuyển sang ung thư giai đoạn 4...
Tầm soát ung thư vú để kịp thời phát hiện bệnh
Đáng tiếc, trường hợp như bệnh nhân T. và C. không quá hiếm, bởi theo TS. BS Lê Thanh Đức (trưởng khoa Nội 5, Bệnh viện K), tại Khoa thi thoảng cũng tiếp nhận các bệnh nhân nữ đến thăm khám u vú trong tình trạng đã bị tổn thương nặng vùng vú, ngực loét, khối u to như trái bưởi, có người vừa đỏ, căng, có người vỡ loét chảy mủ, nách to, sưng đỏ. Hầu như những bệnh nhân này khi chụp chiếu thường di căn phổi, gan, xương, giai đoạn 4, khiến cho quá trình điều trị khó khăn và không hiệu quả.
TS. BS Lê Thanh Đức- Trưởng khoa Nội 5- Bệnh viện K
Điều đáng nói, không chỉ bệnh nhân ở vùng sâu, vùng xa cả tin vào phương pháp chữa ung thư vú bằng đáp lá, dán cao... mà ngay cả phụ nữ ở vùng thành thị, thậm chí ngay tại thủ đô cũng có bệnh nhân nữ chữa bệnh theo cách này!
“Một số loại hồ, cao có tính chất nóng, kích thích tế bào phát triển, một số loại khac không kích thích nhưng cũng không làm bệnh lui đi, nhưng làm mất thời gian điều trị. Sau 5 – 6 tháng, khối u phát triển to lên theo thời gian, làm chuyển từ giai đoạn sớm thành giai đoạn muộn, từ chưa di căn thành di căn”- BS Đức cảnh báo.
Theo BS Đức, đối với những trường hợp này, chúng tôi vừa phải cắt bỏ da thịt hoại tử, vừa phải tìm cách nạo vét hạch cho sạch, không bị bỏ sót. “Từ thực tiễn cho thấy người bệnh nên tin tưởng và làm theo cách chữa bệnh khoa học, tránh tâm lý buông xuôi muốn đến đâu thì đến, từ chối điều trị bằng các phương pháp khoa học để chữa bệnh theo cách mách bảo, theo mạng xã hội để rồi tiền mất mà thêm tật. Hậu quả là bệnh nhân đã bị chậm điều trị, dẫn đến ung thư đã chuyển sang giai đoạn muộn hơn khiến việc điều trị khó khăn, thậm chí đã quá muộn” - TS. Đức nói.
Thông tin thêm về vấn đề này, BS Đỗ Huyền Nga cho hay, thực trạng đáng tiếc là nhiều chị em phụ nữ chưa ý thức được việc đi tầm soát ung thư vú nên phần lớn các ca bệnh ung thư vú đến khám và điều trị đã ở giai đoạn 2, 3, thậm chí có trường hợp bệnh đã ở giai đoạn 4.
Lúc này, khả năng chữa khỏi thấp hơn rất nhiều so với đến sớm. Trong khi đó, ung thư vú là căn bệnh có thể phát hiện sớm và chữa khỏi nếu điều trị kịp thời và đúng phương pháp, việc phát hiện càng sớm thì việc điều trị càng đơn giản, hiệu quả, tỷ lệ chữa khỏi càng cao và chi phí điều trị càng thấp.
Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử bố mẹ bị các ung thư như đại trực trạng, buồng trứng, phổi, cổ tử cung... thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ.
Đối với phụ nữ ở tuổi ngoài 50, trung bình nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.