Tác giả nghiên cứu, Jingyi Qian, chuyên gia sinh lý học tại Bệnh viện Brigham and Women ở Boston (Mỹ), cho biết: "Nếu chúng ta tập thể dục sau bữa ăn thì có thể có lợi hơn so với tập khi đói, và nếu bạn tập thể dục vào buổi chiều thì thường là sau bữa ăn. Trái lại, những người tập thể dục buổi sáng thường là trước khi ăn và tập thể dục xong họ mới ăn".
"Điều này không có nghĩa là bạn nên bỏ tập thể dục nếu không thu xếp được thời gian tập vào buổi chiều. Nhìn chung, thời gian tốt nhất để tập thể dục là bất cứ khi nào bạn có thể và bất cứ nơi nào bạn có thể tập" - Jingyi Qian nhấn mạnh.
Trong nghiên cứu, hơn 2.400 người mắc bệnh đái tháo đường type 2 đã được đeo một thiết bị ở thắt lưng để theo dõi hoạt động thể chất trong một tuần khi nghiên cứu bắt đầu được tiến hành và 4 năm sau đó. Họ được phân nhóm dựa trên thời gian tập trong ngày tại thời điểm 1 năm và 4 năm.
Kết quả cho thấy, những người tập thể dục buổi chiều (từ 2 giờ chiều đến 5 giờ chiều) có sự cải thiện tốt hơn trong việc kiểm soát lượng đường trong máu sau 1 năm, cũng như tại thời điểm 4 năm. Hơn nữa, những người tập thể dục vào buổi chiều có nhiều khả năng giảm sự phụ thuộc vào các thuốc hạ đường huyết hơn.
Phó giáo sư Tanya Halliday tại Đại học y tế Utah (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Vẫn còn quá sớm để đưa ra bất kỳ khuyến nghị rộng rãi nào về thời gian tốt nhất trong ngày để tập thể dục cho những người mắc bệnh đái tháo đường type 2".
"Chúng tôi chưa biết liệu thời gian tập thể dục có liên quan đến kết quả nghiên cứu mới này hay không, hoặc liệu có sự khác biệt giữa những người tự lựa chọn tập thể dục vào những thời điểm khác nhau trong ngày hay không.
Ví dụ, thời gian tập thể dục có thể dẫn đến những thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc giấc ngủ giúp cải thiện lượng đường trong máu và giảm việc sử dụng thuốc hạ đường huyết. Sở thích cá nhân, lịch làm việc và thời điểm bạn bè tập luyện đều có thể là yếu tố ảnh hưởng tới việc tập luyện của mỗi người" - Tanya Halliday cho biết thêm.
Theo hướng dẫn hiện nay của Hội đái tháo đường Mỹ, yêu cầu mục tiêu đáp ứng hoạt động thể chất là 150 phút trở lên cho hoạt động thể dục nhịp điệu cường độ trung bình đến nặng mỗi tuần và 2-3 buổi tập thể dục rèn luyện sức bền mỗi tuần.
Các chuyên gia cho rằng những người mắc bệnh đái tháo đường type 2 nên trao đổi về kế hoạch tập thể dục của bản thân với bác sĩ điều trị và điều chỉnh chế độ thuốc thích hợp khi việc tập thể dục của họ đạt hiệu quả.
Tiến sĩ Ruchi Mathur, chuyên gia nội tiết tại Trung tâm giáo dục và điều trị ngoại trú bệnh đái tháo đường Cedars-Sinai ở Los Angeles (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cũng đồng tình với kết quả nghiên cứu mới này và cho rằng tất cả những người tập thể dục đều thấy lượng đường trong máu giảm, bất kể tập thời gian nào, nhưng hiệu quả thể hiện rõ ràng hơn ở những người tập thể dục vào buổi chiều.